Ba kích – Cây thuốc quý của người Việt

Thứ Năm, 27/05/2021, 16:17
Ba kích tím từ lâu đã được biết đến là nguồn dược liệu quý trong y học cổ truyền của Việt Nam. Những nghiên cứu tác dụng sinh học và dược lý hiện đại cũng cho thấy kích có nhiều tác dụng dược lí, đặc biệt có tác dụng hỗ trợ phòng chống loãng xương.

Đây là lý do để các nhà khoa học của Trung tâm Vật liệu y dược tiên tiến, trực thuộc Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam bắt tay thực hiện dự án cấp Nhà nước “Thương mại hóa quy trình công nghệ sản xuất thực phẩm chức năng hỗ trợ phòng chống loãng xương từ ba kích tím Quảng Ninh”.

Dự án này thuộc Chương trình phát triển thị trường khoa học và công nghệ đến năm 2020 (Chương trình 2075) của Bộ Khoa học và Công nghệ, do dược sĩ Phan Kế Sơn - Viện Khoa học vật liệu, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam – làm chủ nhiệm.

Dược sĩ Phan Kế Sơn.

Dược liệu quý giá

Theo Y học cổ truyền, ba kích có tác dụng trợ dương, mạnh gân cốt, khử phong thấp, dùng chữa dương ủy, phong thấp cước khí, gân cốt yếu mềm, lưng gối mỏi đau. Trong nhân dân, ba kích là một vị thuốc bổ trí não và tinh khí, dùng trong các bệnh liệt dương, sớm xuất tinh, di mộng tinh, phụ nữ kinh nguyệt không đều, còn dùng chữa bệnh phong thấp, mạnh gân cốt. Ba kích được dùng dạng thuốc sắc hay cao lỏng, có thể nấu với thịt gà ăn bồi bổ sức khỏe.

Bên cạnh đó, ba kích có nhiều tác dụng dược lí, gồm: Bảo vệ tinh trùng khỏi những tác nhân gây hại như tác nhân gây oxy hóa trên tinh trùng người, khiếm khuyết gây ra bởi cytoxan trên chuột cống đực; Tác dụng chống mệt mỏi và tăng cường thể lực; điều hòa miễn dịch do có tác dụng điều hòa chuyển đổi của lymphocyte T và B cũng như kéo dài tuổi thọ của lymphocyte, và còn làm tăng tuyến ức; chống trầm cảm và chống stress; bảo vệ thần kinh trung ương; chống viêm và giảm đau; hạ đường huyết và chống oxy hóa trên mô hình chuột gây đái tháo đường.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, tác dụng hỗ trợ phòng chống loãng xương của các hoạt chất trong ba kích đã được công bố trong nhiều nghiên cứu cả in vitro và in vivo.

Nghiên cứu in vitro trên tế bào tủy xương chuột cho thấy các chất thuộc nhóm anthraquinone từ ba kích có khả năng kích thích tăng sinh các tế bào tạo xương]. Trong khi đó, một số hợp chất khác trong cùng nhóm này giúp giảm sự mất xương nhờ khả năng ức chế tế bào hủy xương. Polysaccharide có trong cây ba kích có khả năng kích thích biểu hiện của các gen liên quan đến biểu hiện xương và giúp giảm hiện tượng mất xương.

Nghiên cứu in vivo cũng khẳng định, hợp chất metropein chiết tách từ ba kích làm tăng sự tạo xương và phòng chống mất xương trên chuột. Bên cạnh đó, viên nang ba kích giúp ngăn ngừa loãng xương do mất xương nhờ khả năng làm giảm AKP và TRAP trong huyết tương. Viên ba kích cũng giúp tăng độ chắc khỏe của xương và phòng ngừa sự suy thoái vi cấu trúc của xương.

Như vậy, các thành phần trong cây ba kích đều có tiềm năng phòng ngừa và hỗ trợ điều trị loãng xương. Tuy nhiên, việc nghiên cứu, khai thác ba kích trong phòng chống loãng xương ở nước ta gần như chưa được thực hiện.

Dược sĩ Phan Kế Sơn tại Phòng thí nghiệm trọng điểm, Viện Khoa học vật liệu.

Nguồn nguyên liệu phong phú và bền vững

Về nguồn nguyên liệu, ba kích đã được chú ý bảo tồn nguồn gen và giống từ lâu. Từ những năm 1970 đến nay, đã có rất nhiều công trình nghiên cứu trong nước về tạo cây con, nhân giống và bảo tồn nguồn gen cây ba kích, đã thành công trong thuần hóa, di thực và chọn lựa giống của ba kích. Nhờ đó, ba kích đã được phát triển rộng khắp cả nước, đem lại giá trị kinh tế cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh đã kết hợp với Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam thống nhất việc xây dựng Đề án phát triển Vùng dược liệu ba kích tại huyện Ba Chẽ và phấn đấu trình Chính phủ đưa vào danh mục phát triển Vùng dược liệu Quốc gia.

Để đảm bảo nguồn giống ba kích tốt phục vụ sản xuất, Trung tâm Khoa học và Sản xuất Lâm nông nghiệp Quảng Ninh là đơn vị duy nhất trên địa bàn tỉnh đã nghiên cứu và ứng dụng thành công phương pháp nuôi cấy mô để nhân giống cây Ba kích tím. Bằng phương pháp nhân giống nuôi cấy mô vừa bảo tồn được nguồn gen, vừa nhân nhanh với số lượng lớn cây giống với độ đồng đều cao mà vẫn giữ được đặc tính di truyền của cây mẹ. Đến nay, Trung tâm đã sản xuất ra hàng chục vạn cây giống Ba kích tím từ phương pháp nuôi cấy mô cung cấp cho thị trường trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh Quảng Ninh, Tam Đảo – Vĩnh Phúc cũng đã và đang được xây dựng để trở thành một nguồn cung cấp Ba kích chất lượng đảm bảo cho nhu cầu sử dụng. Khí hậu và thổ nhưỡng tại Tam Đảo rất thích hợp cho việc trồng Ba kích lấy củ, mô hình trông 3 ha Ba kích đã được thực hiện thành công tại đây và sẽ còn tiếp tục được mở rộng trong tương lai.

Thái Hoàng
.
.
.