Xung đột tái bùng phát, Azerbaijan chiếm loạt vị trí ở Nagorno-Karabakh

Thứ Năm, 04/08/2022, 07:26

Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố giành quyền kiểm soát một số vị trí trọng yếu ở vùng Nagorno-Karabakh sau khi khu vực này ghi nhận trở lại các vụ đụng độ giữa Azerbaijan và Armenia.

RiaNovosti ngày 3/8 dẫn thông báo của Bộ Quốc phòng Azerbaijan tuyên bố họ đã vừa giành quyền kiểm soát một số vị trí ở vùng Nagorno-Karabakh thông qua hoạt động quân sự, vốn được mô tả là nhằm "trả đũa" việc Armenia "vi phạm lệnh ngừng bắn" do Nga bảo trợ tháng 11/2020.

Xung đột tái bùng phát, Azerbaijan chiếm loạt vị trí ở Nagorno-Karabakh -0
Hình ảnh do Azerbaijan đăng tải về đợt tập kích ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: Anadolu

Lực lượng quân sự của người Armenia bản địa tại Nagorno-Karabakh bác cáo buộc, khẳng định quân đội Azerbaijan mới là bên châm ngòi đụng độ khi sử dụng súng cối và máy bay không người lái tập kích các vị trí của người Armenia. 

Các hãng tin địa phương ghi nhận, ít nhất một người Azerbaijan và 2 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng, một số người khác bị thương trong đợt đụng độ mới nhất. 

Quân đội Nga, lực lượng đảm trách vai trò gìn giữ hòa bình tại Nagorno-Karabakh, xác nhận căng thẳng ở khu vực leo thang và tình hình đang trở nên nghiêm trọng hơn. Moscow gần đây đã liên hệ với đại diện ở Baku và Yerevan để tìm kiếm giải pháp hạ nhiệt căng thẳng.

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan – quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở đây lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến kéo dài từ 1988-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.

Tháng 9/2020, xung đột tái bùng phát. Sau nhiều tuần giao tranh khiến gần 5.000 người chết, tháng 11/2020, Nga đã môi giới thành công một thoả thuận ngừng bắn 3 bên cùng Armenia và Azerbaijan, rồi sau đó triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình đến khu vực.

Theo thoả thuận của Nga, Armenia phải trao trả các phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, gần hai năm qua, các đợt đụng độ quy mô nhỏ vẫn nổ ra và cả Armenia lẫn Azerbaijan đều đổ lỗi cho đối phương leo thang căng thẳng.

Ngoài Nga, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng đề nghị Armenia và Azerbaijan kiềm chế. "Cần giảm căng thẳng nhanh chóng, tôn trọng hoàn toàn lệnh ngừng bắn và quay trở lại bàn đàm phán để tìm cách giải quyết tình hình", thông cáo của EU có đoạn.

Thái Hà
.
.
.