Xuất hiện hai vết nứt lớn chưa từng có ở biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria

Thứ Bảy, 11/02/2023, 12:40

Hai vết nứt lớn trên vỏ trái đất được xác định thuộc khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syia sau khi nơi này hứng chịu hai trận động đất liên tiếp hôm 6/2, làm rung chuyển khu vực, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng. 

The Space ngày 11/2 dẫn lời các nhà nghiên cứu từ Trung tâm Quan sát và thiết lập mô hình động đất, núi lửa, kiến tạo (COMET) thuộc Vương quốc Anh, công bố một hình ảnh vệ tinh về các vết nứt xuất hiện sau thảm họa động đất ở khu vực biên giới Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. 

Theo đó, các nhà nghiên cứu phát hiện ra hai vết nứt, hay còn được gọi là đường đứt gãy khi so sánh hình ảnh trước và sau ở khu vực hứng chịu thảm họa, được chụp từ vệ tinh quan sát trái đất Sentinel-1 của châu Âu.

1.jpeg -0
Hình ảnh vệ tinh chụp hai đường đứt gãy xuất hiện sau thảm họa động đất ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria. Ảnh: COMET.

Thông báo từ COMET trên Twitter nêu rõ, đường đứt gãy đầu tiên dài 300 km theo hướng Đông Bắc từ biển Địa Trung Hải, được tạo ra bởi trận động đất mạnh 7,8 độ hôm 6/2. Vết nứt thứ hai dài 125 km, mở ra sau trận động đất 7,5 độ xảy ra cùng ngày. 

Giáo sư Tim Wright - người đứng đầu COMET chia sẻ với The Space rằng những đường đứt gãy như vậy thường xuất hiện sau các trận động đất mạnh. Nhưng hai đường đứt gãy này dài bất thường, thậm chí dài nhất từng được ghi nhận ở các lục địa, minh chứng cho việc năng lượng giải phóng từ thảm họa này là rất lớn. 

Xuất hiện hai đường đứt gãy lớn chưa từng có sau thảm họa ở Thổ Nhĩ Kỳ - Syria -0
Vết nứt chạy qua thành phố Hassa (Thổ Nhĩ Kỳ). Ảnh: Ozdemir Alpay.

Sự chuyển động của các mảng kiến tạo là nguyên do gây ra động đất, khiến hình thành các đường đứt gãy có thể thấy rõ trên mặt đất, chạy qua các thị trấn và một số trường hợp thì cắt qua nền các tòa nhà. Nhiều nhà khoa học địa phương cũng chia sẻ hình ảnh chụp vết nứt trên mặt đất, xác nhận những gì vệ tinh quan sát từ vũ trụ.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) ước tính, thảm họa động đất nêu trên diễn ra dọc theo đường đứt gãy ở độ sâu 18 km bên dưới mặt đất. Tâm chấn nông có nghĩa rung động lan tỏa với lực dữ dội, trải rộng hàng trăm km từ tâm chấn. Nhiều chuyên gia của NASA đã nghiên cứu và đưa ra báo cáo rằng chiều dài vết nứt cũng như cường độ của trận động đất mạng 7,8 độ hôm 6/2 tương tự như trận động đất năm 1906 phá hủy thành phố San Francisco.

Theo The Guardian, gần một tuần sau thảm họa, số người thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria ghi nhận được đã lên tới gần 24.000 người. Trong khi đó, các lực lượng cứu hộ vẫn chạy đua với thời gian để cứu người sống sót và đưa những nạn nhân bị chôn vùi dưới đống đổ nát ra ngoài. 

Trong một diễn biến khác, nhà địa chấn học Dogan Perincek cảnh báo, một trận động đất mạnh khoảng 7 độ richter có thể sớm xảy ra ở phía Tây Thổ Nhĩ Kỳ. Theo chuyên gia này, những ngày gần đây, hoạt động địa chấn ở khu vực xung quanh thành phố cảng Canakkale từ hướng biển Marmara diễn ra vô cùng mạnh mẽ. Ngoài ra, cứ khoảng 250 năm lại xảy ra những trận động đất lớn ở Canakkale và lần gần nhất theo nghiên cứu của ông Dogan Perincek là 287 năm trước. 

Kim Ngọc
.
.
.