WHO công bố tên mới cho "đậu mùa khỉ"

Thứ Ba, 29/11/2022, 09:40

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mới đây cho biết sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ “mpox” để chỉ bệnh “đậu mùa khỉ” nhằm tránh sự phân biệt và kỳ thị.

WHO công bố tên mới cho
Ảnh minh họa Reuters. 

Liên hợp quốc trước đây từng chỉ trích việc báo chí đưa thông tin chưa đầy đủ về loại bệnh này kèm theo từ ngữ có thể gây ra sự kỳ thị người đồng tính, phân biệt chủng tộc.

Căn bệnh “mpox” lần đầu tiên được phát hiện ở người vào năm 1970 tại Cộng hòa Dân chủ Congo, từ đó lây lan chủ yếu ở một số quốc gia Tây và Trung Phi.

Từ tháng 5 năm nay, số ca nhiễm bệnh ngoài khu vực này gia tăng đáng kể, chủ yếu là ở đối tượng đàn ông có quan hệ tình dục đồng giới. Số ca nhiễm kể từ đó tăng mạnh trên phạm vi toàn thế giới.

WHO đã tuyên bố sự lây lan của bệnh “đậu mùa khỉ” là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng gây quan ngại quốc tế (PHEIC), mức cảnh báo cao nhất của tổ này vào ngày 23/7.

Điều đáng quan ngại là bên cạnh sự lây lan của virus, sự kỳ thị và phân biệt chủng tộc cũng lan rộng trên mạng, WHO cho biết.

Tổ chức Y tế Thế giới đã khởi động chương trình tham vấn trong cộng đồng để tìm tên mới cho căn bệnh này vào đầu năm nay và đã nhận được hơn 200 đề xuất.

Một trong những đề xuất nhận được nhiều sự ủng hộ là “mpox” hoặc “Mpox”, do tổ chức sức khỏe nam giới REZO đưa ra.

“Sau một loạt các cuộc tham vấn với các chuyên gia toàn cầu, WHO sẽ bắt đầu sử dụng thuật ngữ ‘mpox’. Cả hai tên sẽ được sử dụng đồng thời trong vòng một năm đến khi ‘monkeypox’ bị loại bỏ.”

Quá trình chuyển đổi kéo dài một năm là để tránh nhầm lẫn do thay đổi tên đột ngột trong bối cảnh dịch bệnh vẫn lây lan mạnh trên toàn cầu.

Khoảng 81.107 trường hợp nhiễm bệnh được xác nhận tại 110 quốc gia và 55 trường hợp tử vong, theo WHO.

Theo dữ liệu của WHO, 97% ca nhiễm là nam giới, độ tuổi trung bình là 34 tuổi; 85% trong số các ca nhiễm được xác định là nam giới có quan hệ tình dục đồng giới.

10 quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất là: Mỹ (29.001), Brazil (9.905), Tây Ban Nha (7.405), Pháp (4.107), Colombia (3.803), Anh (3.720), Đức (3.672), Peru (3.444), Mexico (3.292) và Canada (1.449), chiếm 86% tổng số ca nhiễm toàn cầu.

Duy Tiến (Theo Al Jazeera)
.
.
.