Washington khẳng định cố gắng "giải cứu" những người Mỹ và Afghanistan bị mắc kẹt
Khi 5 chiếc máy bay vận tải quân sự cuối cùng của Mỹ cất cánh khỏi Afghanistan ngày 30/8, dù vẫn còn khoảng 100 người Mỹ và hàng nghìn người Afghanistan muốn ra đi đang tuyệt vọng không thể rời khỏi nước này.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken mới đây cho biết, Washington sẽ tiếp tục cố gắng đưa người Mỹ và người Afghanistan rời khỏi nước này, đồng thời sẽ hợp tác với các nước láng giềng của Afghanistan để đảm bảo an toàn cho việc sơ tán những người này bằng đường bộ hoặc đường không khi sân bay Kabul được mở cửa trở lại, AP đưa tin.
Ông Blinken cho biết, Mỹ “nhận thức rõ rằng công tác sơ tán sẽ không dễ dàng hay nhanh chóng”, nói thêm rằng, “tổng số người Mỹ vẫn còn ở Afghanistan và muốn rời đi có thể là khoảng 100 người”.
Phát biểu ngay sau khi Lầu Năm Góc thông báo hoàn thành đợt rút quân và sơ tán, Ngoại trưởng Blinken cho biết Đại sứ quán Mỹ tại Kabul sẽ vẫn đóng cửa và không hoạt động trong thời gian tới. Các quan chức ngoại giao Mỹ sẽ chuyển sang trụ sở tại Doha, Qatar.
Ông Blinken tái khẳng định rằng các cơ quan chức năng “sẽ tiếp tục nỗ lực không ngừng để giúp người Mỹ, công dân nước ngoài và người Afghanistan rời khỏi nước này theo nguyện vọng của họ”.
Tướng Frank McKenzie, người đứng đầu Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ, cho biết, quân đội Mỹ có thể đưa 1.500 người Afghanistan đi khỏi nước này trong những giờ cuối cùng trước hạn chót. Tuy nhiên, trong thời gian tới, Bộ Ngoại giao Mỹ sẽ làm việc thêm với Taliban về vấn đề đưa người dân khỏi Afghanistan.
Ông McKenzie cho biết các lực lượng của Mỹ đã tiến hành các biện pháp để ngăn chặn Taliban hay các phần tử khủng bố ở khu vực không có được các hệ thống vũ khí quân sự của Mỹ.
Tờ New York Times ngày 28/8 dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, quân đội Mỹ đã phá hủy căn cứ Đại bàng, cơ sở cuối cùng của CIA bên ngoài sân bay Hamid Karzai tại thủ đô Kabul, Afghanistan. Việc Mỹ phá hủy căn cứ trên trước khi rời khỏi Afghanistan để đảm bảo rằng, Taliban sẽ không tiếp cận được bất kỳ thiết bị hoặc tài liệu nào bị bỏ lại.
Mối đe dọa khủng bố vẫn là một vấn đề lớn ở Afghanistan, với ít nhất 2.000 thành viên “cốt cán” của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn đang hoạt động tại nước này.
Quân đội Mỹ vẫn để lại một số trang thiết bị cho Taliban để vận hành sân bay Kabul, như xe cứu hỏa hay thang máy bay. Ngoại trưởng Mỹ cho biết sẽ đề nghị Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar hỗ trợ để sân bay Kabul tiếp tục được hoạt động trong thời gian tới.