Viện trợ Ukraine: Bài toán không dễ với EU

Thứ Sáu, 10/03/2023, 07:48

Mặc dù đã có những đồng thuận bước đầu về việc tăng cường cung cấp đạn pháo và mua thêm đạn dược để hỗ trợ Ukraine, song việc các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) sẽ biến những mục tiêu này trở thành hiện thực như thế nào lại là bài toán không hề dễ giải.

Sự đồng thuận là kết quả mà Hội nghị thượng đỉnh không chính thức các Bộ trưởng Quốc phòng EU diễn ra tại Stockholm hôm 8/3 (giờ địa phương) đạt được theo kế hoạch do đại diện cấp cao của EU phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Josep Borrell vạch ra.

Theo Euro News, kế hoạch này được đưa ra dự trên 3 trụ cột: tăng cường viện trợ từ các kho dự trữ còn lại, thúc đẩy sản xuất đạn dược ở 27 quốc gia thành viên thông qua mua sắm chung và gia tăng năng lực công nghiệp quốc phòng của khối trong dài hạn. Với việc EU bước đầu nhất trí về kế hoạch mua chung đạn dược để hỗ trợ Ukraine, các quốc gia thành viên trong khối sẽ nhận được khoản ưu đãi tài chính trị giá 1 tỷ euro (1,06 tỷ USD) để gửi thêm đạn pháo tới Kiev, trong khi 1 tỷ euro khác sẽ được dành để tài trợ cho việc mua chung lô đạn pháo mới. Động thái này được đưa ra sau khi Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov, người được mời tham dự hội nghị, cho biết sự thiếu hụt đạn dược đã khiến các lực lượng nước này phải giảm đáng kể tần suất bắn đạn pháo trên chiến trường so với trước đây, nhấn mạnh rằng Ukraine cần 1 triệu quả đạn 155mm cũng như loại 105mm.

Viện trợ Ukraine: Bài toán không dễ với EU -0
Tốc độ sử dụng đạn pháo của Ukraine nhanh hơn tốc độ mà nước này sản xuất hoặc nhận được từ các đồng minh. Ảnh: Reuter

Phát biểu sau hội nghị, ông Borrell nêu rõ: “Đã có thỏa thuận chung về thủ tục này nhưng vẫn còn những câu hỏi đang chờ xử lý. Mọi thứ phải được thảo luận chi tiết”. Ông hy vọng kế hoạch này sẽ được hoàn thiện tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng EU vào ngày 20/3 tới. Tại hội nghị, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine cũng đề xuất những người đồng cấp EU ủng hộ kế hoạch của Estonia, theo đó, các quốc gia thành viên trong khối liên kết với nhau để mua 1 triệu quả đạn pháo cỡ 155mm trong năm nay với chi phí 4 tỷ euro nhằm hỗ trợ quân đội Ukraine.

Trên thực tế, kể từ khi xung đột Nga_Ukraine nổ ra, EU đã cung cấp đạn pháo và vũ khí cho Kiev thông qua Cơ chế Hòa bình châu Âu (EPF). Tuy nhiên, gần đây, Ukraine sử dụng nhiều đạn pháo hơn số lượng mà nước này sản xuất hoặc nhận được từ các đồng minh. Các quan chức EU cũng ước tính rằng các lực lượng Ukraine sử dụng tới 7.000 quả đạn pháo mỗi ngày nhưng tốc độ sản xuất đạn dược vẫn đang hạn chế. Nếu các nhà sản xuất vũ khí muốn gia tăng sản lượng và xây dựng những nhà máy mới, họ cần có nhiều đơn đặt hàng lớn và nguồn kinh phí đảm bảo. Với hy vọng giải quyết vấn đề này, đề xuất sử dụng ngân sách chung của EU để đặt hàng và mua tới 1 triệu quả đạn pháo cho Ukraine, với chi phí lên tới 4 tỷ USD ra đời. Đây là cách tiếp cận mà Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho là giống với những gì châu Âu từng thực hiện để đảm bảo nguồn cung vaccine sớm trong đại dịch COVID-19.

Như vậy, so với đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine, kế hoạch của đại diện cấp cao EU có quy mô nhỏ hơn nhưng vẫn sẽ là bước đi mang tính bước ngoặt đối với EU vì hoạt động mua sắm quốc phòng trước đây phần lớn chỉ dành cho các chính phủ thành viên riêng lẻ của khối. Trước những diễn biến mới này, nhà phân tích quốc phòng người Pháp Franois Heisbourg đánh giá cao ý tưởng mua chung vũ khí của châu Âu, nhưng ông cảnh báo rằng, ngay cả khi có đủ kinh phí, các nhà cung cấp phương Tây vẫn chưa thể cung cấp đạn dược nhanh chóng.

“Vấn đề nằm ở chỗ các nhà máy cần thời gian để đi vào hoạt động”, ông lưu ý. Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius cũng nhận định việc tìm tiếng nói chung trong cung cấp đạn dược cho Ukraine là "đúng đắn và cần thiết" nhưng không nên xa rời thực tế rằng ngành công nghiệp này sẽ cần thời gian để tăng cường năng lực.

"Chúng ta phải đối mặt với sự thật. Chỉ vì tất cả chúng ta đặt hàng nhiều hơn không có nghĩa là có nhiều đạn dược hơn. Đạn phải được sản xuất trước khi có thể được giao", ông nói. Điều này từng được chính ông Borrel đề cập tại hội nghị ngoại trưởng EU cuối tháng 2 vừa qua, rằng: “Nếu chúng ta thất bại trong việc đẩy nhanh tốc độ sản xuất đạn dược thì châu Âu sẽ đối mặt với những nguy hiểm khó lường từ kết quả của cuộc xung đột Nga-Ukraine”. Ngoài ra, cũng có những lo ngại về việc kế hoạch mua chung của EU sẽ gặp khó khăn do sự bất đồng giữa các quốc gia thành viên liên quan đến nguồn tài chính và kế hoạch chi trả. Trong bối cảnh đó, hãng tin Bloomberg cùng ngày nhận định, chính phủ các nước EU tuy đã tránh được suy thoái kinh tế vào đầu năm nay, nhưng giờ đây, mối đe dọa về một cuộc suy thoái mới đang bao trùm khu vực. Điều này là do chi phí quá lớn của các chính phủ châu Âu để chống lại sự phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp khí đốt của Nga.

Bloomberg đưa tin lạm phát cơ bản trong khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), không bao gồm giá năng lượng và lương thực, đã đạt mức cao kỷ lục 5,6% trong tháng Hai và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) dường như sẽ tăng lãi suất lên mức kỷ lục 4% để phù hợp. Tuy nhiên, chiến lược này có rủi ro. Nếu không thắt chặt hơn nữa chính sách tiền tệ, một vòng luẩn quẩn mới của việc tăng giá do tiền lương tăng có thể bắt đầu. Liệu các quốc gia EU có thể dung hòa những lợi ích riêng và đồng thuận chung hay không, khi sức ép từ phía Ukraine liên tục dội về, và áp lực trong nước ít nhiều tăng lên?

An Nhiên
.
.
.