Vì sao người bản địa Māori kiến nghị đổi tên nước New Zealand?

Thứ Ba, 14/09/2021, 11:02

Truyền thông New Zealand ngày 14/9 đưa tin, đảng Māori của những người bản địa nước này đã tái khởi động một chiến dịch kêu gọi đổi tên quốc gia sau 49 năm. Và mục đích của việc này được cho là giúp Wellington trở thành một khối đoàn kết hơn.

Vì sao người bản địa Māori kiến nghị đổi tên nước New Zealand?  -0
Đại diện đảng Māori cho rằng Aotearoa sẽ đại diện tốt hơn cho các giá trị của đất nước. Nguồn: Getty images.

Theo đó, một bản kiến nghị đổi tên quốc gia đã được đại diện đảng Māori trình lên chính phủ ngày 14/9. Cụ thể, bản kiến nghị nêu rõ, New Zealand nên được thay thế bằng Aotearoa, danh xưng của nước này trong tiếng Māori . 

Lãnh đạo đảng Māori Rawiri Waititi và Debbie Ngarewa-Packer cho rằng, thay đổi này sẽ giúp đất nước thắt chặt đoàn kết hơn là chia rẽ. Họ viện dẫn, New Zealand là tên có nguồn gốc từ tiếng Hà Lan. Nhưng hồi 2019, Hà Lan đã đổi tên từ Holland thành Netherlands để thể hiện sự cởi mở và sáng tạo. Do đó, việc sử dụng Aotearoa một cách chính thức như tổ tiên họ trước đây sẽ đại diện tốt hơn cho các giá trị của đất nước.

Ngoài ra, đảng này cũng mong muốn chính phủ “xác định và chính thức khôi phục tên gốc Māori cho tất cả các thị trấn, thành phố và địa điểm trên toàn quốc” trong vòng 5 năm tới. Bởi họ muốn bảo tồn và phát triển văn hóa Māori trước nguy cơ mai một của toàn cầu hóa. "Nếu trước đây 90% người bản địa nói lưu loát tiếng Māori thì sau 90 năm, tỉ lệ này giảm xuống chỉ còn 20%", ông Rawiri Waititi nói.

Theo truyền thông địa phương, đa phần người dân bao gồm các quan chức, lãnh đạo đảng phái và các công ty tại đây ngày càng sử dụng nhiều hơn danh xưng Aotearoa thay thế hoặc song song với New Zealand, dù sự thay đổi này vẫn chưa được chính thức hóa. Năm ngoái, Thủ tướng Jacinda Ardern cũng chia sẻ rằng, bà nhận thấy rất nhiều người sử dụng danh xưng Aotearoa và bà coi đây là một điều tích cực. 

Trước đó, lãnh đạo đảng Quốc gia Judith Collins đã kêu gọi một cuộc trưng cầu dân ý về việc sử dụng Aotearoa. Bà chia sẻ, động lực để thực hiện điều này là vì "có những quy tắc ngầm nghiêm cấm công chức không dùng Aotearoa dù nó đang rất phổ biến". 

 

Linh Đan
.
.
.