Vận xui chưa thôi đeo bám Boeing
Trong thời gian gần đây, hàng loạt vấn đề về liên quan đến quản lý kỹ thuật đã liên tục tìm đến nhà sản xuất máy bay Boeing của Mỹ. Nguyên nhân có phần nào đến từ cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các hãng hàng không.
Trong sự cố mới nhất, chiếc Boeing 787 của Hãng hàng không LATAM Airlines (Chile) đã gặp sự cố khi đang trên đường từ Sydney (Australia) đến Auckland (New Zealand) hôm 11/3. Cụ thể, chiếc máy bay chở 263 hành khách và 9 thành viên phi hành đoàn, đã bị giảm độ cao đột ngột khiến nhiều hành khách hoảng sợ và bị thương. Tuy nhiên, chuyến bay đã hạ cánh đúng giờ. Đội cứu hộ khẩn cấp đã được thông báo ngay trước khi chuyến bay hạ cánh và hơn chục xe cứu thương cùng các phương tiện y tế khác đã nhanh chóng tới hiện trường.
Các nhân viên y tế cho biết họ đã điều trị cho khoảng 50 bệnh nhân sau khi chuyến bay hạ cánh xuống sân bay Auckland, tính đến sáng 12/3 vẫn còn 4 người phải điều trị trong bệnh viện. Hiện chưa giải thích được nguyên nhân máy bay đột ngột thay đổi quỹ đạo.
Ủy ban Điều tra tai nạn giao thông (TAIC) của New Zealand ngày 12/3 thông báo cơ quan này đang giữ thiết bị ghi âm buồng lái và thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay của chiếc máy bay nói trên. Các thiết bị này sẽ giúp cung cấp thêm thông tin về quỹ đạo của máy bay và liên lạc giữa các phi công.
Theo TAIC, cơ quan chức năng Chile đã mở cuộc điều tra về nguyên nhân sự cố và sẽ phối hợp với phía New Zealand trong quá trình điều tra. Cùng ngày, LATAM Airlines cho biết, hãng đang làm việc với các cơ quan chức năng để làm sáng tỏ sự cố kỹ thuật này, vụ việc mới nhất trong một loạt sự cố về an toàn của các máy bay do Boeing sản xuất. Cơ quan Hàng không dân dụng New Zealand cho biết sẽ hỗ trợ điều tra nếu cần.
Trước đó, hôm 7/3, máy bay Boeing 777 chở 249 người của Hãng hàng không United Airlines dự kiến bay từ Mỹ đến Nhật Bản đã phải hạ cánh khẩn cấp sau khi vừa cất cánh tại sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ) do rơi mất một bánh xe. Theo United Airlines, chuyến bay lẽ ra hạ cánh xuống TP Osaka (Nhật Bản), song phải chuyển hướng đến TP Los Angeles (Mỹ) và hạ cánh an toàn.
Các vấn đề về an toàn này mới nổi lên chỉ 2 tháng sau khi thân cửa thoát hiểm của máy bay Boeing 737 MAX thuộc Hãng hàng không Alaska Airlines bất ngờ bị bung ra do bị thiếu 4 bu lông ở những vị trí quan trọng, tạo lỗ hổng lớn trên thân máy bay ngay sau khi vừa cất cánh. Mặc dù không có ai bị thương nghiêm trọng, nhưng các điều tra viên nhận định vụ việc có thể rất thảm khốc.
Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) sau đó đã ra lệnh đình chỉ bay đối với 171 máy bay MAX 9 thân hẹp có cấu trúc tương tự, đồng thời cho Boeing 90 ngày để đưa ra kế hoạch giải quyết các vấn đề kiểm soát chất lượng và yêu cầu Boeing phải “cam kết cải tiến thực sự và sâu sắc”. Bộ Tư pháp Mỹ đã mở cuộc điều tra hình sự về vụ tai nạn này. Cuộc điều tra sẽ cung cấp thông tin để Bộ Tư pháp đánh giá xem liệu Boeing có tuân thủ thỏa thuận dàn xếp sau 2 vụ rơi máy bay 737 MAX thảm khốc vào năm 2018 và 2019 hay không.
Trước đó, vào tháng 1/2021, Boeing đã đạt được Thỏa thuận dàn xếp giải quyết vụ việc để tránh bị truy tố hình sự (DPA) với Bộ Tư pháp Mỹ, cho phép Boeing miễn trừ truy tố hình sự về các cáo buộc âm mưu gian dối khi che giấu lỗi thiết kế máy bay - vốn là nguyên nhân dẫn đến 2 vụ tai nạn này. Đổi lại, Boeing phải trả 2,5 tỷ USD tiền phạt và bồi thường cho chính phủ, các hãng hàng không và quỹ hỗ trợ nạn nhân. Alaska Airlines tuyên bố sẽ hợp tác với Bộ Tư pháp Mỹ trong cuộc điều tra nói trên.
Sau sự cố hồi tháng 1/2024, FAA đã tiến hành kiểm tra quy trình sản xuất và nghiệm thu thân máy bay 737 MAX 9 của Boeing. Tờ New York Times ngày 11/3 dẫn báo cáo kết quả kiểm tra cho thấy, dòng máy bay trên đã không vượt qua được cuộc kiểm tra toàn diện khi chỉ đạt 33 trong tổng số 89 bài kiểm tra. Riêng đối với Spirit AeroSystems - công ty chuyên sản xuất và lắp đặt thân máy bay cho dòng MAX, các quy trình sản xuất và lắp đặt của công ty này chỉ vượt qua được 6 trong 13 bài kiểm tra.
Cụ thể, Spirit AeroSystems không vượt qua hai bài kiểm tra liên quan đến cánh cửa khoang hàng và lắp đặt cửa sổ buồng lái. Ngoài ra, quy trình kiểm tra riêng đối với khóa chốt cửa thân máy bay cũng phát hiện ra 5 sai sót và đã không đạt bài kiểm tra về tiêu chuẩn lắp đặt chốt cửa an toàn. Theo báo cáo, kết quả này làm gia tăng quan ngại về công tác kỹ thuật trong quy trình sản xuất. Hiện cả Boeing và Spirit AeroSystems chưa đưa ra phản hồi gì.
Giám đốc FAA Mike Whitaker hy vọng trong vòng 30 ngày tới, Boeing cùng với cơ quan này sẽ có thể xác định được những tiêu chí quan trọng cần đáp ứng trong quy trình sản xuất để có thể tăng sản lượng máy bay dòng MAX trong tương lai. Tuần trước, FAA cho biết đã phát hiện những kẽ hở trong quy trình sản xuất của Boeing, bao gồm không tuân thủ trong kiểm soát quy trình sản xuất, xử lý và lưu trữ các bộ phận cũng như hoạt động đánh giá sản phẩm.
Được xem là “đứa con cưng” cũng như “trụ cột chính” của Boeing, Boeing 737 MAX ra đời từ sự cạnh tranh khốc liệt. Đây là thế hệ thứ tư của dòng 737, được kỳ vọng sẽ là đối chọi được với dòng A320, được phát triển bởi đối thủ Airbus. Hai “ông lớn” này hiện chiếm thị phần lớn trong số máy bay chở khách một lối đi hoặc thân hẹp toàn cầu, phổ biến đối với nhu cầu máy bay thương mại lúc này.
Năm 2010, Airbus đánh bại Boeing khi trình làng chiếc A320neo động cơ mới, đặc biệt mang lại khả năng tiết kiệm nhiên liệu tốt hơn đáng kể. Đối đầu với đối thủ cạnh tranh mạnh như Airbus, Boeing quyết định thay đổi chiến lược. Boeing 737 MAX ra đời với thông báo của công ty vào cuối năm 2011. Thay vì chế tạo chiếc máy bay hoàn toàn mới sẽ tốn nhiều thời gian, Boeing quyết định “tái chế” trên khung máy bay 737 hiện có. Động thái này được nhận định là cốt lõi dẫn đến những thỏa hiệp về thiết kế có thể đã góp phần gây ra hai vụ tai nạn hồi năm 2018 và 2019.
Bên cạnh đó, đối với 2 dòng Boeing MAX 8 và MAX 9, giới hạn sản xuất hiện khoảng 30 chiếc mỗi tháng, nhưng ban lãnh đạo cấp cao Boeing luôn muốn tăng sản lượng để có thể giao đến khách hàng càng sớm càng tốt. Theo một nhân viên của Boeing đã về hưu, người này phải làm việc liên tục từ 10-12 giờ đồng hồ mỗi ngày để kịp xuất xưởng máy bay. Chủ tịch Hiệp hội thợ máy và công nhân hàng không vũ trụ quốc tế Cornell Beard cho rằng, áp lực tiếp tục lên nhân viên có thể khiến kiểm soát chất lượng gặp khó khăn.