Vaccine thay đổi cục diện cuộc chiến chống sốt rét tại châu Phi
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 6/10 cho biết loại vaccine duy nhất được phê duyệt chống lại bệnh sốt rét sẽ được tiêm rộng rãi cho trẻ em châu Phi, đánh dấu một bước tiến lớn chống lại căn bệnh khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng mỗi năm.
Loại vaccine được WHO khuyến nghị chính là “RTS,S” hay còn được bán với tên “Mosquirix”, được phát triển bởi hãng dược phẩm GlaxoSmithKline của Anh.
Kể từ năm 2019, 2,3 triệu liều Mosquirix đã được sử dụng để tiêm cho trẻ sơ sinh ở Ghana, Kenya và Malawi trong một chương trình thử nghiệm quy mô lớn do WHO điều phối. Phần lớn các nạn nhân tử vong do sốt rét ở độ tuổi dưới 5.
Chương trình này được thực hiện sau một loạt các thử nghiệm kéo dài cả thập kỷ ở 7 nước châu Phi.
“Loại vaccine sốt rét được chờ đợi từ lâu này là một bước đột phá của khoa học. Đây là loại vaccine được các nhà khoa học châu Phi phát triển ở châu Phi và chúng tôi rất tự hào”, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết.
Ông nói thêm rằng việc sử dụng vaccine cùng với các biện pháp hiện có để ngăn ngừa bệnh sốt rét có thể cứu sống hàng chục nghìn trẻ em mỗi năm.
Sốt rét là căn bệnh gây chết người ở Châu Phi nhiều hơn cả COVID-19. Ít nhất 386.000 người châu Phi đã thiệt mạng vì căn bệnh này vào năm 2019, theo ước tính của WHO, so với khoảng 212.000 trường hợp tử vong được xác nhận do COVID-19 trong 18 tháng qua.
WHO cho biết 94% trường hợp mắc và tử vong do sốt rét xảy ra ở châu Phi, lục địa có 1,3 tỷ người. Bệnh này do ký sinh trùng truyền sang người qua vết đốt của muỗi vằn mang mầm bệnh; các triệu chứng bao gồm sốt, nôn mửa và mệt mỏi.
Hiệu quả của vaccine trong việc ngăn ngừa các trường hợp sốt rét ác tính ở trẻ em chỉ đạt khoảng 30%, nhưng đây là loại vaccine duy nhất được chấp thuận cho đến nay. Cơ quan quản lý dược phẩm của Liên minh Châu Âu đã phê duyệt loại vaccine này vào năm 2015, nhận định rằng lợi ích của vaccine nhiều hơn rủi ro.
Hồi tháng 4, các nhà nghiên cứu cho biết một loại vaccine khác chống lại bệnh sốt rét, được phát triển bởi các nhà khoa học tại Đại học Oxford của Anh và được gọi là R21 / Matrix-M, đã cho thấy hiệu quả lên tới 77% trong một nghiên cứu kéo dài một năm với 450 trẻ em ở Burkina Faso, nhưng vaccine này vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.