Ukraine tránh được “ngày tận thế” kinh tế trong gang tấc

Thứ Bảy, 03/02/2024, 07:16

Liên minh châu Âu (EU) hôm 1/2 (giờ địa phương) đã nhất trí về gói viện trợ bổ sung trị giá 50 tỉ euro cho Ukraine. Quyết định trên được đưa ra trong bối cảnh triển vọng viện trợ từ Washington cho Kiev trở nên mờ mịt do những tranh cãi chính trị nội bộ và càng trở nên phức tạp hơn bởi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới.

Nhấn mạnh EU đang đảm nhận vai trò lãnh đạo và thể hiện trách nhiệm hỗ trợ Ukraine, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết, gói viện trợ bổ sung trên giúp đảm bảo nguồn tài trợ ổn định, dài hạn cho Kiev. Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen khẳng định, quyết định đồng thuận của các lãnh đạo EU cho thấy châu Âu đang trở lên mạnh mẽ hơn bao giờ hết: “Hôm nay thực sự là một ngày rất đặc biệt. Hội đồng châu Âu tái khẳng định cam kết vững chắc của châu Âu trong việc sát cánh cùng Ukraine”.

Thủ tướng Estonia Kaja Kallas thì mô tả đây là một tín hiệu quan trọng rằng, EU sẽ đứng về phía Ukraine lâu dài. Thủ tướng Latvia Evika Silina gọi thỏa thuận mới nhất là tin tức tuyệt vời cho an ninh Latvia và toàn bộ châu Âu.

Ukraine tránh được “ngày tận thế” kinh tế trong gang tấc -0
Một người phụ nữ Ukraine xem các sản phẩm thịt trong siêu thị ở Kiev, Ukraine. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Đức Olaf Scholz, với nụ cười tươi sau hội nghị nói rằng, việc thông qua được khoản ngân sách hỗ trợ Ukraine trong thời gian ngắn ngay khi hội nghị bắt đầu được xem là một thành công.

Về phần mình, bày tỏ hoan nghênh đối với quyết định của EU, Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal nhấn mạnh, các nước EU một lần nữa đã thể hiện sự đoàn kết với Ukraine. Trong khi Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Tài chính Ukraine Yulia Svyrydenko chia sẻ, khoản viện trợ của EU sẽ góp phần ổn định nền kinh tế vĩ mô của nước này: “Điều rất quan trọng đối với chúng tôi là duy trì sự ổn định kinh tế vĩ mô. Đó là điều kiện tiên quyết cho tăng trưởng kinh tế. Như bạn đã biết, một nửa ngân sách của chúng tôi được tài trợ bởi các đối tác, một nửa là từ các doanh nghiệp Ukraine làm việc, tạo việc làm và đóng thuế. Vì vậy, viện trợ của các đối tác của chúng tôi là cực kỳ quan trọng để duy trì sự ổn định này. Tôi cũng hy vọng rằng, nhà chức trách Mỹ cũng sẽ như EU, tiếp tục hỗ trợ sự ổn định tài chính cho chúng tôi”.

Theo nhận định của giới chuyên gia, nếu không có gói này và một khoản tài trợ tương tự từ Mỹ, Ukraine sẽ không thể tiếp tục cuộc đối đầu với Nga trên tiền tuyến hoặc duy trì nền kinh tế. Chủ tịch Ủy ban Tài chính và Thuế của Quốc hội Ukraine Danylo Hetmantsev khẳng định: “Viện trợ rất quan trọng đối với chúng tôi, vì chi tiêu phi quân sự có kịp thời và đầy đủ hay không đều phụ thuộc vào khoản viện trợ trên”.

Kiev hiện sử dụng số tiền có thể huy động được trong nước để điều hành ngành công nghiệp vũ khí, trả lương cho binh sĩ và các nhân viên an ninh khác, đồng thời bảo đảm an sinh cho những người hưu trí và những người di tản trong nước. Các khoản vay và trợ cấp của phương Tây chi trả cho việc mua sắm và bảo trì vũ khí nước ngoài, cũng như các chi phí xã hội thiết yếu, chẳng hạn như tiền lương cho công chức, nhân viên y tế và giáo dục. Theo kế hoạch, Chính phủ Ukraine sẽ nhận viện trợ tài chính trị giá 37 tỷ USD trong năm nay, hầu như sẽ bù đắp được khoản thâm hụt ngân sách ước tính khoảng 39 tỷ USD.

Theo tính toán từ Trung tâm Chiến lược Kinh tế ở Kiev, những nhà ủng hộ phương Tây đã cung cấp khoảng 73,6 tỷ USD viện trợ tài chính kể từ khi xung đột Nga Ukraine nổ ra vào tháng 2/2022. Thông qua Quỹ Tiền tệ quốc tê (IMF), họ dự kiến sẽ cung cấp cho Ukraine tổng cộng 122 tỷ USD trong giai đoạn 2023-2027. Tuy nhiên, dòng tiền từ phương Tây đã chậm lại trong những tháng gần đây, do xung đột ở Trung Đông, năm bầu cử ở Mỹ bắt đầu và suy thoái kinh tế trầm trọng. Tất cả đã đẩy cuộc chiến tranh lớn nhất ở châu Âu trong 80 năm ra khỏi các chương trình tin tức hàng đầu. Từ đầu năm cho tới trước quyết định ngày 1/2 của EU, Ukraine vẫn chưa nhận được viện trợ tài chính chính thức nào cả.

Thủ tướng Hungary Viktor Orban và người đồng cấp Slovakia Robert Fico đều phản đối cung cấp thêm bất kỳ viện trợ nào cho Ukraine từ ngân sách EU, cho rằng nguồn tài trợ nên được chia thành bốn đợt, mỗi đợt có thể bị phong tỏa bất cứ lúc nào. Trong khi đó ở Mỹ, viện trợ tài chính cho Ukraine đã trở thành “con bài” trong cuộc tranh cãi giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ về chính sách biên giới. Bất chấp sự ủng hộ của Tổng thống Joe Biden, Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson đã yêu cầu Nhà Trắng giải thích mục tiêu cuối cùng của Washington ở Ukraine trước khi bỏ phiếu về viện trợ mới cho Kiev.

Trong khi các cuộc tranh luận ở Mỹ và EU diễn ra, Ukraine đang “nín thở theo dõi”, hy vọng cơ hội nhận được sự hỗ trợ quan trọng sẽ không biến mất. Hiện Ukraine đã tích lũy được hơn 40 tỷ USD dự trữ ngoại hối và có thể cải thiện nhờ thu thuế cũng như khả năng huy động tiền thông qua vay trong nước.

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Ukraine Andriy Pyshnyy cho biết: “Ukraine sẽ có thể tự duy trì trong một thời gian bằng nguồn lực trong nước. Mặc dù rủi ro đối với tính ổn định và kịp thời của dòng viện trợ quốc tế đã trở thành hiện thực, chúng tôi vẫn lạc quan”. Trong khi đó, bà Maria Repko, Phó Giám đốc Trung tâm Chiến lược Kinh tế Kiev, nhận định Ukraine không thể trang trải một nửa chi tiêu công phi quân sự từ các nguồn lực nội bộ ở một quốc gia đang có xung đột, nhất là khi Nga đã kiểm soát một phần lãnh thổ Ukraine, vốn chiếm 1/4 GDP của nước này. GDP của Ukraine đã giảm 28% trong năm đầu tiên của cuộc chiến và chỉ phục hồi được 5% ít ỏi vào năm ngoái, ngay cả khi dòng viện trợ nước ngoài đổ vào tương đương 20% GDP.

Chuyên gia Maria Repko nêu quan điểm: “Nếu vào năm 2023, chúng tôi thảo luận về những rủi ro khác, chẳng hạn như xuất khẩu giảm do biển Đen bị phong tỏa và những rủi ro liên quan đến cuộc tấn công của Nga thì tất cả các nhà phân tích đều đồng ý rằng rủi ro lớn nhất trong năm nay là không nhận được viện trợ”.

Theo vị chuyên gia này, nếu không có viện trợ và thị trường tín dụng quốc tế thu hẹp, cách duy nhất để Ukraine tiếp tục thực hiện các nghĩa vụ trong nước của mình là in tiền. Ngay cả Thống đốc Andriy Pyshnyy cũng thừa nhận rằng, việc không nhận được viện trợ sẽ đồng nghĩa với việc “phân phối lại các nguồn lực hạn chế của nền kinh tế Ukraine cho các nhu cầu ngân sách ưu tiên”. Vì vậy, ông lưu ý việc khôi phục nguồn tài trợ quốc tế là cực kỳ quan trọng.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.