Ukraine: "Mảnh vỡ" UAV Nga làm hư hại hạ tầng quan trọng
Ukraine tuyên bố bắn hạ toàn bộ máy bay không người ái (UAV) Nga triển khai trong đợt tập kích mới nhất, nhưng xác nhận cơ sở hạ tầng quan trọng ở phía Tây đất nước bị hư hại do "mảnh vỡ".
PravdaUkraine dẫn thông báo của không quân Ukraine cho biết, Nga rạng sáng 9/4 đã triển khai 20 UAV tự sát và 4 tên lửa phóng từ hệ thống phòng không S-300 tập kích các mục tiêu trên lãnh thổ nước này, nhưng toàn bộ 20 chiếc UAV đã bị đánh chặn.
"Máy bay chiến đấu, các đơn vị tên lửa phòng không, tác chiến điện tử của không quân và các đơn vị hỏa lực cơ động của lực lượng phòng vệ Ukraine đã tham gia đẩy lùi đợt tập kích", không quân Ukraine nêu.
Người đứng đầu cơ quan quân sự tỉnh Lviv ở phía Tây Ukraine, ông Maksym Kozytskyi, cùng ngày cũng khẳng định toàn bộ UAV Nga xuất hiện trên bầu trời khu vực đều bị bắn. "Tuy nhiên, mảnh vỡ của UAV đã làm hư hại hạ tầng trọng yếu. Một đám cháy đã bùng lên", ông Kozytskyi nêu.
Tại tỉnh Odessa bên bờ Biển Đen, chính quyền địa phương xác nhận mảnh vỡ UAV Nga làm hư hại hạ tầng điện nhưng không gây thương vong.
Nga không bình luận về tuyên bố của Ukraine. RiaNovosti dẫn nguồn tin riêng cho biết, lực lượng Nga đã tập kích mục tiêu ở thành phố Poltava miền Trung Ukraine, phá hủy vị trí tập kết của quân đội Ukraine; và triển khai bom tấn công mục tiêu ở tỉnh Kharkov, khiến nhà kho của quân đội Ukraine phát nổ.
Nga những tuần vừa qua liên tiếp triển khai UAV và tên lửa tấn công hạ tầng năng lượng Ukraine. Giới chức Ukraine tuần trước tuyên bố, Nga đã tập kích hơn 30.000 lần vào lãnh thổ nước này trong 3 tháng đầu năm 2024, gần bằng một nửa số vụ trong cả năm 2023.
Theo Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, Moscow đã sử dụng 3.000 quả bom dẫn đường, 400 tên lửa và 600 UAV tự sát để tấn công nước này chỉ riêng trong tháng 3/2024. DTEK, tập đoàn năng lượng tư nhân lớn nhất Ukraine, cho hay họ đã mất 80% công suất phát điện.
Bước sang năm chiến sự thứ ba, quân đội Ukraine rơi vào thế yếu và liên tiếp phải thoái lui khỏi các vị trí trọng yếu do tình trạng cạn kiệt đạn dược khi gói viện trợ quan trọng vẫn mắc kẹt tại quốc hội Mỹ, còn Liên minh châu Âu (EU) không thể cung cấp đạn dược đúng thời hạn như đã cam kết.