Ukraine kỳ vọng gì trong gói viện trợ mới của Mỹ?

Thứ Năm, 25/04/2024, 08:18

Thượng viện Mỹ mới đây đã thông qua gói hỗ trợ bổ sung được chờ đợi từ lâu cho Ukraine và một số nước khác, theo đó sẽ cung cấp nguồn lực đáng kể cho Kiev, tuy nhiên, nhiều chuyên gia cảnh báo rằng sự hỗ trợ này chỉ giúp Ukraine "cầm cự", giành chiến thắng trong cuộc chiến với Nga là con đường rất dài.

Gói hỗ trợ trị giá đến 95 tỷ USD đã được Hạ viện Mỹ thông qua trước đó và vượt qua ải Thượng viện ngày 23/4 (giờ địa phương) với 79 phiếu thuận, 18 phiếu chống. Trong gói này, 61 tỷ USD được dành cho Ukraine, 13 tỷ USD cho Israel và hơn 9 tỷ USD dành cho viện trợ nhân đạo tới Gaza, Sudan và Haiti cùng một loạt hạng mục an ninh quốc gia. Bên cạnh đó, dự luật này còn bao gồm lệnh cấm tiềm tàng đối với mạng xã hội TikTok.

Trong gói hỗ trợ Ukraine, gần 14 tỷ USD sẽ được chi cho hoạt động đào tạo, trang bị phục vụ các nhu cầu của quân đội Ukraine. Kiev cũng sẽ nhận được 10 tỷ USD dưới dạng "các khoản vay có thể miễn hoặc hoãn trả" để hỗ trợ kinh tế và ngân sách Ukraine, trong đó có hỗ trợ cho ngành năng lượng và khôi phục cơ sở hạ tầng. Sau khi được thông qua tại Quốc hội, dự luật viện trợ sẽ được chuyển tới Tổng thống Mỹ Joe Biden để ký ban hành, chấm dứt quá trình đàm phán, thương lượng chông gai kéo dài hơn nửa năm qua giữa đảng Cộng hòa và Dân chủ tại hai viện của Quốc hội Mỹ.

my vien tro.jpg -0
Mỹ tiếp tục mạnh tay viện trợ cho Ukraine. Ảnh minh họa Getty Images

Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 23/4 đã cảm ơn sự hỗ trợ của Washington thông qua gói viện trợ trị giá 61 tỷ USD. Cùng ngày, người phát ngôn Lầu Năm Góc nói rõ Mỹ có thể phân bổ gói viện trợ mới cho Ukraine trong vòng những ngày tới. Gói viện trợ quân sự không chỉ được Ukraine chờ đợi mà chính chính quyền Tổng thống Biden cũng rất muốn nhanh chóng chuyển đến Ukraine những vũ khí mà họ cần.

Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 22/4, Tổng thống Mỹ Joe Biden tiếp tục nhấn mạnh "cam kết lâu dài" với Ukraine trong bối cảnh cuộc đối đầu Nga-Ukraine bước sang năm thứ ba. Ông cho biết Mỹ sẽ "nhanh chóng cung cấp các gói hỗ trợ an ninh mới quan trọng để đáp ứng nhu cầu phòng không và chiến trường cấp bách của Ukraine".

Nhiều chuyên gia cũng nhận định rằng cả Ukraine và Nga đều đã kiệt sức sau hai năm chiến tranh và khó có thể tiến hành một cuộc phản công lớn - một cuộc tấn công có khả năng giành được những lợi thế chiến lược lớn - cho đến năm sau. Dù vậy, Nga vẫn đang chiếm ưu thế dọc theo tuyến mặt trận dài 1.000km. Bên cạnh đó, theo ước tính, chi tiêu quốc phòng của Nga đã chạm mốc 7,5% GDP.

Bên cạnh việc sử dụng máy bay không người lái (UAV), chiến thuật hiện tại của Moscow cũng ưu tiên những loại bom lượn phóng từ những khoảng cách mà Kiev không thể chống trả nhằm thực hiện những cuộc tấn công tầm xa. Nga có lợi thế về nhân lực so với Ukraine và cũng tận dụng lợi thế này để đẩy lùi quân đội Kiev khỏi những cứ điểm chiến lược.

Trước tình hình Kiev đang gặp phải nhiều khó khăn, gói viện trợ của Mỹ được kỳ vọng giúp Ukraine cân bằng cán cân lực lượng trên chiến trường. Dù vậy, các chuyên gia dự đoán rằng sẽ mất một thời gian trước khi các nguồn viện trợ thực sự phát huy hiệu quả. Ông Ben Hodges, cựu chỉ huy quân đội Mỹ ở châu Âu, cho biết "có thể phải mất vài tuần nữa chúng ta mới thấy được những tác động đáng kể trên chiến trường" trong bối cảnh Nga đang dự kiến tiến hành thêm các cuộc tập kích vào mặt trận phía Đông nhằm tạo thêm lợi thế chiến trường.

Đáng chú ý, theo đánh giá của giới quan sát, mặc dù gói viện trợ của Mỹ và đồng minh có khả năng làm mất đi động lực của Nga và mang lại cho Ukraine sự hỗ trợ rất cần thiết trong những tháng tới, điều đó không đảm bảo chiến thắng cho Kiev.

Matthew Savill, người đứng đầu bộ phận khoa học quân sự tại Viện Dịch vụ Thống nhất Hoàng gia (Anh), cho rằng khoản tài trợ của Mỹ "có lẽ chỉ có thể giúp ổn định vị thế của Ukraine trong năm nay và bắt đầu chuẩn bị cho các hoạt động vào năm 2025".

Trong kịch bản tốt nhất cho Ukraine, viện trợ của Mỹ sẽ giúp các chỉ huy của Kiev có thời gian tổ chức lại và huấn luyện quân đội, áp dụng những bài học rút ra từ cuộc tấn công vào mùa hè năm 2023. Ngoài ra, gói của Mỹ cũng có thể khuyến khích các đồng minh của Ukraine ở châu Âu tăng cường viện trợ.

Michael Clarke, giáo sư thỉnh giảng về nghiên cứu chiến tranh tại Đại học King's College London (Anh), cho biết: "Xét cho cùng, gói viện trợ của Mỹ mang lại cho Ukraine khả năng tiếp tục tham gia cuộc chiến trong năm nay. Điều quan trọng trong mỗi cuộc chiến đôi khi là đủ khả năng để cầm cự, tiếp tục trên chiến trường".

Ngoài ra, theo chuyên gia này, áp lực của Nga không chỉ nhằm mục đích giành lãnh thổ mà còn nhằm làm suy yếu lãnh đạo Ukraine. Ông cho rằng, gói viện trợ của Mỹ làm giảm khả năng xảy ra khủng hoảng chính trị ở Ukraine. Đồng quan điểm này, chuyên gia nghiên cứu quân sự Matthew Savill cho biết: "Các nguồn tài trợ chỉ giúp kéo dài thêm thời gian cho Ukraine chứ chưa thể lật ngược cán cân quân sự trên chiến trường trong thời điểm này". 

Duy Tiến
.
.
.