Ukraine đi tìm tương lai trong EU

Thứ Ba, 12/12/2023, 06:26

Ukraine một mặt thúc đẩy cải cách theo yêu cầu của Liên minh châu Âu (EU), mặt khác vận động các quốc gia thành viên ủng hộ quyết tâm gia nhập liên minh của Kiev trước thềm cuộc họp thượng đỉnh EU dự kiến diễn ra vài ngày tới.

Ngay trước khi khởi động chuyến công du đến Mỹ để vận động các nhà lập pháp ở Washington thông qua gói viện trợ quân sự dành cho Ukraine trong cuộc xung đột đang diễn ra, Ukrinform ngày 11/12 cho biết, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã có các cuộc điện đàm với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Layen về triển vọng gia nhập EU của Kiev.

rsz_1646057749996_20220228_ep-127160b_pb9_474_download_large.jpg -0
Ukraine đương đầu nhiều khó khăn trong nỗ lực gia nhập EU. Ảnh: EP

Phát biểu sau cuộc trò chuyện với ông Zelensky, Tổng thống Pháp Macron khẳng định, Ukraine đã thể hiện rõ quyết tâm trong việc đáp ứng những khuyến nghị của EC để có thể “bắt đầu tiến trình đàm phán gia nhập EU”. Ông Macron hoan nghênh Ukraine gần đây ban hành loạt quyết định quan trọng về cải cách tư pháp và chống tham nhũng. Đây là những yêu cầu quan trọng nhất mà Ukraine cần phải đáp ứng trước khi lãnh đạo 27 nước EU chính thức xem xét việc mở các vòng đàm phán gia nhập với Ukraine tại hội nghị thượng đỉnh của khối, dự kiến diễn ra trong hai ngày 14 và 15/12 ở thủ đô Brussels của Bỉ.

Trong khi đó, sau điện đàm cùng bà von der Layen, Tổng thống Zelensky thông báo ông và lãnh đạo EC đã nhất trí một số nội dung về triển vọng khởi động quá trình đàm phán gia nhập EU của Ukraine. “Tôi biết ơn việc EC đánh giá tích cực nỗ lực thực hiện khuyến nghị của chúng tôi”, ông Zelensky nói. Tờ Politico cách đây vài tuần cho biết, EC mô tả Ukraine đã hoàn thành 90% yêu cầu cải cách của EU; đồng thời khuyến nghị EU khởi động tiến trình đàm phán về tư cách thành viên với Ukraine và Moldova, cũng như cấp quy chế ứng cử viên cho Gruzia.

Ukraine đệ đơn xin gia nhập EU từ ngày 28/2/2022. Tháng 6/2022, EU cấp tư cách “ứng viên gia nhập” cho Ukraine. Để chuyển sang giai đoạn “khởi động đàm phán gia nhập”, EC đã vạch rõ 7 tiêu chuẩn mà Ukraine phải đáp ứng, trong đó có các yêu cầu về chống tham nhũng và cải cách tư pháp.

Ngày 8/12 vừa qua, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn 3 dự luật cần thiết để khởi động các cuộc đàm phán gia nhập EC, bao gồm dự luật về quyền của các dân tộc thiểu số. Đây là một yêu cầu quan trọng của Hungary, nước phản đối nỗ lực gia nhập EU của Ukraine. Budapest cho rằng, Kiev chưa đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người thiểu số Hungary ở miền Tây Ukraine. Hai dự luật khác được thông qua có liên quan đến việc tăng số nhân viên trong cơ quan chống tham nhũng quốc gia và trao thêm quyền cho cơ quan này trong hoạt động kiểm tra tài sản. Trước đó, ngày 5/12, Quốc hội Ukraine cũng thông qua dự luật về vấn đề vận động hành lang, yêu cầu thứ tư trong danh sách của EU.

Tuy nhiên, theo giới quan sát và các quan chức EU, ngay cả khi các cuộc đàm phán bắt đầu, quá trình Ukraine gia nhập EU có thể kéo dài nhiều năm, thậm chí nhiều thập kỷ. Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu các cuộc đàm phán gia nhập vào năm 2005, nhưng chúng đang đi vào ngõ cụt. Albania, Montenegro, Bắc Macedonia và Serbia cũng đang trong tình thế tương tự. Trả lời phỏng vấn báo Le Parisien ngày 10/12, Chủ tịch EC von der Leyen một lần nữa nhấn mạnh, Ukraine sẽ chỉ thực sự là thành viên ngôi nhà chung của EU sau khi đáp ứng mọi điều kiện cần thiết. Bà cũng nhắc lại rằng, cuộc họp thượng đỉnh sắp tới tập trung vào triển vọng bắt đầu đàm phán về vấn đề Ukraine gia nhập liên minh chứ không phải quy trình kết nạp Ukraine. 

Từ phía các thành viên EU, Ukraine còn vấp phải sự phản đối từ Hungary trong tiến trình tìm kiếm tương lai trong EU. Thủ tướng Hungary Viktor Orban tuần trước cho rằng, EU “không nên” khởi động tiến trình đàm phán gia nhập liên minh đối với Ukraine bởi Kiev “chưa sẵn sàng và EU chưa sẵn sàng chào đón họ”. Reuters ngày 11/12 dẫn lời Tổng thống Ukraine Zelensky xác nhận ông đã gặp Thủ tướng Orban bên lề lễ nhậm chức của Tổng thống Argentina Javier Milei để thảo luận một cách “thẳng thắn nhất”. Tuy nhiên, hai bên chưa tiết lộ kết quả đạt được sau cuộc gặp đó.

Ngoài nội dung về triển vọng khởi động tiến trình đàm phán gia nhập EU đối với Ukraine, hội nghị thượng đỉnh EU tới đây sẽ cân nhắc về gói hỗ trợ tài chính trong giai đoạn 2024-2027 trị giá 50 tỷ euro (gần 54 tỷ USD); và khả năng bổ sung thêm 5 tỷ euro khác vào quỹ viện trợ quân sự dành cho Kiev.

Hungary đã chặn gói hỗ trợ tài chính 50 tỷ euro trên trong cuộc họp thượng đỉnh EU hồi tháng 10/2023 và tin rằng hoạt động viện trợ quân sự cho Ukraine không giúp kiến tạo hòa bình. Trong khi đó, Ukraine rất trông đợi vào khoản hỗ trợ từ EU do ngân sách của nước này bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi xung đột. Một quan chức EU nói với Reuters rằng, trong trường hợp Hungary tiếp tục phủ quyết gói hỗ trợ 50 tỷ euro, lãnh đạo các nước thành viên còn lại có thể buộc phải mở rộng ủng hộ Ukraine theo các cơ chế song phương.

Thái Hà
.
.
.