Ukraine bác thông tin muốn "noi gương Thụy Điển"
Nga nói Ukraine muốn áp dụng cơ chế trung lập giống như Áo hoặc Thụy Điển, khi có quân đội nhưng không có sự hiện diện của lực lượng nước ngoài trên lãnh thổ. Tuy nhiên, Kiev sau đó bác bỏ thông tin này.
Interfax ngày 16/3 dẫn lời phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov xác nhận, Nga và Ukraine đang thảo luận về khả năng Ukraine duy trì trạng thái trung lập theo mô hình của Áo và Thụy Điển, trong đó Kiev được phép bảo toàn quyền sở hữu một quân đội riêng, nhưng không có sự hiện diện của căn cứ nước ngoài.
Ông Vladimir Medinsky, trưởng phái đoàn đàm phán Nga tham gia đối thoại với Ukraine nói rằng, mô hình Áo và Thụy Điển do chính Ukraine đề xuất. Trong khi Moscow muốn "phi quân sự hóa" Ukraine, Kiev kì vọng được giữ lại lực lượng lục quân và hải quân.
Áo và Thụy Điển thuộc Liên minh châu Âu (EU), nhưng nằm trong nhóm 6 quốc gia EU không gia nhập NATO bên cạnh Síp, Phần Lan, Ireland và Malta.
"Quy mô quân đội Ukraine nằm trong những vấn đề được thảo luận", ông Medinsky nói, cho biết thêm mục tiêu của phía Nga là đảm bảo không thể trở thành "chỗ đứng của NATO" và là "tiền đồn của những thế lực muốn chống lại Nga".
Vẫn theo lời quan chức Nga, Ukraine vốn phải là một quốc gia trung lập, bởi Kiev đã "rút khỏi Liên Xô năm 1991 với điều kiện duy trì trạng thái trung lập và điều đó được ghi rõ trong tuyên bố độc lập của nước này".
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky những ngày qua xác nhận nước này không còn mặn mà với việc gia nhập khối quân sự NATO và rằng Kiev muốn tìm kiếm sự đảm bảo an ninh từ các cường quốc. Một quan chức Ukraine ngày 15/3 tiết lộ Kiev muốn thành lập liên minh với một quốc gia có vũ khí hạt nhân.
Tuy nhiên, sau phát biểu của phía Nga, Ukraine lại bác bỏ thông tin cho rằng, họ muốn học theo mô hình của Áo và Thụy Điển, đồng thời khẳng định các cuộc đàm phán với Moscow để chấm dứt giao tranh nên tập trung vào "đảm bảo an ninh", theo Times of Israel.
Một số nhà quan sát nhận định, Kiev muốn giữ kín một số nội dung đàm phán, nhất là các nội dung họ thỏa hiệp với Nga để đảm bảo tính khả thi của bất cứ thỏa thuận nào trong tương lai, tránh dư luận gay gắt trong nước trong bối cảnh xung đột vẫn diễn biến phức tạp.
Được biết, ngoài vấn đề trung lập và phi quân sự hóa, Moscow cũng yêu cầu Kiev công nhận bán đảo Crimea là một phần lãnh thổ của Nga và công nhận độc lập cho các vùng ly khai Lugansk và Donetsk ở miền Đông Ukraine. Một vấn đề then chốt khác là "phi phát xít hóa Ukraine", tức Kiev phải loại bỏ những quy định chống lại người nói tiếng Nga.
Nga và Ukraine đang trong vòng đối thoại thứ 4. Interfax nói rằng các cuộc đàm phán sẽ diễn ra 7 ngày một tuần, cho đến khi các bên tìm kiếm được đồng thuận. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov ngày 16/3 đánh giá, Moscow đã thấy những dấu hiệu tích cực từ phía Ukraine.