UAE cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo sau quyết định của Ấn Độ
Mới đây, Tân Hoa Xã dẫn thông tin từ Bộ Kinh tế Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho hay, UAE đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu và tái xuất khẩu gạo trong 4 tháng, đồng thời nhanh chóng tìm nguồn nhập khẩu gạo nhiều hơn từ các thị trường khác nhằm bù đắp lệnh cấm xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Bộ Kinh tế UAE thông báo, lệnh cấm có hiệu lực từ hôm 28/7, bao gồm các khu vực tự do ở UAE và áp dụng cho tất cả các loại gạo, bao gồm gạo lứt, gạo xay xát hoàn toàn hoặc một phần và gạo tấm.
Lệnh cấm nêu trên có thể tự động gia hạn trừ phi có quyết định hủy bỏ việc thực hiện lệnh này. Ngoài ra, thông báo cho biết các công ty muốn xuất khẩu hoặc tái xuất khẩu gạo phải xin giấy phép xuất khẩu của Bộ Kinh tế.
Được biết, UAE phải nhập khẩu gần 90% lượng lương thực tiêu thụ trong nước. Lạm phát do giá lương thực tăng cao đã đè nặng lên quốc gia Vùng Vịnh này trong phần lớn năm 2022. Các nhà cung cấp địa phương dự kiến giá gạo sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, đồng thời cam kết nhanh chóng tìm nguồn nhập khẩu gạo từ các thị trường khác.
Lệnh cấm của UAE được đưa ra sau khi chính phủ Ấn Độ - nước chiếm 40% lượng gạo xuất khẩu thế giới, hôm 20/7 quyết định cấm xuất khẩu tất cả các loại gạo tẻ thường do giá tăng trên thị trường nội địa và mùa màng thiệt hại đáng kể do thời tiết cực đoan.
Gạo là lương thực chính của hơn 3 tỷ người và gần 90% loại cây lương thực trồng sử dụng nhiều nước này được sản xuất ở châu Á - nơi hiện tượng khí hậu El Nino gây khô hạn có thể hạn chế nguồn cung.
Trước đó, chuyên gia kinh tế của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Pierre-Olivier Gourinchas đánh giá, việc Ấn Độ cấm xuất khẩu một số loại gạo có thể làm trầm trọng thêm lạm phát giá lương thực và động thái này nên được đảo ngược. "Ấn Độ cấm xuất khẩu gạo có thể sẽ gây ra tác động tương tự như việc Thỏa thuận ngũ cốc biển Đen bị đình chỉ, khiến giá gạo ở các nước khác tăng cao. Giá ngũ cốc toàn cầu có thể tăng 10-15% trong năm nay", ông Gourinchas nhấn mạnh.