Tổng thư ký CSTO tới Armenia đánh giá xung đột Armenia-Azerbaijan
Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) cử phái đoàn tới Armenia để đánh giá tình hình gần biên giới Azerbaijan, sau khi liên minh quân sự do Nga dẫn đầu này họp khẩn với sự góp mặt của Tổng thống Vladimir Putin.
Interfax đêm 13/9 dẫn lời phát ngôn viên CSTO Vladimir Zainetdinov xác nhận, liên minh quân sự do Nga dẫn đầu này đang cử một phái đoàn, dẫn đầu bởi Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas, tới Armenia để đánh giá tình hình xung đột ở biên giới Armenia-Azerbaijan.
Động thái của CSTO được thông báo sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin nhóm họp khẩn với lãnh đạo các nước thành viên liên minh, trong đó, ông đã công bố "các bước đi bổ sung của Nga nhằm giảm căng thẳng" giữa Armenia-Azerbaijan.
Nga hiện đang duy trì liên lạc chặt chẽ với cả Azerbaijan và Armenia. "Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất", Bộ Ngoại giao Nga rạng sáng 14/9 nhấn mạnh, theo RiaNovosti.
CSTO gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan. Theo hiến chương CSTO, bất cứ hành động gây hấn chống lại một bên ký kết nào sẽ được coi là hành động xâm lược chống lại toàn bộ liên minh và các nước còn lại có nghĩa vụ triển khai lực lượng hỗ trợ.
Armenia đã đề nghị Nga và CSTO hành động sau khi cáo buộc Azerbaijan từ đêm 12/9 tấn công các vị trí đóng quân của Armenia gần ranh giới tại vùng Nagorno-Karabakh, khiến 49 người thiệt mạng.
Azerbaijan bác cáo buộc, khẳng định Armenia đã tấn công các mục tiêu của nước này trước, làm 50 người chết, trong đó 42 người là binh sĩ quân đội Azerbaijan, 8 người còn lại thuộc cơ quan biên phòng.
Ngày 13/9, Azerbaijan và Armenia đã nhất trí ngừng bắn, bắt đầu từ 9h giờ địa phương (tức 12h cùng ngày giờ Việt Nam). Tuy nhiên, thỏa thuận này đổ vỡ chỉ ít phút sau đó.
Azerbaijan không phải thành viên CSTO, nhưng Moscow duy trì quan hệ tốt đẹp với Baku. Khi xung đột giữa Azerbaijan và Armenia nổ ra năm 2020, Nga đã môi giới thành công một thoả thuận ngừng bắn với hai bên tham chiến, sau đó triển khai lực lượng gìn giữ hoà bình đến khu vực.
Lần này, ngoài cử phái đoàn tới Armenia đánh giá tình hình, CSTO sẽ thành lập một nhóm công tác để giám sát tình hình an ninh ở biên giới Armenia-Azerbaijan. Nhóm công tác này sẽ bao gồm cả các binh sĩ thuộc Bộ Tham mưu Liên quân CSTO.
Mỹ hối thúc Nga giải quyết căng thẳng Armenia-Azerbaijan
Tại cuộc họp báo ngày 13/9, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ngoại trưởng nước này Anthony Blinken đã điện đàm lần lượt với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev để kêu gọi các bên kiềm chế, tránh leo thang căng thẳng gần biên giới.
Ông Price cũng nhấn mạnh, Mỹ "kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm Nga, sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình một cách xây dựng để giảm leo thang căng thẳng".
Cùng ngày, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres bày tỏ quan ngại về tình hình ở biên giới Armenia-Azerbaijan. Quan chức phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell cũng kêu gọi các bên dừng hành động thù địch và "quay trở lại bàn đàm phán".