Tổng thống Hàn Quốc tuyên bố dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật

Thứ Tư, 04/12/2024, 05:36

Yonhap đưa tin, rạng sáng 4/12 theo giờ địa phương, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã tuyên bố dỡ bỏ thiết quân luật. Trước đó, 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp khẩn quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 (giờ địa phương), đều nhất trí thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ tình trạng thiết quân luật mà tổng thống ban bố. 

Tổng thống Yoon Suk Yeol đã triệu tập họp nội các để thông qua quyết định dỡ bỏ lệnh thiết quân luật ban bố tối 3/12. Động thái của Tổng thống Yoon Suk-yeol được đưa ra vài giờ sau khi quốc hội nước này thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ bỏ thiết quân luật.

Nội các Hàn Quốc đã phê chuẩn động thái chấm dứt thiết quân luật vào lúc 4h30 sáng 4/12, khoảng sáu giờ đồng hồ sau khi lệnh thiết quân luật được ban bố.

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc cho biết các quân nhân được triển khai để thực hiện thiết quân luật đã trở về căn cứ, khôi phục trạng thái bình thường.

Trước đó, sau khi tổng thống ban bố tình trạng thiết quân luật khẩn cấp để "bảo vệ trật tự hiến pháp tự do" trước các mối đe dọa bên ngoài và bên trong, 190/300 nghị sĩ nước này đã có mặt tại tòa nhà quốc hội để tham dự phiên họp khẩn, dù lực lượng an ninh tiến hành phong tỏa tòa nhà nhằm ngăn cản các nghị sĩ tiến vào khu vực này. 

Toàn bộ 190 nghị sĩ có mặt tại phiên họp, bao gồm 172 nghị sĩ đảng Dân chủ đối lập và 18 nghị sĩ đảng Quyền lực nhân dân của tổng thống đã bỏ phiếu thông qua nghị quyết yêu cầu dỡ tình trạng thiết quân luật.

Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
Phiên họp khẩn của quốc hội Hàn Quốc lúc 0h47 ngày 4/12 (giờ địa phương). Ảnh chụp màn hình KBS.

"Theo nghị quyết của quốc hội, Tổng thống phải ngay lập tức dỡ bỏ thiết quân luật. Tuyên bố thiết quân luật hiện không còn hiệu lực. Tôi mong người dân yên tâm. Quốc hội sẽ nỗ lực để cùng nhân dân bảo vệ nền dân chủ", Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Woo Won Sik nhấn mạnh.

Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
Theo truyền thông địa phương, trực thăng trên bầu trời Seoul khuya 3/12 được cho là chở các quân nhân bay vào khu phức hợp quốc hội. Ảnh: Reuters
Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
Nhiều nhân viên tại tòa nhà quốc hội Hàn Quốc ngăn các binh sĩ thiết quân luật tiến vào nơi các nghị sĩ họp khẩn. Ảnh: Yonhap
Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
Binh sĩ Hàn Quốc rút khỏi tòa nhà quốc hội sau khi nghị quyết dỡ bỏ thiết quân luật được thông qua. Ảnh: Reuters

Động thái của Tổng thống Yoon Suk Yeol diễn ra trong bối cảnh đảng Dân chủ đối lập - bên chiếm đa số trong quốc hội Hàn Quốc, tuần này luận tội một số công tố viên cấp cao. Đảng đối lập cũng bác bỏ đề xuất ngân sách của chính phủ, điều mà Tổng thống Yoon Suk Yeol mô tả là làm suy yếu hoạt động thiết yếu của chính quyền.

Yonhap dẫn nguồn thạo tin cho rằng Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc là người đề xuất với tổng thống việc ban bố thiết quân luật. Hiện tại, Nhà Trắng cho biết đang liên lạc với phía Seoul và theo dõi tình hình một cách chặt chẽ.

Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
Rất đông người dân và phóng viên tụ tập bên ngoài tòa nhà quốc hội rạng sáng 4/12. Ảnh: Yonhap
Diễn biến mới nhất về tình hình thiết quân luật tại Hàn Quốc -0
An ninh tại Thủ đô Seoul được thắt chặt sau ban bố thiết quân luật của Tổng thống. Ảnh: Yonhap

Theo các chuyên gia, thiết quân luật là trạng thái thay thế chính quyền dân sự bằng chính quyền quân sự. Khi đó, những quy trình pháp lý dân sự bị tạm ngừng để trao quyền lại cho quân đội. Một số quyền tự do dân sự thông thường có thể bị tạm ngừng trong thời gian này.

Cụ thể, điều 77 Hiến pháp Hàn Quốc quy định những điều kiện để tuyên bố tình trạng thiết quân luật như sau: "Khi cần thiết phải đối phó với yêu cầu quân sự hoặc duy trì an ninh và trật tự công cộng thông qua việc huy động lực lượng quân sự trong thời chiến, xung đột vũ trang hoặc tình trạng khẩn cấp quốc gia tương tự, tổng thống có thể tuyên bố thiết quân luật theo quy định của pháp luật.

Trong tình trạng thiết quân luật đặc biệt, các biện pháp đặc biệt có thể được thực hiện liên quan đến yêu cầu về lệnh bắt, quyền tự do ngôn luận, báo chí, hội họp và lập hội, hoặc các quyền hạn của hành pháp và tư pháp theo các điều kiện được quy định bởi pháp luật".

Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc ban bố thiết quân luật khẩn cấp kể từ năm 1979. Trước đó, nước này từng tuyên bố thiết quân luật tổng cộng 16 lần, chủ yếu ở giai đoạn đầu khi mới lập quốc năm 1948. 

Kim Khánh
.
.
.