Tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng

Thứ Năm, 18/11/2021, 16:00

Tại Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 13 với chủ đề “Nhìn lại quá khứ vì một tương lai tươi sáng hơn” ngày 18/11, các đại biểu là chuyên gia, học giả đã có những nhận định tâm huyết về tình hình Biển Đông trong thời gian qua.

Tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Quang Hiệu cho rằng Biển Đông nằm tại vị trí trung tâm của khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, những diễn biến và phát triển ở đây, dù là tích cực hay tiêu cực, sẽ dễ dàng trở thành tiền lệ được nhân lên trong toàn bộ khu vực và ở các khu vực khác trên thế giới.

Trong một năm qua, tình hình Biển Đông đã làm dấy lên nhiều mối lo ngại mới. Số hoạt động quân sự trên biển, dưới biển, trên không và không gian vũ trụ gia tăng nhanh chóng đang làm dấy lên lo ngại về chạy đua vũ trang và nguy cơ sự cố va chạm ngoài ý muốn.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc tự đánh mất uy tín của mình vì hành động ở Biển Đông -0
Thứ trưởng Ngoại giao Phạm Quang Hiệu phát biểu tại hội thảo. Ảnh TTXVN

Cạnh tranh nước lớn và các cơ chế hợp tác mới xuất hiện trong khu vực đặt ra các vấn đề mới đối với cấu trúc khu vực đang định hình, nhất là vai trò trung tâm của ASEAN. Trong khi Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) được coi là chuẩn mực ứng xử chung, vẫn còn nhiều bộ luật hoặc các hoạt động quốc gia không nhất quán hoặc trái với UNCLOS. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ. Điều này rõ ràng không có lợi cho lòng tin và cho các tiến trình hợp tác trong khu vực. Quyền và lợi ích hợp pháp của các quốc gia ven biển vẫn chưa được tôn trọng đầy đủ.

Quá trình tương tác giữa các nước lớn với nhau, giữa các nước lớn với các tổ chức đa phương khu vực, với luật pháp quốc tế nói chung, sẽ tác động rất lớn đến trật tự và phương thức vận hành của thế giới nói chung.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhận định rằng “tương lai trật tự thế giới có vận hành dựa trên luật lệ hay không, có bảo đảm quyền bình đẳng giữa các quốc gia không, có dựa trên các khuôn khổ hợp tác đa phương, minh bạch và bao trùm hay không, sẽ được quyết định một phần bởi cách ứng xử của chúng ta ở Biển Đông và ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương nói chung”.

Thứ trưởng Phạm Quang Hiệu nhấn mạnh chủ trương của Việt Nam về vấn đề Biển Đông luôn rõ ràng và nhất quán, luôn kiên trì bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của mình và cùng các bên giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hoà bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, nhất là UNCLOS 1982; luôn hoan nghênh nỗ lực của các nước trong và ngoài khu vực đóng góp cho hoà bình, ổn định và hợp tác ở Biển Đông.

Ông cũng cho rằng “tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng”, “cần hết sức tỉnh táo, nhận diện tình hình một cách khách quan, đưa ra các khuyến nghị trên cơ sở đúc kết các bài học lịch sử và các khuyến nghị chính sách một cách khoa học, trên cơ sở đó thu hẹp khoảng cách nhận thức, gia tăng tính minh bạch trong môi trường chiến lược khu vực, giảm thiểu thông tin xấu, qua đó củng cố lòng tin chiến lược và hợp tác giữa tất cả các bên liên quan”.

Trung Quốc tự đánh mất uy tín của mình vì hành động ở Biển Đông

Ông Dereck Grossman, Chuyên gia phân tích Quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND của Mỹ cho rằng, chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông đang gây ra nhiều hậu quả với uy tín của chính nước này trong khu vực cũng như trên thế giới.

Tình hình Biển Đông đang ở ngã rẽ quan trọng -0
Ông Dereck Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Tập đoàn RAND, Mỹ.

Trong hơn một thập kỷ qua, sự quyết đoán ngày càng gia tăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã gây ra mối lo ngại cho nhiều quốc gia trong và ngoài khu vực. Đường 9 đoạn lần đầu được đưa lên diễn đàn Liên Hợp Quốc trong công hàm ngày 7/5/2009 của Trung Quốc, tuyên bố chủ quyền với hơn 90% diện tích Biển Đông, đã vi phạm nghiêm trọng các quy định của luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Theo chuyên gia Grossman, trong thời gian qua, cùng với sự vươn lên về kinh tế, Trung Quốc gia tăng cả về sức mạnh quân sự. Rủi ro từ sự trỗi dậy của Trung Quốc gây ra nhiều mối đe dọa, đặc biệt khi Bắc Kinh tiến hành xây dựng và bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo ở Hoàng Sa và Trường Sa.

Tháng 1/2021, Trung Quốc công bố luật Hải cảnh mới, cho phép lực lượng hải cảnh (cảnh sát biển) Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với tàu nước ngoài trong trường hợp cần thiết. Động thái mới nhất này của Trung Quốc gây ảnh hưởng đến an ninh khu vực, vi phạm luật pháp quốc tế, cản trở các cuộc đàm phán COC và làm gia tăng vòng xoáy căng thẳng ở Biển Đông.

Chuyên gia này cho rằng, các tuyên bố và hành động của Trung Quốc đã bị hầu hết các nước trên thế giới phản đối mạnh mẽ. Các quốc gia trong khu vực như Việt Nam, Philippines và Malaysia đã gửi công hàm phản đối Trung Quốc.

Ông Grossman nhận định, chính sách của Trung Quốc đã gây ra nhiều hậu quả đối với uy tín của chính nước này trong khu vực cũng như thế giới.

Hành vi của Trung Quốc đã gây ra nhiều trì hoãn nhiều trong việc đàm phán và ký kết Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC). COC được đàm phán thảo luận trong 25 năm qua nhưng chưa thể đi đến ký kết bởi hành vi của Trung Quốc đi ngược với quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông.

Theo chuyên gia này, năm 2022, ASEAN cần thảo luận trọng tâm về các giải pháp ở Biển Đông nhằm giải quyết các vấn đề dựa trên luật pháp quốc tế.

Chuyên gia Mỹ: Trung Quốc tự đánh mất uy tín của mình vì hành động ở Biển Đông -0
Các đại biểu tham dự Hội thảo. 

Trước quan điểm của Trung Quốc về chủ quyền Biển Đông, các nước lớn trên thế giới thường xuyên điều tàu chiến thách thức tuyên bố về chủ quyền của Trung Quốc ở khu vực này. Mỹ đã điều tàu chiến tới khu vực trong thời gian qua nhằm thực hiện các hoạt động đảm bảo tự do hàng hải.

Chính quyền Tổng thống Biden không công nhận tuyên bố về chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, đặc biệt là đối với các nhóm đảo ở Biển Đông. Nhật Bản, Anh và Australia đều kêu gọi Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế.

Chuyên gia Grossman cho biết, mặc dù Trung Quốc là một cường quốc với sự vươn lên cả về kinh tế và quân sự nhưng việc nước này tự đưa ra những tuyên bố đơn phương, không tôn trọng các quốc gia khu vực đã gây ra bất lợi cho chính uy tín của Bắc Kinh. Gần đây, Trung Quốc đã thay đổi cách tiếp cận mang tính ngoại giao hơn nhưng ông Grossman nhận định, điều này vẫn không thể thay đổi những vấn đề cốt lõi.

PV (Tổng hợp)
.
.
.