Tín hiệu tích cực của cuộc sống “bình thường mới”
Theo trang thống kê worldometers.info, trong tuần qua, số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu đã giảm 9% so với tuần trước đó, với hơn 11 triệu ca mắc mới. Trừ châu Âu với hơn 5,3 triệu ca mắc mới và châu Đại dương, khu vực châu Mỹ, châu Á và châu Phi đều ghi nhận xu hướng giảm.
Nhìn chung, những nỗ lực kiểm soát dịch bệnh cùng với tiến bộ tiêm chủng đang tạo ra tín hiệu tích cực của cuộc sống bình thường mới.Tại châu Á, Nhật Bản đã chính thức dỡ bỏ các biện pháp phòng dịch COVID-19 trọng điểm từ ngày 22/3. Hong Kong (Trung Quốc) dần khôi phục các dịch vụ công từ ngày 1/4 và dỡ bỏ lệnh cấm ăn uống trong nhà hàng sau 18h, mở cửa trở lại hầu hết các địa điểm công cộng và cơ sở thể thao từ ngày 21/4.
Tại Đông Nam Á, từ ngày 1/4, Singapore, Malaysia và Philippines sẽ khôi phục các quy định nhập cảnh với người nước ngoài như trước dịch. Singapore bắt đầu bước sang giai đoạn mới sống chung với COVID-19, theo đó từ ngày 29/3 dỡ bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang ở không gian ngoài trời và nới lỏng quy định về giãn cách xã hội cũng như quy mô tổ chức sự kiện. Indonesia cũng nới lỏng một số hạn chế, trong đó có việc hủy lệnh cấm du lịch nội địa trong thời gian diễn ra lễ Ramadan và lễ Eid al-Fitr vào tháng 4-5 tới, dỡ bỏ các quy định nhập đối với du khách nước ngoài có kết quả xét nghiệm PCR âm tính. Myanmar mở cửa lại các rạp chiếu phim từ ngày 17/4.Không nằm ngoài xu thế này, ngày 15/3 vừa qua, Việt Nam cũng chính thức mở cửa lại hoàn toàn lĩnh vực du lịch quốc tế trong điều kiện bình thường mới.
Trong khi đó, tại châu Âu, Hà Lan đã dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp phòng, chống COVID-19, cụ thể là quy định xuất trình các chứng nhận, quy định đeo khẩu trang và khuyến nghị về làm việc từ xa. Việc đeo khẩu trang cũng không còn là khuyến nghị ở Ba Lan và Gruzia, trong khi quy định về cách ly được dỡ bỏ ở Tây Ban Nha. Còn tại châu Phi, Nam Phi bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang tại không gian mở nơi công cộng, Algeria và Tanzania nới lỏng các điều kiện nhập cảnh.
Tỷ lệ bao phủ vaccine đạt mức cao, số ca nhập viện và tử vong ở mức kiểm soát được và không gây áp lực cho hệ thống y tế là một trong những yếu tố đầu tiên được các nước cân nhắc khi đưa ra quyết định mở cửa hoàn toàn.
GS. TS, bác sĩ Đinh Xuân Anh Tuấn, Chủ nhiệm khoa Sinh lý - Khám bệnh, Bệnh viện Cochin Paris (Pháp) cho biết, cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất để đánh giá việc mở cửa là số ca bị bệnh nặng và khả năng đương đầu của hệ thống y tế. Ví dụ như tại Pháp, giới chức y tế hiện tiếp tục theo dõi rất sát số ca lây nhiễm, nhưng đồng thời chuyển tập trung sang số ca nặng, và hiện chỉ số này vẫn đang ở mức độ kiểm soát được. Ông Shan Saeed, Giám đốc cấp cao Tập đoàn tư vấn kinh tế toàn cầu IQI chi nhánh tại Malaysia, nêu rõ quyết định mở cửa của Kuala Lumpur cũng căn cứ vào việc 98% dân số trưởng thành đã hoàn thành tiêm chủng. Ông đánh giá cao tiến độ tiêm chủng mà các nước ASEAN đang thúc đẩy, coi đây là nền tảng tốt để mở cửa nền kinh tế.Việt Nam được xem là một điển hình về thực hiện hiệu quả chiến lược vaccine.
Nhờ thực hiện thành công chiến lược vaccine "đi sau - về trước" với chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước tới nay, Việt Nam trở thành một trong 6 nước có tỷ lệ bao phủ vaccine ngừa COVID-19 cao nhất thế giới, qua đó góp phần đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân và đưa đất nước dần trở lại cuộc sống bình thường. Theo đánh giá của các chuyên gia quốc tế, việc Việt Nam mở cửa vào thời điểm hiện tại là hoàn toàn hợp lý, xét cả về điều kiện y tế và kinh tế.
Các biện pháp hạn chế phòng dịch suốt hai năm qua đã gây ra hàng loạt gián đoạn, do đó, việc chọn thời điểm mở cửa của các nước có cân nhắc đến khả năng chống chịu của các ngành kinh tế, đặc biệt là du lịch - lĩnh vực chịu tác động đầu tiên và lâu dài nhất bởi COVID-19. Bên cạnh đó, những dấu hiệu tích cực của kinh tế các nước nói riêng và thế giới nói chung sau gần một năm kể từ khi bắt đầu chuyển sang cách tiếp cận thích ứng linh hoạt với COVID-19 cũng là cơ sở để các nước quyết định mở cửa một cách mạnh mẽ hơn vào thời điểm hiện nay nhằm củng cố đà phục hồi của nền kinh tế thế giới. Việc mở cửa hoàn toàn là kết quả của quá trình chuẩn bị với những lần dần nới lỏng các quy định hạn chế phòng dịch, và sẽ phải mất một thời gian để thích nghi với tình hình mới và phải chấp nhận những thay đổi có thể xảy ra. Do đó, câu chuyện phục hồi cần có thời gian chứ không phải chỉ cần mở cửa là được.
Theo bà Margy Osmond, Tổng Giám đốc Hiệp hội Du lịch và Vận tải Australia, chính phủ và các doanh nghiệp còn có nhiều việc cần làm, trước hết là khôi phục niềm tin của người dân, như trong ngành du lịch là niềm tin đối với du lịch nước ngoài, hiện đang ở mức thấp hơn nhiều so với hai năm trước. Ngoài ra là những khó khăn như thiếu lao động lành nghề khi nhiều lao động không trở lại công việc cũ sau khi đã chuyển sang các lĩnh vực khác trong đại dịch, nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, sức ép cạnh tranh trong phục hồi từ bên ngoài…
Mặt khác, theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và ý kiến chuyên gia, các kế hoạch mở cửa vào thời điểm này cần phải được thực hiện hết sức cẩn trọng bởi thế giới hiện tại chưa đạt đến mức có thể tuyên bố kết thúc tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu do dịch COVID-19. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết một số quốc gia đang có tỷ lệ tử vong cao nhất vì COVID-19, điều này phản ánh tốc độ lây lan của biến thể Omicron và nguy cơ gia tăng ở những người chưa tiêm phòng, đặc biệt là người cao tuổi. Ông nhấn mạnh thế giới vẫn sẽ phải đối mặt nguy cơ lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới xuất hiện có thể né tránh vaccine.
Chủ tịch Ban cố vấn khoa học của Chính phủ Pháp, ông Jean-Francois Delfraissy, cũng cảnh báo về các biến thể tiềm tàng có thể xuất hiện vào mùa Thu năm nay, hoặc thậm chí sớm hơn. Trong khi đó, người đứng đầu Hiệp hội Y tế công cộng Ấn Độ (PHFI) K Srinath Reddy cho rằng vẫn chưa thể coi COVID-19 là bệnh đặc hữu khi mà virus SARS-CoV-2 vẫn chưa đạt hình thái phát triển đủ ổn định để có thể dự đoán về khả năng lây nhiễm. Ông nhấn mạnh dường như virus SARS-CoV-2 vẫn đang tìm ra con đường tiến hóa riêng của mình, do đó thế giới vẫn cần rất thận trọng.
Mở cửa trở lại là nhu cầu tất yếu do tính cấp thiết của việc khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội, và trong bối cảnh hiện nay, mở cửa cũng là cơ hội để các nước bắt nhịp với đà phục hồi chung của khu vực và thế giới. Các chuyên gia khuyến cáo, trong điều kiện mới, cần tiếp tục đẩy mạnh chương trình tiêm chủng liều cơ bản và mũi bổ sung, đồng thời mỗi người tự có ý thức duy trì các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác... Đó là chìa khóa để các nước mở cửa hoàn toàn trở lại trong tâm thế tự tin, mạnh dạn, nhưng không lơ là, chủ quan trước dịch bệnh.