Tiến trình hòa bình toàn diện tại Afghanistan đối diện thách thức chưa từng có
Với việc Taliban chiếm được 10 thủ phủ trong vòng 1 tuần qua cũng như giành được nhiều chiến thắng thực địa khác trong các giao tranh với lực lượng chính phủ, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani mới đây đã thừa nhận, rằng nước này đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến. Giới chuyên gia phân tích đánh giá, tình hình bất ổn leo thang hiện nay tại Afghanistan khiến mục tiêu đạt được hiệp định hoà bình toàn diện ở quốc gia Nam Á này ngày càng trở nên xa vời.
Giới chức Afghanistan ngày 12-8 thông báo, các tay súng nổi dậy Taliban tại đã giành quyền kiểm soát nhiều khu vực trọng yếu của thành phố chiến lược Ghazni như văn phòng tỉnh trưởng, trụ sở cảnh sát và nhà tù, trong khi giao tranh vẫn tiếp diễn xung quanh một số căn cứ của quân đội. Đặc biệt, Ghazni chỉ cách thủ đô Kabul khoảng 130km và được coi là cửa ngõ giữa Kabul và khu vực do Taliban chiếm đóng ở miền Nam. Như vậy, chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, Taliban đã chiếm được 10 thủ phủ quan trọng của Afghanistan, bao gồm Faizabad, Farah, Pul-e-Khumri, Sar-e-Pul, Sheberghan, Aybak, Kunduz, Taluqan, Zaranj và Ghazni.
Đánh giá về tình hình Afghanistan, giới quan sát nhận định, việc để hàng loạt thủ phủ các tỉnh miền Bắc rơi vào tay lực lượng nổi dậy mà không vấp phải bất cứ kháng cự mạnh mẽ nào cho thấy sự thất bại của Chính phủ Afghanistan trong việc kiểm soát khu vực miền Bắc, vốn có lịch sử chống lại Taliban.
CNN dẫn nguồn tin tình báo của một quan chức quốc phòng Mỹ tiết lộ, các chiến binh Taliban có thể cô lập Kabul trong vòng 30 ngày và đủ năng lực để chiếm lấy thủ đô này trong 90 ngày. "Việc Kabul trụ vững được bao lâu sẽ cho thấy Taliban đạt được những tiến bộ như thế nào trong thời gian qua, khi binh sĩ Mỹ và các nước khác rút khỏi Afghanistan", quan chức giấu tên nêu rõ.
Hiện tại, Taliban đã kiểm soát hơn 65% lãnh thổ Afghanistan và đang trên đà chiếm nhiều thành phố lớn khác. Theo truyền thông địa phương, khu vực thung lũng có các lối dẫn đến Kabul đều chật cứng dân thường chạy loạn, gây khó dễ cho việc phát hiện các phần tử Taliban.
Trước tình hình này, Tổng thống Afghanistan Ashraf Ghani cùng ngày đã phải thừa nhận, rằng Afghanistan đang bên bờ vực của một cuộc nội chiến. Tuy nhiên, lực lượng an ninh đang nỗ lực hết sức nhằm phản công Taliban bằng việc triển khai một kế hoạch 3 giai đoạn.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn độc quyền với tờ Al Jazeera, Bộ trưởng Nội vụ Afghanistan, Tướng Abdul Sattar Mirzakwal cho biết, lực lượng chính phủ đang tập trung vào việc bảo vệ các tuyến đường chính, các thành phố lớn và các cửa khẩu sau khi Taliban chiếm được 10 thủ phủ trong chưa đầy 1 tuần.
Cụ thể, giai đoạn một là ngăn chặn những thất bại của lực lượng chính phủ. Giai đoạn 2 là tái tập hợp lực lượng để tạo nên các vòng an ninh quanh các thành phố. Trong giai đoạn này, ngoài việc tập hợp lại các binh lính bỏ vị trí, chính quyền trung ương Kabul còn trao quyền cho các thủ lĩnh địa phương thân chính phủ về tuyển dụng và trang bị vũ khí cho các tay súng cộng đồng, tình nguyện chiến đấu chống Taliban. Giai đoạn thứ ba là tiến hành dồn dập các chiến dịch tấn công.
Giao tranh giữa các lực lượng của Afghanistan và Taliban leo thang dữ dội kể từ hồi tháng 5 khi liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu rút dần về nước. Theo thống kê mới nhất của Reuters, chỉ trong tháng 5 và 6 đã có gần 800 người thiệt mạng và hơn 1.600 người bị thương, trong khi gần 19 triệu người đang cần hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp. Trong khi Taliban cam kết không tấn công các lực lượng nước ngoài thì lực lượng này không đồng ý việc ngừng bắn với Chính phủ Afghanistan.
Chính phủ Afghanistan đã nhiều lần bày tỏ thiện chí, kêu gọi Taliban xây dựng một chính phủ liên minh mà các bên đều có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán hòa bình giữa ở Doha, Qatar hầu như thu được rất ít kết quả.
Trước đó, Thủ tướng Pakistan Imran Khan vốn luôn ủng hộ một tiến trình hòa bình toàn diện tại Afghanistan, cảnh báo: “Hiện tại việc dàn xếp chính trị là rất khó khăn vì Taliban một mực từ chối. Ban lãnh đạo cấp cao của Taliban đã đến đây, và chúng tôi đã cố gắng thuyết phục họ hướng tới giải pháp chính trị nào đó. Bởi điều duy nhất có thể ngăn Afghanistan rơi vào tình trạng vô chính phủ là một giải pháp chính trị. Song thật không may, Taliban từ chối đàm phán với chính quyền của Tổng thống Ashraf Ghani. Lực lượng này đã đưa ra điều kiện rõ ràng, chừng nào ông Ghani còn tại nhiệm, sẽ không có chuyện lực lượng này đàm phán với Chính phủ Afghanistan”.
Những diễn biến căng thẳng tại Afghanistan một lần nữa đã làm gia tăng lo ngại nước này trở thành nơi trú ẩn của chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Tướng Richard Barrons, một cựu chỉ huy quân sự cấp cao của Anh đã mô tả việc rút quân của phương Tây là một “sai lầm chiến lược” khi đang tạo cơ hội cho các nhóm vũ trang và khủng bố tái thiết lập lực lượng.
Đặc phái viên Liên Hợp Quốc tại Afghanistan Deborah Lyons thì nhận định, tình hình Afghanistan đang diễn biến tương tự Syria: “Trong những tuần qua, cuộc chiến ở Afghanistan đã bước sang một giai đoạn mới tàn khốc hơn. Sau khi đánh chiếm các khu vực nông thôn, giờ đây Taliban đã tiến tới các thành phố lớn. Nếu Taliban thực sự cam kết với một giải pháp chính trị thì sẽ không có thương vong cho dân thường lớn đến như vậy. Bởi họ hiểu rõ, rằng quá trình hòa giải sẽ khó khăn hơn khi đổ máu nhiều hơn”.
Tuy nhiên cũng có một số ý kiến cho rằng Afghanistan hiện nay không giống như Afghanistan cách đây 25 năm và Taliban cũng không phải là một lực lượng đoàn kết, vững chắc. Hơn hết, các nước láng giềng của Afghanistan cũng như các cường quốc đều muốn có hòa bình ở Afghanistan. Vì thế, cơ hội để đạt được hoà bình toàn diện tại đất nước này vẫn mở ra, dù Chính phủ Afghanistan phải đối mặt với những thách thức chưa từng có từ Taliban.