Thụy Điển trước cánh cửa rộng mở đến NATO

Thứ Năm, 25/01/2024, 06:58

Với sự chấp thuận của Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 (giờ địa phương), trở ngại lớn nhất trong hành trình tham gia NATO của Thụy Điển đã được gạt bỏ. Thụy Điển đang tiến rất gần tới việc gia nhập liên minh quân sự này, trong bối cảnh NATO cũng đang tăng cường hơn nữa sức mạnh của mình.

Quay ngược thời gian trở về mốc 23/10/2023, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đã đưa ra động thái bất ngờ khi chính thức trình lên Quốc hội nước này hồ sơ của Thụy Điển xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tròn 3 tháng sau, đúng vào ngày 23/1/2024, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã thông qua dự luật liên quan đến nỗ lực của Thụy Điển để trở thành thành viên thứ 32 của NATO. Cụ thể, sau 4 giờ tranh luận, dự luật đề nghị kết nạp Thụy Điển vào NATO đã được thông qua với 287 phiếu thuận và 55 phiếu chống, mở đường cho Thụy Điển đến với liên minh quân sự này.

anh2.jpg -0
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trong cuộc họp báo sau hội đàm ngày 10/7/2023. Ảnh: NATO

Trên thực tế, Thụy Điển và Phần Lan đã từ bỏ vị thế trung lập kéo dài hàng thập kỷ của mình và tìm cách gia nhập NATO trong bối cảnh lo ngại về an ninh ngày càng gia tăng sau khi Nga tiến hành "chiến dịch quân sự đặc biệt" ở Ukraine. Năm 2022, Thụy Điển cùng với Phần Lan đã xúc tiến các thủ tục gia nhập NATO. Cả hai quốc gia này đều coi NATO - với hiệp ước phòng thủ tập thể - chính là biện pháp tốt nhất để đảm bảo an ninh quốc gia.

Theo quy định, để chính thức trở thành thành viên của NATO cần được toàn bộ các quốc gia thành viên liên minh phê chuẩn. Tuy nhiên, trong khi hầu hết các thành viên NATO đều nhanh chóng phê chuẩn đơn xin gia nhập của hai quốc gia Bắc Âu, Thổ Nhĩ Kỳ lại là một trong những "cửa ải" khó vượt qua.

Lý do ngăn cản tư cách thành viên NATO của Thụy Điển mà Ankara đưa ra là do lo ngại Stockholm sẵn sàng chứa chấp những phần tử mà ông Tổng thống Recep Tayyip Erdogan coi là khủng bố. Đáng chú ý, đầu năm 2023, quan hệ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Thụy Điển trở nên căng thẳng khi nhà chức trách quốc gia Bắc Âu cho phép một cuộc biểu tình phản đối Ankara mà trong đó xảy ra việc đốt kinh Koran của người Hồi giáo.

Đến tháng 4 cùng năm, Phần Lan đã chính thức gia nhập NATO, trở thành thành viên thứ 31 của liên minh quân sự này, trong khi Thụy Điển chưa được Thổ Nhĩ Kỳ và Hungary phê chuẩn. Nhiều cuộc đàm phán đã được thực hiện với nỗ lực của tất cả các bên trong một hành trình kéo dài tới 20 tháng. Vì vậy, giới quan sát cho rằng, việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ thông qua dự luật cho phép Thụy Điển gia nhập NATO cho thấy sự thay đổi lớn trong chính sách của nước này với NATO cũng như với các nước Bắc Âu.

Ở góc độ khác, không thể phủ nhận rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh quân sự này. Theo The World Street Journal, việc Thụy Điển trở thành thành viên NATO đánh dấu một kỷ nguyên mới đối với quốc gia này, vốn đứng ngoài các liên minh quân sự quốc tế trong hai thế kỷ qua. Mặc dù khá dè dặt trong liên kết với bất kỳ khối nào, Thụy Điển đã dành ba thập kỷ qua để hợp lý hóa quân đội của mình bằng các hệ thống của NATO.

Ở chiều ngược lại, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg tại cuộc họp thượng đỉnh của liên minh vào tháng 7/2023 nói rằng, Thụy Điển đã đồng ý "hỗ trợ tích cực các nỗ lực nhằm khôi phục quá trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ". Thụy Điển cũng tuyên bố sẽ tìm cách cải thiện các thỏa thuận hải quan và thực hiện các bước để thực hiện miễn thị thực du lịch châu Âu cho công dân Thổ Nhĩ Kỳ.

Phản ứng trước động thái mới của Thổ Nhĩ Kỳ, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg, đã bày tỏ hoan nghênh sau khi Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ ngày 23/1 phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong liên minh quân sự này. Trong tuyên bố, ông Stoltenberg nhấn mạnh việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp liên minh này vững mạnh hơn và an toàn hơn. Ông cũng kêu gọi Hungary sớm phê chuẩn tư cách thành viên của Thụy Điển trong NATO.

Cùng ngày, Mỹ cũng bày tỏ hoan nghênh động thái trên của Thổ Nhĩ Kỳ. Trên mạng xã hội X, Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Jake Sullivan nhấn mạnh Thụy Điển là "một đối tác quốc phòng mạnh mẽ, có năng lực" và cho rằng việc Thụy Điển gia nhập NATO sẽ giúp liên minh cũng như Mỹ an toàn và vững mạnh hơn. Về phía Thụy Điển, Thủ tướng Ulf Kristersson tuyên bố Thụy Điển "đã tiến một bước gần hơn để trở thành thành viên chính thức của NATO" và ghi nhận việc Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ phê chuẩn Thụy Điển gia nhập NATO là một động thái "tích cực".

Như vậy cho đến nay, Thụy Điển chỉ còn một cửa ải cuối cùng là Hungary. Tuy nhiên, ông Rikard Bengtsson, Giáo sư Khoa học chính trị Đại học Lund, Thụy Điển nhận định: "Việc Hungary phê chuẩn Thụy Điển vào NATO chỉ còn là vấn đề thời gian. Hungary, cũng có những lý do chính trị trong nước chưa phê chuẩn đồng ý cho Thụy Điển gia nhập. Song đây không phải là những vấn đề lớn".

Trong diễn biến mới nhất, ngày 23/1, Thủ tướng Hungary Viktor Orban đã thông báo trên mạng xã hội rằng ông vừa gửi lời mời người đồng cấp Thụy Điển tới Budapest để thảo luận về nỗ lực gia nhập NATO của quốc gia Bắc Âu này.

An Nhiên
.
.
.