Thượng tôn pháp luật trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) ngày 12/1 (giờ địa phương) đã tổ chức phiên thảo luận mở đầu tiên của năm 2023 với chủ đề “Thúc đẩy và tăng cường thượng tôn pháp luật trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế: luật pháp giữa các quốc gia”.
Phiên họp do Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi chủ trì và có sự tham dự của Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres, Chủ tịch Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) Joan Donoghue và đại diện gần 80 nước thành viên LHQ.
Tổng Thư ký Antonio Guterres và Chủ tịch Joan Donoghue cho rằng, thượng tôn pháp luật là nền tảng hoạt động của LHQ trong thực hiện chức năng duy trì và bảo vệ hoà bình thế giới; đồng thời khẳng định củng cố và thúc đẩy thượng tôn pháp luật đang cần thiết hơn bao giờ hết trong hoàn cảnh xung đột vũ trang diễn ra nghiêm trọng hiện nay, kêu gọi các nước thành viên hướng tới giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hoà bình.
Phát biểu tại phiên thảo luận, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ, khẳng định luật pháp quốc tế là nền tảng của trật tự quốc tế hiện đại và hoà bình thế giới. Các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, đều chịu trách nhiệm trong việc tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, trong đó có nguyên tắc tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia, không sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực, giải quyết hòa bình các tranh chấp và thực hiện các nghĩa vụ quốc tế một cách thiện chí. Đại sứ kêu gọi HĐBA và các thành viên đi đầu trong việc bảo đảm tôn trọng Hiến chương LHQ và thượng tôn pháp luật, tìm giải pháp hòa bình cho mọi xung đột.
Nhân dịp này, Đại sứ Đặng Hoàng Giang đã nhắc lại các nỗ lực của Việt Nam trong duy trì hòa bình, an ninh và thúc đẩy thượng tôn pháp luật trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và giữa ASEAN với các đối tác, trong đó có việc thực hiện Tuyên bố về ứng xử của các bên tại Biển Đông (DOC) và quá trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC) phù hợp với Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Bên cạnh đó, năm 2021, Việt Nam đã chủ trì sáng lập Nhóm bạn bè của UNCLOS với gần 120 nước thành viên để thực hiện mục tiêu thúc đẩy sự hiểu biết, áp dụng và tuân thủ rộng rãi công ước này.
ASEAN đã có bài phát biểu chung tại phiên thảo luận đề cao thượng tôn pháp luật, tuân thủ Hiến chương LHQ và luật pháp quốc tế, nhấn mạnh tầm quan trọng của chủ nghĩa đa phương và các mối quan hệ ASEAN với các đối tác. ASEAN cam kết duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, bao gồm cả Biển Đông và giải quyết hòa bình các tranh chấp phù hợp với luật pháp quốc tế. ASEAN cũng cam kết tiếp tục làm việc tích cực để sớm đạt được một Bộ quy tắc ứng xử thực chất và hiệu quả ở Biển Đông, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS.