Thúc đẩy APEC chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine

Thứ Năm, 11/11/2021, 07:34

Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) cam kết hợp tác chia sẻ vaccine bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Nhận lời mời của Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 28 theo hình thức trực tuyến từ ngày 11 đến ngày 12/11.

Theo tin từ hãng ABC News, trong vai trò chủ nhà, New Zealand đã đề xuất chủ đề của Năm APEC 2021 là “Cùng Phối hợp, cùng Hành động, cùng Tăng trưởng” với 3 ưu tiên gồm: Chính sách kinh tế, thương mại, các biện pháp kinh tế vĩ mô và cải cách cơ cấu, thương mại và đầu tư tự do và mở, tạo thuận lợi cho thương mại và kết nối; Đẩy mạnh bền vững và bao trùm, thúc đẩy phục hồi bao trùm và bền vững, hỗ trợ đối tượng dễ bị tổn thương trong đó có người bản địa; Thúc đẩy sáng tạo và số hóa, công nghệ xanh, cơ sở hạ tầng số và bao trùm số, kinh doanh và thương mại được tạo thuận lợi bởi số, cải cách cơ cấu, đổi mới sáng tạo.

Thúc đẩy APEC chia sẻ và chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine -0
Tháng 6/2021, các Bộ trưởng Kinh tế APEC đã đạt được đồng thuận về tăng tốc phân phối vaccine ngừa COVID-19.

Một trong những trọng tâm hợp tác của Năm APEC 2021 là xây dựng Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Các thành viên đề cao vai trò của APEC, nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng của việc thông qua Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040 tại Tuần lễ Cấp cao năm nay.

Kế hoạch dự kiến bao gồm 3 phần chính: Mục tiêu, cam kết hành động của riêng từng nền kinh tế và cam kết hành động chung đối với 3 động lực là: thúc đẩy kinh tế, thương mại và đầu tư; đổi mới sáng tạo và số hóa; và tăng trưởng mạnh mẽ, cân bằng, bảo đảm, bền vững và bao trùm; Đề xuất nâng cao hiệu quả hoạt động APEC với vai trò là một thể chế với các mục tiêu cụ thể đến năm 2025; Rà soát và đổi mới kế hoạch hành động và kết quả thực hiện: giám sát các mục tiêu hàng năm; rà soát 5 năm thực hiện các cam kết; rà soát giữa kỳ các mục tiêu và hành động.

Trong bối cảnh dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp trên toàn thế giới, New Zealand đã quyết định tổ chức tất cả hoạt động trong năm 2021 dưới hình thức trực tuyến, gồm: Tuần lễ Cấp cao lần thứ 28, 7 hoạt động cấp Bộ trưởng, 5 đợt hội nghị các quan chức cao cấp (SOM).

Ngoài ra, New Zealand còn có sáng kiến tổ chức cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo kinh tế APEC để thông qua Tuyên bố chung về “Vượt qua COVID-19 và đẩy nhanh quá trình phục hồi kinh tế” với 4 định hướng hành động gồm: Ủng hộ chia sẻ vaccine giữa các nền kinh tế; kêu gọi chuyển giao công nghệ, củng cố hệ thống y tế tự cường nhằm ứng phó với khủng hoảng hiện nay và trong tương lai; Tăng cường triển khai các chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách hỗ trợ phụ nữ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs), ứng phó biến đổi khí hậu... nhằm tạo việc làm, nâng cao năng suất kinh tế, đổi mới sáng tạo, góp phần tạo thuận lợi cho quá trình phục hồi kinh tế; Đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và thu hẹp khoảng cách số, trong đó có các giải pháp tăng cường kĩ năng số cho người lao động để tham gia vào thị trường lao động mới; Tạo thuận lợi cho lưu thông hàng hoá và dịch vụ, đảm bảo chuỗi cung ứng vận hành thông suốt và hỗ trợ quá trình phân phối vaccine; mở cửa cho việc đi lại qua biên giới nhưng bảo đảm an toàn y tế.

Thực tế, kể từ khi đại dịch bùng phát, APEC đã sớm thúc đẩy triển khai nhiều biện pháp cụ thể trên nhiều lĩnh vực hợp tác như: lập trang thông tin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó dịch bệnh; gia tăng nguồn lực tài chính để hỗ trợ triển khai các sáng kiến mới về ứng phó đại dịch và phục hồi kinh tế; tăng cường chia sẻ thông tin và phối hợp chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tài chính để vượt qua khủng hoảng; hỗ trợ các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong đại dịch bảo đảm không ai bị bỏ lại phía sau…

Chỉ trong vòng 12 tháng qua, các Bộ trưởng Kinh tế - Thương mại APEC đã có 3 Tuyên bố riêng về Tạo thuận lợi lưu thông hàng hóa thiết yếu, Tăng cường dịch vụ hỗ trợ lưu thông hàng hóa thiết yếu, và Bảo đảm chuỗi cung ứng vaccine trong khu vực với nhiều cam kết cụ thể.

Là một thành viên luôn chủ động, tích cực tham gia, đóng góp trong APEC, Việt Nam đã đề xuất nhiều giải pháp nhằm tránh đứt gãy chuỗi cung ứng, bảo đảm thị trường xuất nhập khẩu của các nền kinh tế trong khu vực; thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm và phối hợp chính sách trong triển khai các giải pháp kinh tế, tài chính để vượt qua khủng hoảng; tăng cường các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người dân (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa; siêu nhỏ và các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương trong xã hội) vượt qua giai đoạn khó khăn và nâng cao khả năng thích ứng trong tình hình mới.

Đặc biệt, Việt Nam hiện là một trong những thành viên đi đầu thúc đẩy APEC cam kết hợp tác chia sẻ vaccine, bảo đảm phân phối và tiếp cận vaccine bình đẳng, hiệu quả và chi phí hợp lý; đồng thời, kêu gọi các thành viên cam kết tự nguyện chuyển giao công nghệ sản xuất vaccine nhằm mở rộng quy mô sản xuất và cung ứng vaccine, hướng tới miễn dịch cộng đồng.

Tại cuộc họp không chính thức của các nhà lãnh đạo APEC hồi tháng 7, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đã đề xuất 3 nội dung hợp tác APEC ứng phó với COVID-19. Theo đó, Chủ tịch nước nhấn mạnh, vì là nơi có nhiều trung tâm sản xuất, cung ứng vaccine hàng đầu thế giới, APEC rất cần tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này. Triển vọng phục hồi kinh tế phụ thuộc chủ yếu vào sự tiếp cận kịp thời, bình đẳng với giá cả hợp lý và tiêm chủng hiệu quả nguồn vaccine có chất lượng.

Tận dụng công nghệ mới và đẩy nhanh chuyển đổi số là nền tảng quan trọng góp phần vào phát triển bền vững. Hợp tác trong APEC trong lĩnh vực này quan trọng nhất là triển khai nhanh chóng các chương trình hợp tác để hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương vượt qua khủng hoảng; nâng cao tính tự cường và khả năng thích ứng của các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ, vừa và siêu nhỏ; và đào tạo kỹ năng cho người lao động, thu hẹp khoảng cách số giữa thành thị và nông thôn; Đẩy mạnh hợp tác khu vực về chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và sản xuất vaccine; đồng thời nghiên cứu khả năng xây dựng thỏa thuận tạm thời của APEC về bãi bỏ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19; Xây dựng Bộ hướng dẫn của APEC về duy trì chuỗi cung ứng trong các tình huống khẩn cấp nhằm bảo đảm huyết mạch của nền kinh tế.

Khi đó, các lãnh đạo APEC đã đánh giá cao phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, tiếp thu và phản ánh các đề xuất định hướng hợp tác mà Chủ tịch nước đã nêu vào Tuyên bố chung của Hội nghị.

Hội nghị cấp cao APEC lần thứ 28 này có chủ đề “Phối hợp trong APEC nhằm đẩy mạnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19; Các cơ hội và thách thức chủ yếu trong thế giới hậu COVID và làm thế nào để bảo đảm các thành quả được chia sẻ đồng đều tới toàn bộ người dân trong hiện tại và tương lai”, tập trung thảo luận 2 nội dung: triển vọng kinh tế toàn cầu và hợp tác phục hồi sau đại dịch. Hội nghị cũng dự kiến thông qua 2 văn kiện là Tuyên bố Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế châu Á – Thái Bình Dương lần thứ 28 và Kế hoạch triển khai Tầm nhìn APEC đến năm 2040. Diễn ra trong 2 ngày 11 và 12/11, hội nghị gồm 9 phiên thảo luận về các chủ đề: Tình hình thế giới; Phục hồi trong và sau đại dịch; Các cơ hội từ gián đoạn kỹ thuật số; Phát triển bền vững và biến đổi khí hậu; Tương lai năng lượng; Sức mạnh của niềm tin; Ưu tiên của doanh nghiệp trong thời gian tới; Công nghệ và đổi mới sáng tạo và Hướng tới tương lai.

Huyền Chi
.
.
.