Thủ tướng Israel mang “tinh thần hợp tác mới”

Thứ Sáu, 27/08/2021, 08:56

"Có một chính quyền mới ở Mỹ và một chính phủ mới ở Israel. Tôi cũng sẽ mang tới Washington tinh thần hợp tác mới, đầy năng lượng và thiện chí", Thủ tướng Israel Naftali Bennett tuyên bố hôm 25/8 trước giờ khởi hành tới Mỹ từ Tel Aviv. Giới chuyên gia cho rằng, với thông điệp nêu trên, ông Bennett dường như muốn tái thiết tình đồng minh, đặc biệt là hàn gắn lại mối quan hệ với chính quyền Dân chủ tại Mỹ.

Ngày 25/8 (giờ địa phương), Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã khởi hành tới Mỹ, bắt đầu chuyến công du nước ngoài cấp nhà nước đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Theo Aljazeera, trước thềm chuyến thăm, ông Bennett đã gọi Tổng thống Joe Biden là một người bạn thực sự của Israel, khẳng định rằng chuyến thăm mang tinh thần hợp tác mới dựa trên mối quan hệ đồng minh đặc biệt và lâu dài giữa hai bên.

Ông cũng tiết lộ, các vấn đề được đưa lên bàn đàm phán tại thượng đỉnh bao gồm an ninh khu vực và thế giới, hợp tác quân sự, đối phó với đại dịch COVID-19 và các vấn đề kinh tế, phát triển công nghệ cao hay chống biến đổi khí hậu.

Nhận định về chuyến thăm này, giới học giả phân tích, một trong những mục tiêu quan trọng nhất trong chuyến thăm “phá băng quan hệ” của Thủ tướng Israel là nhằm thiết lập lại tình đồng minh với Mỹ, cụ thể là hàn gắn mối quan hệ với nhà lãnh đạo hàng đầu của đảng Dân chủ tại Mỹ. Mối quan hệ này đã trở nên căng thẳng dưới thời cựu Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người luôn công khai ủng hộ đảng Cộng hòa, đồng thời chỉ trích gay gắt thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm các cường quốc P5+1 dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, mà khi đó ông Joe Biden giữ chức phó tổng thống. Các chuyên gia viện dẫn, kể từ khi lên nắm quyền, ông Bennett đã nhiều lần bày tỏ cam kết sẽ sửa chữa những sai lầm mà chính phủ phạm phải trong quan hệ với Washington một vài năm qua.

Thủ tướng Israel mang “tinh thần hợp tác mới” -0

Thủ tướng Israel hy vọng sẽ “phá băng” được mối quan hệ với Mỹ trong chuyến công du thử thách này. Nguồn: Getty

Khi mối quan hệ giữa hai bên được tái thiết trong bối cảnh hiện nay, Israel sẽ có được sự hỗ trợ từ Mỹ trong việc đối đầu với các thách thức như chương trình hạt nhân và tên lửa đạn đạo của Iran hay đại dịch COVID-19. Hơn nữa, dư luận tại Israel sẽ được trấn an bởi các cam kết đảm bảo an ninh cho nước này, gạt bỏ mối lo ngại về việc Mỹ rút lui khỏi khu vực như những gì đang diễn ra tại Afghanistan hay Iraq, khiến các đồng minh rơi vào tình trạng khó xử.

Ngoài ra, chuyến thăm sẽ góp phần nâng cao uy tín của chính phủ liên minh mới tại Israel và cá nhân Thủ tướng Naftali Bennett sau 2,5 tháng cầm quyền, trong bối cảnh người dân Israel đang nghi ngờ năng lực lãnh đạo của ông trước tình hình y tế xấu đi do các ca nhiễm COVID-19 tăng nhanh trở lại và cái bóng quá lớn của người lãnh đạo tiền nhiệm.

Liên quan đặc biệt đến chương trình hạt nhân của Iran, ông Bennett hôm 24/8 cho hay, mặc dù hai bên có những bất đồng về thoả thuận này, nhưng ông sẽ tiếp cận Washington bằng đối thoại và lắng nghe, tránh mọi động thái làm gia tăng căng thẳng với Mỹ. Aljazeera dẫn một nguồn thân cận cho hay, ông Bennett không nghĩ rằng việc hồi sinh thoả thuận hạt nhân là một ý tưởng tốt, bởi chương trình hạt nhân của Iran đã tiến quá xa so với các điều khoản trong thỏa thuận hạt nhân 2015.

Quay trở lại thỏa thuận đồng nghĩa với việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, dẫn tới việc cho phép Iran có nguồn tài chính lớn để gia tăng ảnh hưởng trong khu vực, tương tự kịch bản đã xảy ra vào năm 2015. Truyền thông Israel cũng tiết lộ, Thủ tướng Bennett sẽ trình bày một kế hoạch chính trị - chiến lược mới để đối phó với Iran trong cuộc hội đàm với Tổng thống Joe Biden, khác với chính sách mà các chính phủ Israel trước đây đã áp dụng. Kế hoạch này dựa trên giả định rằng Mỹ sẽ không quay trở lại thỏa thuận hạt nhân, mà sẽ phối hợp cùng Israel và bên khác tại khu vực để đánh giá một cách toàn diện thách thức từ chương trình hạt nhân của Iran và cùng nhau hành động để loại bỏ thách thức này.

Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Antony Blinken trước đó lưu ý rằng, mặc dù là hai chính phủ mới nhưng “nền tảng mà hai bên đang làm việc là một trong những mối quan hệ đối tác lâu đời". Theo ông Blinken, đây là cơ sở để hai bên làm việc trên một loạt vấn đề cùng quan tâm. Halie Soifer, Giám đốc điều hành Hội đồng Dân chủ Do Thái Mỹ, cho biết, bà lạc quan rằng cuộc tranh luận xung quanh thỏa thuận Iran sẽ diễn ra ôn hòa hơn so với thời cựu Tổng thống Obama, khi ông Netanyahu khiến Nhà Trắng tức giận vì có bài phát biểu kêu gọi phản đối thỏa thuận hạt nhân trước Quốc hội Mỹ vào năm 2015.

Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia Amir Tibon của tờ Haaretz cho rằng, ông Bennett là một gương mặt mới. Nhưng xây dựng niềm tin mới sẽ dễ dàng hơn là khôi phục niềm tin cũ với người từng đối đầu bấy lâu nay. Tuy nhiên, Michael Doran, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia phụ trách các vấn đề Trung Đông tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống George W. Bush, cảnh báo rằng, mối đe dọa đáng kể như khả năng vũ khí hạt nhân của Iran là quá lớn để có thể giải quyết bằng thái độ thân thiện hơn. “Tôi nghĩ Israel sẽ không từ bỏ sự phản đối của họ đối với thỏa thuận hạt nhân Iran. Và điều đó sẽ tạo ra mâu thuẫn đáng kể”, ông Michael Doran nói. Rõ ràng, chuyến công du lần này của ông Bennett tới Mỹ được coi là “phép thử” cho sự khéo léo của tân Thủ tướng Israel nói riêng cũng như mối quan hệ giữa hai nước nói chung.

Linh Đan
.
.
.