Thông điệp của Tổng thống Nga trong chuyến công du Iran

Thứ Năm, 21/07/2022, 09:04

Tổng thống Nga Vladimir Putin mới đây đã ca ngợi cuộc gặp tại Tehran với hai người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ và Ebrahim Raisi của Iran là hữu ích và thực chất.                                                

Chuyến công du tới Tehran lần này của ông Putin diễn ra không lâu sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden thăm Arab Saudi. Giới chuyên gia nhận định, với những tuyên bố tích cực đã đưa ra sau các cuộc gặp song phương và ba bên, ông Putin đã truyền đi nhiều thông điệp mạnh mẽ tới phương Tây.

Ngày 19/7, truyền thông quốc tế cùng giới quan sát chính trị thế giới dành sự quan tâm đặc biệt tới chuyến thăm Iran của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Đây là chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Nga tới một quốc gia bên ngoài khối Liên Xô cũ, kể từ khi nước này tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi cuối tháng 2.

1.jpg -0
Tổng thống Putin cùng hai người đồng cấp Ebrahim Raisi và Recep Tayyip Erdogan tại Thượng đỉnh về vấn đề Syria ở Tehran hôm 19/7. Nguồn: Reuters.   

Tại Iran, ông Putin đã có cuộc gặp song phương với Tổng thống Ebrahim Raisi, Lãnh đạo tối cao Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Tayyip Erdogan trước khi dự Hội nghị Thượng đỉnh ba bên về an ninh Syria.

Cụ thể, thông cáo của Điện Kremlin nêu rõ, trong cuộc gặp song phương với ông Erdogan, hai bên đã thảo luận về nhiều mặt hợp tác và nhất là về việc xuất khẩu ngũ cốc của Ukraine - Nga cũng như vấn đề an ninh lương thực. Theo đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đứng ra làm trung gian đảm bảo xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine, sau khi cả Nga và Ukraine cáo buộc phía còn lại phá hoại các chuyến tàu chở hàng khiến thế giới thiếu hụt lương thực.

Trong cuộc gặp song phương với Lãnh đạo tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei và Tổng thống Ebrahim Raisi, cả Moscow và Tehran đều nhất trí tránh lệ thuộc vào đồng USD bằng việc triển khai giao dịch bằng đồng rail - ruble, một bước quan trọng trong việc phát triển quan hệ kinh tế hai bên. Đồng thời, Nga sẽ tăng cường hợp tác sâu sắc hơn với Iran trong lĩnh vực phát triển năng lượng.

Về vấn đề Syria, Thượng đỉnh ba bên đã nhất trí và ra tuyên bố chung, cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ để loại bỏ chủ nghĩa khủng bố ở Syria và phản đối việc thu giữ, chuyển giao bất hợp pháp nguồn thu từ dầu mỏ đáng lẽ thuộc về Syria và sớm đưa tình hình nước này trở lại bình thường.

Chuyến công du tới Iran lần này của Tổng thống Putin được giới quan sát đánh giá là một bước đi chiến lược để thắt chặt quan hệ với Ankara và đặc biệt là Tehran trong bối cảnh cả Nga và Iran đều đang chịu tác động từ các lệnh trừng phạt của phương Tây, còn Thổ Nhĩ Kỳ - một thành viên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), lựa chọn không tham gia trừng phạt Nga vì cuộc xung đột tại Ukraine.

Theo Reuters, Moscow muốn khẳng định rằng, phương Tây có thể trừng phạt nhưng không dễ cô lập nước này, thậm chí đây là cơ hội để Nga mở rộng tầm ảnh hưởng hơn nữa ở khu vực.

Giới học giả phân tích, trong chuyến thăm của ông Biden tới Israel và Arab Saudi cuối tuần qua, các nước này đã thảo luận về việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở Trung Đông để chống lại các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái và tên lửa của Iran có thể xảy đến trong tương lai. Do đó, Iran rất kỳ vọng về một liên minh quân sự Nga - Iran để cân bằng với tam giác sức mạnh Arab Saudi - Mỹ - Israel ở Trung Đông.

Thêm vào đó, Iran cũng rất cần sự hỗ trợ của Nga để "cứu lấy mình" bằng cách gây áp lực buộc Mỹ phải nhượng bộ khôi phục thỏa thuận hạt nhân (JCPOA) năm 2015 và dỡ bỏ cấm vận. Nguồn thu nhập chính của Iran từ dầu mỏ bị sụt giảm đáng kể từ khi ông Donald Trump đơn phương rút khỏi JCPOA và tái áp đặt các biện pháp trừng phạt vào năm 2018.

The Guardian cũng dẫn quan điểm của một số chuyên gia nhận định, ông Putin đã truyền đi một thông điệp vĩ mô hơn, rằng cuộc thảo luận song phương về thiết lập hành lang vận chuyển ngũ cốc qua Biển Đen với Thổ Nhĩ Kỳ và an ninh Syria tại Thượng đỉnh ba bên cho thấy Nga luôn sẵn sàng và vẫn đang tham gia đóng góp vào giải quyết các vấn đề khu vực và toàn cầu, tái khẳng định vị thế của Moscow trước hàng loạt thách thức.

Khi Tổng thống Nga và người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ đạt được sự nhất trí trong việc thiết lập một hành lang an toàn tại Biển Đen để ngũ cốc Ukraine trở lại thị trường, cơn sốt giá cả các mặt hàng lương thực toàn cầu sẽ được hạ nhiệt một phần. Đồng thời, điều này cũng mở ra hi vọng rằng Thổ Nhĩ có nhiều cơ hội thành công trong việc trung gian cho các cuộc đàm phán hòa bình (nếu có) giữa Nga - Ukraine trong tương lai.

Trong một diễn biến có liên quan, bên lề Thượng đỉnh ba bên về an ninh Syria, nhà lãnh đạo Nga cũng cảnh báo kế hoạch của phương Tây khi áp giá trần lên dầu Nga (như một phần trong các biện pháp trừng phạt vì cuộc chiến ở Ukraine) sẽ chỉ khiến thị trường dầu mỏ toàn cầu thêm bất ổn và giá cả tăng cao.

Theo Tổng thống Putin, ý tưởng của Liên minh châu Âu (EU) về việc hạn chế khối lượng dầu và giá dầu của Nga đều là tính toán sai lầm và những điều tương tự đang xảy ra với khí đốt cũng vậy. Được biết, Mỹ là quốc gia đầu tiên kêu gọi áp dụng cơ chế nhằm giới hạn mức giá thanh toán cho dầu mỏ nhập khẩu từ Nga. Cơ chế này gắn dịch vụ tài chính, bảo hiểm và vận chuyển dầu bằng đường biển với mức trần giá dầu mỏ Nga.

Linh Đan
.
.
.