Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ "bắt nạt" Arab Saudi

Thứ Bảy, 22/10/2022, 16:10

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ kỳ chỉ trích Mỹ bắt nạt Arab Saudi sau khi nhóm OPEC+ quyết định giảm sản lượng dầu, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

OPEC+, nhóm gồm Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cùng các đối tác liên minh, trong đó có Nga, nhất trí cắt giảm 2 triệu thùng dầu mỗi ngày từ tháng 11 tới. Arab Saudi, đồng minh của Mỹ, là nước dẫn dắt OPEC và có tiếng nói quan trọng trong quyết định cắt giảm sản lượng dầu.

Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ
Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu. Ảnh: AP

Việc OPEC+ cắt giảm sản lượng đẩy giá dầu lên cao. Chính quyền Mỹ phản đối hành động này vì lo ngại bước đi của OPEC+ sẽ khiến giá cả chung leo thang, làm trầm trọng thêm tình trạng lạm phát và kéo theo bất lợi cho đảng Dân chủ trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ vào đầu tháng 11/2022.

Vài ngày qua, Washington đã buộc phải giải phóng kho dầu dự trữ để bình ổn giá dầu. Giới chức Mỹ doạ Arab Saudi "lĩnh hậu quả" vì bước đi của OPEC+, đồng thời cảnh báo xét lại một số khía cạnh trong quan hệ giữa hai bên.

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 21/10, ông Mevlut Cavusoglu, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, một trong những đồng minh khác ở khu vực của Mỹ, cho rằng Washington đã "bắt nạt" Arab Saudi.

"Chúng tôi thấy có một quốc gia đã đe dọa Arab Saudi, đặc biệt là gần đây. Sự bắt nạt này không phù hợp", ông Cavusoglu nói. "Chúng tôi không cho rằng Mỹ có quyền gây áp lực lên Arab Saudi hay quốc gia khác".

Thổ Nhĩ Kỳ tố Mỹ
Giá dầu có dấu hiệu tăng trở lại sau quyết định của OPEC+. Ảnh: GettyImages

Vẫn theo lời nhà ngoại giao hàng đầu Thổ Nhĩ Kỳ, "cả thế giới cần dầu và khí đốt từ Venezuela. Ngoài ra, Iran cũng đang chịu các biện pháp cấm vận". "Nếu muốn giá dầu giảm, hãy dỡ các lệnh trừng phạt với họ", ông Cavusoglu kêu gọi.

Trong khi Mỹ phản đối bước đi của OPEC+, Nga hưởng lợi từ quyết định này, do họ không phải cắt giảm lượng dầu khai thác thực tế nhưng lại được bán dầu với mức giá cao.

Từ phía OPEC+, Arab Saudi mô tả các nhà xuất khẩu dầu lớn trên thế giới chỉ cắt giảm sản lượng để phản ứng với việc lãi suất tăng vọt ở phương Tây, nơi các ngân hàng trung ương như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đang chậm trễ giảm thanh khoản, làm đồng USD tăng giá trị và khiến giá dầu giảm.

Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) thì khẳng định OPEC+ đã cân nhắc kỹ trước khi cắt giảm sản lượng dầu; còn Algeria mô tả quyết định này là "mang tính lịch sử" và Kuwait nói quyết định hoàn toàn "thuần túy về mặt kinh tế".

Thái Hà
.
.
.