Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu ngũ cốc Ukraine

Thứ Hai, 13/06/2022, 08:41

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thảo luận với Nga và Ukraine về khả năng mở ra hành lang an toàn cho các chuyến hàng nông sản rời biển Đen, trong bối cảnh chiến sự vẫn diễn ra ác liệt.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 12/6 xác nhận ông sẽ có các cuộc thảo luận trực tiếp với người đồng cấp Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky về khả năng tạo "hành lang an toàn cho các chuyến hàng nông sản" từ Nga và Ukraine, Trend đưa tin.

Thổ Nhĩ Kỳ giải cứu ngũ cốc Ukraine -0
Ngũ cốc được chuyển lên tàu ở cảng Ukraine trước khi giao tranh nổ ra. Ảnh: ShutterStock

"Có một cuộc chiến đang xảy ra giữa Ukraine và Nga. Chúng tôi biết rằng các sản phẩm nông nghiệp đến từ các nước này rất nhiều… Chúng tôi có 5 triệu tấn lúa mì trong kho, nhưng chúng tôi muốn tăng khối lượng này lên", ông Erdogan nói.

Theo lời Tổng thống Erdogan, các cuộc thảo luận về việc xuất khẩu ngũ cốc sẽ không chỉ phục vụ Thổ Nhĩ Kỳ mà còn "cho các nước thứ ba". "Các cuộc thảo luận đang diễn ra. Tuần tới, chúng tôi sẽ thảo luận về các bước đi với Tổng thống Zelensky và Tổng thống Putin", ông Erdogan thông báo.

Thổ Nhĩ Kỳ kiểm soát các eo biển kết nối biển Đen và các vùng biển rộng lớn nên được kì vọng có thể đóng vai trò tích cực trong nỗ lực "giải cứu" ngũ cốc mắc kẹt của Ukraine.

Tổng thống Nga Putin trước đó tuyên bố sẵn sàng đảm bảo các tuyến vận chuyển ngũ cốc từ Ukraine không bị cản trở, nếu Kiev gỡ mìn quanh các cảng và thu xếp xuất khẩu ngũ cốc qua các cảng Berdyansk và Mariupol do Moscow kiểm soát.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tới Thổ Nhĩ Kỳ hôm 8/6, hai bên cùng tán thành đề xuất của Liên Hợp Quốc (LHQ) về thành lập hành lang an toàn 4 bên (gồm LHQ, Nga, Ukraine và Thổ Nhĩ Kỳ) ở biển Đen nhằm giải phóng số ngũ cốc mắc kẹt ở Ukraine.

Tuy nhiên, Kiev sau đó đã loại trừ phương án trên, cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ không đủ quyền lực và sức mạnh để đảm bảo an ninh cho hàng hóa, cảng biển Ukraine. Phía Ukraine cũng thừa nhận sẽ mất từ 3-4 tháng mới có thể gỡ sạch mìn khỏi các cảng.

Nga và Ukraine là hai nhà xuất khẩu nông sản hàng đầu thế giới, chiếm tới 1/3 nguồn cung lúa mì toàn cầu. Ngoài ra, Nga cũng là nhà xuất khẩu phân bón chủ chốt, còn Ukraine là nhà cung cấp chính ngô và dầu hướng dương.

Việc nguồn cung các sản phẩm nông nghiệp từ Nga, Ukraine thiếu hụt khiến giá lương thực toàn cầu tăng mạnh, đồng thời kéo theo nguy cơ đẩy hàng triệu người vào cảnh thiếu ăn, từ đó có thể dẫn tới các bất ổn về chính trị-xã hội ở nhiều quốc gia.

Thái Hà
.
.
.