Thị trường năng lượng toàn cầu “choáng váng” vì giá khí đốt

Thứ Sáu, 11/08/2023, 07:22

Tin tức về cuộc đình công tại các nhà máy khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) ở Australia đã khiến một chỉ số giá chuẩn của loại mặt hàng này tăng hơn 30%. Cụ thể, giá khí đốt tự nhiên của Hà Lan, chuẩn châu Âu, đã tăng 24% lên 40 euro mỗi megawatt giờ, kể từ ngày 8/8, trong khi giá khí đốt tự nhiên của Mỹ cũng đã tăng 18% trong tháng này.

Hiệu ứng domino

Liên đoàn Offshore, đại diện cho hai liên đoàn lao động Australia, đã thực hiện các bước hướng tới hành động đình công tại các địa điểm LNG Gorgon và Wheatstone của Tập đoàn năng lượng đa quốc gia Chevron (Mỹ). Các yêu cầu của công đoàn bao gồm đảm bảo việc làm và đào tạo tốt hơn, đồng thời trả lương cao hơn. Ngoài ra, các thành viên của công đoàn trên các giàn khoan khí đốt ngoài khơi ở khu vực Thềm Tây Bắc, thuộc sở hữu của Tập đoàn Năng lượng Woodside, đã bỏ phiếu ủng hộ tuyệt đối các cuộc đình công.

Người đứng đầu bộ phận phân tích khí tại Cơ quan tình báo hàng hóa độc lập (ICIS) Tom Marzec-Manser nhận định rằng, nếu các cuộc đình công tiếp tục, có tới 10% sản lượng LNG toàn cầu có thể bị ngừng hoạt động. Ông nói: “Mặc dù LNG của Australia hầu như không bao giờ được vận chuyển đến châu Âu, nhưng việc mất nguồn cung sẽ gây ra hiệu ứng domino”, đồng thời lưu ý rằng, những người mua châu Á thiếu hàng sẽ “hút” khí đốt khỏi châu Âu.

khidot.jpg -0
Ai Cập, Hy Lạp và Israel dẫn đầu về cung cấp năng lượng cho châu Âu. Ảnh: desfa.gr

Trong khi đó, ông Bill Weatherburn, chuyên gia kinh tế hàng hóa tại Capital Economics, cho biết, nếu xuất khẩu LNG của Australia bị gián đoạn, người mua châu Á và châu Âu có thể rơi vào “cuộc chiến cạnh trạnh” khí đốt. Ông nói thêm: “Do phần lớn nguồn cung LNG dự phòng đến từ Mỹ nên giá khí đốt tự nhiên ở đó cũng tăng cao hơn”. Vị chuyên gia lưu ý rằng, giá khí đốt châu Âu tăng đột biến cho thấy khu vực này phụ thuộc như thế nào vào thị trường LNG toàn cầu khi EU gần như đã ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga. Nhưng khả năng xảy ra một cuộc khủng hoảng năng lượng toàn diện dường như thấp hơn một năm trước.

Trong khi đó, theo chuyên gia Tom Marzec-Manser, nhu cầu về khí đốt của châu Âu vẫn ở mức “thấp về mặt cấu trúc” và các cơ sở lưu trữ trong khu vực đặc biệt được dự trữ đầy đủ. Hơn nữa, nguy cơ đình công kéo dài “dường như tương đối thấp”. Về phần mình, ông Massimo Di Odoardo, trưởng bộ phận phân tích khí đốt toàn cầu tại Wood Mackenzie, nhận định: “Các chính phủ ở châu Á - đặc biệt là Nhật Bản - và châu Âu sẽ gây áp lực lên Chính phủ Australia để giúp tạo điều kiện cho một giải pháp”.

Sau khi nổ ra cuộc xung đột ở Ukraine, Nga từng là nhà cung cấp khí đốt lớn nhất châu Âu, đã hạn chế nguồn cung cho Liên minh châu Âu (EU), khiến lục địa này chạy đua tìm kiếm các nguồn cung mới, tăng cường nhập khẩu khí đốt từ Norway và LNG chủ yếu từ Mỹ và Qatar. Thành công của châu Âu trong việc lấp đầy khoảng trống mà Moscow để lại đã giúp hạ giá khí đốt tự nhiên xuống khỏi mức cao kỷ lục khoảng 300 euro mỗi megawatt giờ đạt được vào tháng 8 năm ngoái. Giá khí đốt tăng đột ngột sau đợt tăng giá dầu gần đây do các nhà xuất khẩu lớn như Saudi Arabia và Nga cắt giảm sản lượng. Giá dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, hiện cao hơn 21% so với ngày 27/6 và đạt mức cao nhất kể từ tháng 11 năm ngoái.

Những nhà cung cấp tiềm năng

Theo nhận định của chuyên gia Antonia Dimou, phụ trách khu vực Trung Đông tại Viện Phân tích An ninh và Quốc phòng Hy Lạp và cộng tác viên tại Trung tâm Phát triển Trung Đông, Đại học California (Mỹ), nguồn dự trữ dồi dào cùng những phát hiện khí đốt mới ở Ai Cập có thể biến thành những tiềm năng thương mại để nước này xuất khẩu đến châu Âu. Ai Cập có gần 2.200 tỷ mét khối (bcm) trữ lượng khí đốt đã được chứng minh và nước này đã sản xuất hơn 95 bcm vào năm 2021, với lượng xuất khẩu hơn 12 tỷ mét khối mỗi năm.

Bên cạnh đó, Ai Cập có vị trí thuận lợi để tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu, nhưng một hạn chế lớn là các nước châu Âu thiếu các kho cảng LNG hoặc các kho cảng hiện tại có khả năng tiếp nhận nguồn cung hạn chế. Do đó, các nước châu Âu cần phải nâng cấp các thiết bị đầu cuối hiện có hoặc xây dựng các thiết bị đầu cuối mới để mở rộng khả năng tiếp nhận khí đốt.

Cùng với Ai Cập, Israel có thể xuất khẩu sang châu Âu lượng khí đốt do có khoảng 500 bcm dự trữ trong hai thập niên tới. Đáng chú ý, Israel đã giành được độc lập về năng lượng trong những năm qua, tạo lá chắn trước cuộc khủng hoảng năng lượng do xung đột ở Ukraine gây ra. Israel cũng tăng tốc thăm dò khí đốt mới bằng cách cung cấp 20 lô thăm dò mới trong khuôn khổ vòng cấp phép quốc tế ngoài khơi lần thứ 4.

Theo thông báo gần đây của Bộ Năng lượng Israel, 4 tập đoàn đã nộp hồ sơ dự thầu để xin giấy phép thăm dò khí đốt trong vùng biển của Israel. Mục tiêu của Israel là tăng khối lượng khí đốt để xuất khẩu sang các thị trường thứ ba. Theo quan điểm của Israel, cuộc xung đột ở Ukraine tạo cơ hội vàng cho các nước trong khu vực sản xuất và cùng vận chuyển khí đốt sang châu Âu. Điều này còn có thể giúp các quốc gia trong khu vực xích lại gần nhau và soạn thảo các thỏa thuận hợp tác năng lượng dài hạn có lợi cho nền kinh tế của tất cả các bên liên quan.

Hy Lạp cũng là một nhân tố hàng đầu trong khu vực, có thể đóng vai trò là nhà sản xuất năng lượng và trung tâm trung chuyển khí đốt. Hy Lạp là quốc gia có nguồn tài nguyên khí đốt đầy triển vọng đã được ghi nhận trong các cuộc khảo sát địa chất được thực hiện ở Biển Ionian và ở Nam và Tây Nam Hy Lạp vào năm 2013. Các ước tính của các nhà địa chất dầu mỏ, kỹ sư và nhà kinh tế năng lượng chỉ ra rằng nước này có thể có khối lượng 10 nghìn tỷ feet khối (tcf) khí đốt nằm ở các vùng biển phía Nam và Tây Nam đảo Crete cùng các khu vực khác, chủ yếu nằm ở vùng biển sâu của Hy Lạp.

Hy Lạp cũng đặt mục tiêu biến mình thành một trung tâm trung chuyển năng lượng. Đây là quốc gia thành viên EU gần nhất với trữ lượng khí đốt của Biển Caspian và là cửa ngõ cho trữ lượng khí đốt của Israel, Ai Cập và Cyprus tới lục địa châu Âu. Với sự xấu đi của mối quan hệ EU - Nga do cuộc xung đột ở Ukraine, Hy Lạp là lối vào chính của nguồn khí đốt thay thế cho châu Âu.

Trong khi đó, năng lượng có thể là “cơ hội vàng” cho Cyprus, nước có thể cung cấp cho châu Âu 8 bcm mỗi năm từ mỏ khí đốt Aphrodite. Cyprus đã phát hiện trữ lượng khoảng 700 bcm ở  Cronos - 1 thuộc vùng đặc quyền kinh tế của họ. Tập đoàn Chevron cũng đã thông báo về việc tăng tốc các kế hoạch phát triển sau khi khoan thành công gần đây một mỏ khí đốt ở Aphrodite ngoài khơi đảo Cyprus.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.