Thế khó của Mỹ và đồng minh

Thứ Bảy, 25/03/2023, 08:59

Các cuộc họp giữa Nga và Trung Quốc cùng đề xuất hòa bình Ukraine đã đẩy chính quyền Mỹ vào một tình thế không thoải mái. Vì, dù không hoan nghênh, nhưng nếu Mỹ bác bỏ nó có thể giúp Trung Quốc có lý do để nói rằng Washington không quan tâm đến hòa bình của Ukraine.

Cuộc tranh luận tại Mỹ về đề xuất kế hoạch hòa bình Ukraine do Trung Quốc đưa ra gần đây chỉ là một trong nhiều điều mà Mỹ không thoải mái về chuyến thăm Nga ba ngày của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Trong phiên điều trần tại Thượng viện Mỹ hôm 22/3, Thượng nghị sĩ Jeff Merkley đã yêu cầu Ngoại trưởng Antony Blinken nói về cuộc gặp của Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch Tập Cận Bình vừa rồi. Ông Antony Blinken thừa nhận đó là cuộc gặp cho thấy Moscow và Bắc Kinh tiếp tục thực hiện cam kết “quan hệ đối tác không có giới hạn” mà hai quốc gia này đưa ra ngay trước cuộc xung đột Ukraine. Ông nói: “Điều này không có gì ngạc nhiên. Cả hai quốc gia đều có thế giới quan rất khác so với thế giới quan của chúng ta. Họ có thể tìm thấy lý do chung trong việc phản đối thế giới quan của chúng ta”.

Thế khó của Mỹ và đồng minh -0
Chủ tịch Tập Cận Bình và Tổng thống Vladimir Putin. Ảnh: Getty images

Theo Ngoại trưởng Mỹ, nhiều quốc gia bảo vệ và phát triển thế giới quan giống Mỹ, nhưng ông đã không đề cập đến những quốc gia đã từ chối chọn bên đứng bất chấp sự thúc giục của Washington. Bắc Kinh đã không coi trọng các biện pháp trừng phạt mà Mỹ áp đặt lên các công ty Trung Quốc có quan hệ đối tác với Nga. Nước này vẫn mua dầu từ Iran bất chấp yêu cầu của phương Tây và hỗ trợ dàn xếp giảm căng thẳng ngoại giao giữa Saudi Arabia và Iran. Các nền kinh tế lớn trên toàn cầu như Ấn Độ và Brazil cũng từ chối lựa chọn giữa Trung Quốc và phương Tây, cho biết họ không muốn một cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Tất cả những điều trên đang diễn ra khi mối quan hệ của Mỹ với Trung Quốc ngày càng trở nên tồi tệ hơn, nhất là sau sự cố khinh khí cầu gần đây.

Các quan chức Mỹ cho rằng, những lời lẽ cảnh báo mạnh mẽ dành cho Trung Quốc đang có tác động. Trong khi đó, Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí cho Ukraine. Ông Christopher K. Johnson, Chủ tịch China Strategies Group (một công ty tư vấn rủi ro chính trị), cho biết: “Chính quyền Mỹ đã cố gắng khiến Trung Quốc đối mặt với cuộc khủng hoảng Ukraine theo các điều kiện của Mỹ, nhưng Chủ tịch Tập Cận Bình đang hành động theo các điều kiện riêng. Và tôi nghĩ điều đó có lẽ đang gây ra một số lo lắng trong chính quyền Mỹ”. Khi Mỹ liên tục có đường lối cứng rắn với Trung Quốc, một số nhà phân tích tin rằng, Bắc Kinh có thể sớm từ xây dựng bỏ mối quan hệ tốt đẹp hơn với Washington. Bà Melanie Sisson, một thành viên chính sách đối ngoại tại Viện Brookings, nhận định: “Trung Quốc càng thấy ít cơ hội hợp tác với Mỹ thì càng nhiều khả năng họ sẽ theo đuổi những con đường và lựa chọn khác”.

Về phía Ukraine, Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky đã từng rất thẳng thắn khi đưa ra những lời chỉ trích gay gắt đối với các quốc gia như Hungary và Đức vì đã quá gần gũi với Nga khi xung đột mới nổ ra hồi năm ngoái. Nhưng hiện nhà lãnh đạo Ukraine lại thể hiện một quan điểm đối ngoại hoàn toàn khác với đối tác hàng đầu của Moscow: Trung Quốc. Theo giới phân tích, có những lý do chính đáng để Kiev không “chọc giận” Trung Quốc, bất chấp “mối quan hệ đối tác không giới hạn” của Bắc Kinh với Moscow. Thay vì “đẩy Trung Quốc” ra xa, ông Volodymyr Zelensky muốn duy trì quan hệ với Bắc Kinh như là nhà đầu tư, đối tác thương mại và bên trung gian hòa giải tiềm năng.

Trong thời gian tới, tiềm lực tài chính mạnh của Trung Quốc cũng có khả năng đóng một vai trò trong việc giúp Ukraine tái thiết sau sự tàn phá do xung đột. Khi Chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Moscow vào tuần này, có nhiều đồn đoán rằng nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể tiến hành một cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Ukraine kể từ khi xung đột với Nga nổ ra. Mặc dù chưa có cuộc điện đàm nào được xác nhận, nhưng Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết ông hoan nghênh cuộc thảo luận như vậy giữa hai nhà lãnh đạo Trung Quốc - Ukraine, đồng thời lưu ý: “Chúng tôi tin rằng (Trung Quốc) và chính ông Tập nên lắng nghe trực tiếp quan điểm của Ukraine chứ không phải chỉ là quan điểm của Nga”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko hôm 20/3 cho biết, Kiev mong muốn Bắc Kinh sử dụng ảnh hưởng của mình đối với Moscow để chấm dứt xung đột: “Ukraine đang theo dõi chặt chẽ chuyến thăm của Chủ tịch Trung Quốc tới Nga. Chúng tôi mong muốn Bắc Kinh tác động để Nga ngừng giao tranh”. Ông đồng thời lưu ý rằng, trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Trung Quốc hồi tuần trước, Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba nhấn mạnh rằng “khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine nên là cốt lõi của mọi nỗ lực ngoại giao”. Gần đây, trong khi các quan chức Liên minh châu Âu (EU) và NATO đã phản ứng một cách đầy hoài nghi về kế hoạch 12 điểm của Trung Quốc nhằm chấm dứt xung đột ở Ukraine vào tháng trước, Tổng thống Volodymyr Zelensky nhấn mạnh rằng ông sẵn sàng để ngỏ cho một cuộc đối thoại do Bắc Kinh dẫn đầu.

Trong chuyến thăm Nga vừa rồi, Chủ tịch Tập Cận Bình được Tổng thống nước chủ nhà Vladimir Putin chào đón nồng nhiệt. Hai nước cam kết làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác. Người đứng đầu Điện Kremlin nhấn mạnh: “Tiến triển đạt được trong thập kỷ qua của mối quan hệ song phương này thực sự ấn tượng. Như tôi đã khẳng định nhiều lần trước đó, quan hệ Nga - Trung hiện nay ở mức cao nhất trong lịch sử của chúng ta và gần như có thể coi như một hình mẫu. Đây là tấm gương của sự hợp tác giữa các siêu cường, những quốc gia có trách nhiệm đặc biệt duy trì an ninh và sự ổn định toàn cầu với vai trò là các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc”.

Về phần mình, Chủ tịch Tập Cận Bình lưu ý rằng, quan hệ Trung - Nga đã vượt xa quan hệ song phương và có tầm quan trọng sống còn đối với trật tự thế giới hiện đại. Hai nước sẽ tăng cường hợp tác trong khuôn khổ các cấu trúc đa phương, bao gồm Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO), Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - bao gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), thúc đẩy chủ nghĩa đa phương thực chất và đóng góp vào sự phục hồi của kinh tế thế giới trong thời kỳ hậu đại dịch, tạo sức mạnh mang tính xây dựng trong quá trình hình thành một thế giới đa cực và hoàn thiện hệ thống quản trị toàn cầu.

Các chuyên gia đánh giá cao kết quả chuyến thăm và hội đàm của hai nhà lãnh đạo Nga - Trung Quốc. Giáo sư Graham Allison thuộc Trường Harvard Kennedy cho rằng: “Khi lùi lại và phân tích mối quan hệ Nga - Trung, có một thực tế rõ ràng không thể phủ nhận là: Trong mọi chiều hướng từ mối quan hệ cá nhân cho tới kinh tế, quân sự và ngoại giao, liên minh không chính thức mà Chủ tịch Tập Cận Bình xây dựng với Tổng thống Vladimir Putin đạt được nhiều kết quả hơn so với hầu hết các liên minh chính thức của Mỹ hiện nay”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.