Thế giới lung linh sắc màu chào đón Giáng sinh

Chủ Nhật, 25/12/2022, 09:42

Trong khi khủng hoảng năng lượng khiến các nước châu Âu phải giới hạn số giờ thắp sáng đèn trang trí trong dịp Giáng sinh thì ở một số quốc gia châu Á, không khí dịp lễ cuối năm có phần nhộn nhịp hơn sau 3 năm hạn chế vì đại dịch COVID-19.

Đèn Giáng sinh là tín hiệu cho thấy ngày lễ sắp đến, nhưng năm nay, sự thể hiện của chúng cũng cho thấy người dân châu Âu đang bước vào một thời kỳ khá đặc biệt, đó là thời kỳ tiết kiệm năng lượng. Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và chiến tranh ở Ukraine dẫn đến khủng hoảng năng lượng, hành vi lãng phí điện là điều khó được chấp nhận. Đặc biệt là khi giá năng lượng đang tăng cao và việc cắt điện hoặc giảm tải có thể xảy ra trong mùa Đông.

phap.jpg -0
Người dân tập trung xem lễ hội thắp sáng Đại lộ Champs-Elysees cho mùa Giáng sinh.

Nếu như mọi năm, đèn màu được lắp đặt ở nhiều nơi với đủ những hình thức trang trí rực rỡ, bắt mắt, thì năm nay, đèn chỉ được trang trí ở những đường phố lớn hoặc trung tâm các quận. Đèn hiệu các cửa hàng không còn sáng choang như trước, nhưng cũng nhấp nháy đủ để thu hút khách tham quan.

Tại Thủ đô Paris của Pháp, nơi được mệnh danh là “Kinh đô ánh sáng”, các bóng đèn được chọn năm nay là đèn LED siêu nhỏ có thể điều khiển được, giúp mức tiêu thụ năng lượng giảm 44% so với năm ngoái. Được biết, việc sử dụng đèn LED để trang trí đại lộ Champs-Élysées đã được áp dụng từ năm 2006, góp phần tiết kiệm một lượng điện năng không hề nhỏ. Tuy không sáng rực rỡ như trước nhưng cũng đủ để tạo nên vẻ đẹp lung linh huyền ảo.

Một thay đổi đáng chú ý khác, đó là khoảng thời gian chiếu sáng cũng đã được giảm bớt. Đèn bắt đầu bật từ 17h nhưng chỉ đến 23h45 là tắt, thay vì 2h sáng hôm sau như trước đây, ngoại trừ hai buổi tối Noel và Giao thừa vào ngày 24 và 31/12. Việc thắp đèn trang trí cũng sẽ kết thúc sớm hơn một tuần - vào ngày 2/1 thay vì ngày 9/1 như các năm trước.

Theo ước tính, những dây đèn trang trí dịp Giáng sinh và Năm mới này sẽ chỉ tiêu tốn 13.176 kWh, tương đương với mức tiêu thụ điện hằng năm của một hộ gia đình có từ 3-4 người, so với 23.400 kWh vào năm 2021. Cuối cùng, các cửa hàng trên đại lộ Champs-Élysées, thay vì bật đèn suốt đêm như trước kia, thì cũng quyết định giảm tối đa ánh sáng, thậm chí tắt đèn trang trí các quầy kính mặt tiền từ 22h đêm đến 7h sáng hôm sau.

Từ Thủ đô Paris đến London (Anh), giới chức thành phố đang giới hạn thời gian thắp sáng đèn trong ngày lễ trong khi nhiều nơi chuyển sang sử dụng đèn LED tiết kiệm năng lượng hơn hoặc các nguồn năng lượng tái tạo. Khu phố mua sắm Oxford ở Anh dự kiến cắt giảm 2/3 mức tiêu thụ năng lượng bằng cách giảm độ sáng của đèn trang trí trong khoảng thời gian từ 15h đến 23h (giờ địa phương) và lắp đặt đèn LED. Các quan chức ở Romania cũng thông báo đèn trang trí lễ hội sẽ giảm độ sáng từ 1h đến 6h sáng tại trung tâm thành phố cổ Brasov trong khi tắt đèn ở những nơi khác.

Tại Italy, giới chức ở thị trấn Borno thuộc vùng Lombardy cho biết sẽ không có hệ thống chiếu sáng lễ hội nào được lắp đặt để nâng cao nhận thức về tiết kiệm năng lượng. Không chỉ thiếu năng lượng, các cuộc tuần hành, đình công đòi tăng lương tại châu Âu vẫn đang diễn ra và được lên kế hoạch trong mùa Giáng sinh năm nay tại nhiều nơi cũng khiến cho châu lục này “không thể lộng lẫy” như các mùa Noel trước.

Trong khi đó, dù không có gà tây, cây thông và trang trí lung linh mừng lễ hội ở mỗi gia đình như ở hầu hết các nước phương tây, các quốc gia châu Á vẫn tổ chức Giáng sinh như một cách trân trọng văn hóa của một cộng đồng thiểu số. Năm nay không khí dịp lễ cuối năm có phần nhộn nhịp hơn sau 3 năm hạn chế vì đại dịch COVID-19.

Tại Việt Nam, mọi năm, người dân, đặc biệt là giới trẻ, đều háo hức chào đón Giáng sinh. Tại TP Hồ Chí Minh, đêm Giáng sinh, người dân đổ về đường Nguyễn Huệ để thưởng thức các màn trình diễn ánh sáng, chụp ảnh và tận hưởng không khí Giáng sinh cùng bạn bè. Tương tự ở Hà Nội, tất cả các góc của khu phố cổ đều được trang trí và mọi người đổ về các nhà thờ trên khắp thành phố để thưởng thức không khí lễ hội của ngày Chúa giáng thế.

Giáng sinh là một lễ kỷ niệm lớn ở Singapore, không chỉ đối với những người theo đạo Thiên chúa mà còn đối với những người trẻ tuổi. Đường phố và các cửa hàng được trang trí bằng hình ảnh Giáng sinh thường thấy: tuyết trắng, quà Giáng sinh, cây thông Noel và những người đàn ông trong bộ đồ ông già Noel màu đỏ. Các cửa hàng trên đường Orchard biến mỗi dịp Giáng sinh thành một xứ sở thần tiên với mọi loại quà tặng và không khí Giáng sinh tuyệt vời. Các nhà hàng trên khắp hòn đảo mang đến không khí lễ hội với thực đơn đặc biệt để gây ấn tượng với thực khách. Những người dân đi dự lễ hội có thể tham gia bữa tiệc đếm ngược tại Vịnh Marina với màn trình diễn nhạc sống và pháo hoa quy mô nhất châu Á.

Cũng tại khu vực Đông Nam Á, Myanmar tổ chức lễ Giáng sinh trong cả tháng 12, bắt đầu từ ngày đầu tiên của tháng. Dịp này dần dần phổ biến hơn với tên gọi “Tháng 12 ngọt ngào” dành cho cả giới trẻ và người lớn tuổi. Mặc dù Myanmar là một quốc gia Phật giáo, đạo Thiên Chúa và lễ Giáng sinh vẫn tồn tại như một phần ảnh hưởng của văn hóa phương Tây. Vì vậy, những người ngoại đạo ở đây cũng rất mong chờ những ngày lễ kỷ niệm này. Điều thú vị là nhà thờ ở Myanmar được trang trí với màu vàng ánh kim thay vì các màu đỏ, xanh lá cây và trắng thông thường.

Hong Kong (Trung Quốc) là điểm đến lý tưởng để đón Giáng sinh cho những du khách đến thăm châu Á. Giáng sinh là một ngày lễ ở Hong Kong (Trung Quốc) và cũng trùng với lễ hội Ta Chiu của Đạo giáo. Thật trùng hợp, hai lễ hội này khá tương đồng. Trong lễ Ta Chiu, người Hong Kong (Trung Quốc) cầu nguyện và thỉnh cầu các thần linh mang tới cho họ phúc lành trong năm tới. Cây thông là vật trang trí hiện diện tại tất cả các tòa nhà công cộng và trung tâm thương mại lớn. Để tạo không khí vui tươi, hầu hết các tòa nhà đối diện cảng Victoria đều được bao phủ trong ánh đèn Giáng sinh. Nếu du khách muốn cảm nhận không khí lễ hội hơn nữa, những trung tâm mua sắm nhộn nhịp chính là địa điểm không thể bỏ lỡ.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.