Thế giới lo ngại bùng phát đợt lây nhiễm mới do “Omicron tàng hình”

Thứ Năm, 31/03/2022, 09:01

BA.2 – “phiên bản tàng hình” của biến chủng Omicron có khả năng lây lan nhanh của virus SARS-CoV-2 – hiện đang chiếm ưu thế trong số các ca nhiễm COVID-19 trên toàn thế giới, đặc biệt tại châu Á và châu Âu, khiến nhiều người lo ngại về khả năng bùng phát một đợt lây nhiễm mới.

Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), BA.2 hiện chiếm gần 86% số ca nhiễm đã được giải trình tự gene và dễ lây nhiễm hơn các phiên bản “anh em” khác như BA.1 hay BA.1.1. Sở dĩ BA.2 được gọi với cái tên “biến thể tàng hình” vì nó không chứa đột biến đặc trưng của biến chủng Omicron nên cần phải xem xét kỹ càng kết quả xét nghiệm người nhiễm biến chủng này bằng phương pháp RT-PCR.

Các nghiên cứu khoa học cho thấy, BA.2 khác với BA.1 khi có sự thay đổi về axit amin trong protein gai và các protein khác, khiến BA.2 có lợi thế tăng trưởng hơn BA.1, lây lan nhanh hơn nhưng triệu chứng lại ít nghiêm trọng hơn. Giống như các biến thể phụ khác trong dòng Omicron, vaccine ít hiệu quả với BA.2 hơn biến chủng Alpha hay chủng SARS-CoV-2 gốc, tác dụng bảo vệ của vaccine cũng giảm dần theo thời gian. Dù vậy, một nghiên cứu do Trung tâm An ninh Y tế của Anh cho thấy việc tiêm mũi bổ sung giúp bảo vệ người bệnh tốt hơn, giảm tỷ lệ nhập viện và tử vong.

BA.2 được cho là nguyên nhân chính của sự gia tăng số ca nhiễm đáng báo động trong thời gian gần đây tại Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, như Đức hay Anh. Theo giới chức y tế Mỹ, BA.2 hiện đang chiếm ưu thế tại nước này, với hơn 1/2 số ca mắc COVID-19 thuộc biến thể này. Khoảng 2 tháng trước, biến thể phụ BA.2 chỉ chiếm dưới 1% các ca nhiễm được ghi nhận tại Mỹ.

Thế giới lo ngại bùng phát đợt lây nhiễm mới do “Omicron tàng hình” -0
Một điểm lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 tại Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tuy nhiên, theo công bố mới nhất của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ ngày 28/3 (giờ địa phương), biến thể “Omicron tàng hình” BA.2 đã chiếm gần 55% tổng số ca bệnh được giải trình tự gen của nước này. Riêng tại khu vực New England (Mỹ), biến thể này chiếm gần 3/4 tổng số ca nhiễm.

Nhiều chuyên gia cho rằng, chính thời điểm nhiều nơi ở Mỹ nới lỏng các biện pháp phòng dịch như đeo khẩu trang hay tiêm vaccine ngừa COVID-19 là cơ hội để BA.2 lây lan trong cộng đồng. Trước đó, đầu tháng 3, cố vấn y tế chính của Nhà Trắng Anthony Fauci đã dự đoán về khả năng gia tăng các ca mắc liên quan đến biến thể này. Theo CDC, hiện có hơn 217 triệu người Mỹ được tiêm chủng đầy đủ, chiếm khoảng 65% dân số. Trong đó, có gần 97 triệu người đã được tiêm thêm ít nhất một liều vaccine tăng cường. Tuy nhiên, vẫn còn một tỷ lệ không nhỏ dân số Mỹ chưa được tiêm bất kỳ loại vaccine nào. Hôm 29/3, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ đã phê duyệt tiêm liều vaccine thứ 4 (liều tăng cường thứ 2) cho người từ 50 tuổi trở lên hoặc người bị suy giảm hệ miễn dịch (ít nhất 18 tuổi với vaccine Moderna và ít nhất 12 tuổi với vaccine Pfizer).

Đáng chú ý, theo thống kê của Reuters, số ca mắc COVID-19 tại châu Á đã vượt mức 100 triệu ca vào ngày 30/3. Theo đó, châu Á mới ghi nhận thêm 1 triệu ca mắc COVID-19 và hiện chiếm tới 21% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu. Hàn Quốc đang dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm mới trung bình hằng ngày, chiếm 25% số ca nhiễm mới theo ngày trên toàn cầu. Dù số ca nhiễm đã dần ổn định so với thời điểm đầu tháng 3, trung bình Hàn Quốc vẫn ghi nhận trên 300 ca tử vong do COVID-19 mỗi ngày, khiến nhà chức trách phải yêu cầu các cơ sở hỏa táng kéo dài thời gian làm việc. Tương tự, Trung Quốc đang trải qua làn sóng dịch bệnh tồi tệ nhất kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại quốc gia này. Số ca nhiễm tăng nhanh tại Thượng Hải đã buộc chính quyền thành phố phải áp đặt lệnh phong tỏa tại một số khu vực.

Kể từ đầu năm đến nay, Trung Quốc đã ghi nhận hơn 45.000 ca nhiễm mới, cao hơn thống kê của cả năm 2021. Dù Trung Quốc đã tiêm phòng cho 90% dân số, song những người lớn tuổi vẫn chưa được tiêm mũi tăng cường đầy đủ, khiến nhóm người này đối mặt với nguy cơ tái nhiễm cao. Trong khi đó, chỉ riêng Ấn Độ đã ghi nhận 43 triệu ca mắc COVID-19. So với giai đoạn đỉnh dịch với trung bình hơn 300.000 ca nhiễm mới mỗi ngày, trong 11 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận dưới 2.000 ca nhiễm mới mỗi ngày. Đầu tháng 3, số ca tử vong do COVID-19 tại châu Á đã vượt 1 triệu người.

Mối quan ngại hàng đầu hiện nay là liệu BA.2 có thể khiến người từng nhiễm BA.1 tái nhiễm bệnh hay không, đặc biệt trong bối cảnh nhiều nước chứng kiến tình trạng “đỉnh kép” trong thời gian gần đây. Nghiên cứu của các nhà khoa học tại Anh và Đan Mạch cho thấy trong khi Omicron có thể tái nhiễm với người từng mắc các biến thể khác như Delta, đến nay phát hiện không nhiều trường hợp người từng nhiễm BA.1 tái nhiễm BA.2.

Các nhà khoa học cho rằng lời giải thích khả dĩ cho sự gia tăng số ca nhiễm BA.2 trong thời gian gần đây là do nhiều nước dỡ bỏ dần các quy định kiểm dịch. “Bằng cách nào đó, có thể chỉ đơn giản là BA.2 bùng phát trùng với thời điểm người ta bớt đeo khẩu trang”, Tiến sĩ Andrew Pekosz, nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa Johns Hopkins Bloomberg tại Baltimore, Mỹ, cho biết. Do đó, “vẫn còn quá sớm để khẳng định liệu Mỹ sẽ phải chứng kiến một đợt bùng phát BA.2 đáng kể nữa hay không”, theo Eric Topol, Giám đốc Viện nghiên cứu Scripps tại California, Mỹ.

Tuy nhiên, bất kể nguyên nhân gì dẫn đến việc số ca nhiễm BA.2 tăng nhanh trong thời gian qua, đây sẽ là lời nhắc nhở rằng virus SARS-CoV-2 vẫn có thể lây lan mạnh và gây hại, đặc biệt là với nhóm đối tượng chưa được tiêm chủng, chưa tiêm đầy đủ hoặc mắc bệnh nền. Mark Woolhouse, nhà dịch tễ học tại Đại học Edinburgh, cho biết: “Đây vẫn là một vấn đề y tế cộng đồng rất lớn trong tương lai”.

Gia Khoa
.
.
.