Telegram nhượng bộ, ra thông báo về việc chuyển giao dữ liệu cho chính phủ
Nền tảng nhắn tin Telegram đang đưa ra một số nhượng bộ mới về vấn đề an toàn và quyền riêng tư của người dùng, sau vụ việc nhà sáng lập kiêm giám đốc điều hành Pavel Durov bị bắt tại Pháp hồi tháng trước.
CNN hôm 23/9 đưa tin, Telegram đã thay đổi điều khoản dịch vụ để ngăn tội phạm lạm dụng, sau vụ việc CEO Pavel Durov bị bắt tại Pháp và dính hàng loạt cáo buộc liên quan tới vấn đề tiếp tay cho tội phạm. Theo đó, trong báo cáo minh bạch mỗi quý, nền tảng này sẽ công khai IP và số điện thoại của những người dùng vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền.
Chia sẻ trên Telegram, Pavel Durov cho hay: “Trong khi 99,999% người dùng Telegram không liên quan đến tội phạm, thì 0,001% tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp lại tạo nên hình ảnh xấu cho toàn bộ nền tảng, gây nguy hiểm cho lợi ích của gần một tỷ người dùng”.
Giới chuyên gia nhận định, đây là sự thay đổi lớn trong chính sách của Telegram. Kể từ khi trình làng năm 2013, CEO của nền tảng này vốn có quan điểm chống lại các quy định của chính phủ trong việc theo dõi người dân và tin rằng mọi người cần một hệ thống nhắn tin mã hóa để giao tiếp.
Tuy nhiên, chính tính năng bảo vệ danh tính của Telegram khỏi sự giám sát của cơ quan thực thi pháp luật đã cho phép các nhóm lừa đảo hoạt động, các phần tử cực đoan giao tiếp và tuyển dụng thành viên.
Hồi đầu tháng 9, Telegram cũng đã vô hiệu hóa tính năng tải lên phương tiện mới cho công cụ viết blog độc lập và loại bỏ tính năng tìm người lân cận People Nearby nhằm ngăn chặn các hành vi lừa đảo. Trước đó, Pavel Durov thừa nhận, lượng người dùng tăng đột ngột của ứng dụng đã gây ra những khó khăn khiến tội phạm dễ dàng lạm dụng nền tảng hơn.
Pavel Durov bị bắt tại một sân bay ở ngoại ô Paris tối 24/8, sau khi đến đây từ Azerbaijan bằng máy bay riêng. Hôm 28/8 (giờ địa phương), Tòa án Paris đã quyết định truy tố CEO Telegram vì những cáo buộc liên quan đến tội phạm có tổ chức, trong đó có tội đồng lõa trong việc quản lý nền tảng trực tuyến cho phép thực hiện giao dịch bất hợp pháp, phát tán nội dung ko phù hợp, buôn bán ma túy, lừa đảo; từ chối chia sẻ thông tin theo yêu cầu của giới chức; rửa tiền; cung cấp dịch vụ mã hóa cho tội phạm.
Pavel Durov được tại ngoại vào tối cùng ngày sau khi nộp phí bảo lãnh khoảng 5 triệu euro. Tuy nhiên, ông cũng chịu hình thức giám sát tư pháp, bị cấm xuất cảnh khỏi Pháp và phải trình diện tại đồn cảnh sát hai lần mỗi tuần.
Theo giới chuyên gia, quyết định trên không đồng nghĩa với việc Pavel Durov bị coi là có tội hoặc sẽ bị xét xử. Điều này chỉ cho thấy các thẩm phán tin rằng có đủ bằng chứng để tiếp tục điều tra. Các cuộc điều tra có thể kéo dài nhiều năm trước khi được đưa ra xét xử hoặc hủy bỏ.