Tây Ban Nha triển khai lực lượng vũ trang lớn nhất trong thời bình để đối phó lũ lụt
Trận lũ quét kinh hoàng nhất trong lịch sử hiện đại của Tây Ban Nha đã khiến ít nhất 214 người và hàng chục người vẫn đang mất tích.
Trong một tuyên bố trên truyền hình hôm 2/11 (giờ địa phương), Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez cho biết chính phủ sẽ điều động thêm 5.000 binh sĩ để hỗ trợ tìm kiếm và dọn dẹp, ngoài 2.500 binh sĩ đã được triển khai.
"Đây là hoạt động triển khai lớn nhất của lực lượng vũ trang Tây Ban Nha trong thời bình", ông Sanchez nói, khẳng định chính phủ sẽ huy động mọi nguồn lực cần thiết "miễn là còn cần thiết".
Trong khi đó, chính quyền khu vực Valencia tối 2/11 (giờ địa phương) công bố tổng số người tử vong do đợt mưa lũ vừa qua tại khu này là 211 người, cùng với 2 người tử vong ở Castilla La Mancha và 1 người tử vong ở Andalusia.
Đợt mưa lũ xảy ra từ cuối tháng 10 vừa qua tại Tây Ban Nha được coi là thảm họa lũ lụt tồi tệ nhất châu Âu kể từ năm 1967. Khu vực Valencia, miền Đông Tây Ban Nha, là nơi chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ lụt này.
Hàng nghìn ngôi nhà bị ngập lụt, cơ sở hạ tầng bị phá hủy và giao thông bị tê liệt. Người dân địa phương đã phải đối mặt với những khó khăn chồng chất khi thiếu nước sạch, điện và thực phẩm.
Trong 2 ngày cuối tuần, các tình nguyện viên đã đến Trung tâm Nghệ thuật và Khoa học Valencia để tham gia đợt dọn dẹp phối hợp đầu tiên do chính quyền khu vực tổ chức. Địa điểm này đã được chuyển đổi thành trung tâm chỉ huy cho hoạt động phục hồi sau lũ tại Valencia.
Tại vùng ngoại ô Picanya của Valencia, bà Emilia, 74 tuổi, chia sẻ: "Có rất nhiều người cần giúp đỡ. Không chỉ nhà tôi, mà là tất cả các ngôi nhà khác và chúng tôi đều buộc đang vứt bỏ đồ đạc. Chúng tôi thậm chí còn không thể giặt quần áo và thậm chí không thể tắm rửa".
Y tá Maria Jose Gilabert, 52 tuổi, cũng sống tại Picanya, cho biết: "Chúng tôi rất đau khổ vì hiện tại không có nhiều ánh sáng ở đây, không phải vì không ai đến giúp đỡ, mà vì họ đang đến từ khắp Tây Ban Nha, và vì sẽ còn rất lâu nữa nơi này mới có thể trở thành nơi có thể sinh sống được".
Các nhà khoa học cho biết, các hiện tượng thời tiết cực đoan đang trở nên thường xuyên hơn ở châu Âu và những nơi khác do biến đổi khí hậu. Các nhà khí tượng học cho rằng sự ấm lên của Địa Trung Hải, làm tăng sự bốc hơi nước, đóng vai trò chính trong việc khiến mưa xối xả trở nên nghiêm trọng hơn.