Số ca mắc mới và tử vong do COVID-19 giảm trên toàn cầu
Theo báo cáo mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên thế giới đã giảm 16% trong tuần vừa qua, đánh dấu đà giảm kéo dài một tháng trong biểu đồ về số ca mắc COVID-19 toàn cầu. Trong khi đó, trong tuần tính đến ngày 1/3, số ca tử vong trên toàn thế giới liên quan COVID-19 đã giảm 10%, nối tiếp đà giảm được ghi nhận lần đầu tiên tuần trước đó.
Báo cáo của WHO chỉ ra rằng, đã có hơn 10 triệu ca mắc mới và khoảng 60.000 ca tử vong trên toàn cầu trong tuần được thống kê. Tây Thái Bình Dương là khu vực duy nhất chứng kiến sự gia tăng ca mắc COVID-19 - tăng khoảng 1/3 so với tuần trước đó. Tỉ lệ tử vong do căn bệnh này cũng tăng 22% ở Tây Thái Bình Dương và khoảng 4% ở Trung Đông, trong khi giảm ở các khu vực khác. WHO đánh giá Omicron vẫn là biến thể phổ biến trên toàn thế giới. Dữ liệu thống kê cho thấy, có tới 99,5% số ca mắc COVID-19 hiện nay do biến thể Omicron gây ra, trong khi chỉ có 0,3% là do nhiễm Delta.
Theo WHO, trong tháng trước, thế giới không xuất hiện thêm biến thể nào đáng lo ngại, ngoại trừ những biến thể đã biết gồm Beta, Gamma, Lambda hay Mu. Tuy nhiên, cơ quan này cũng thừa nhận rằng nhiều quốc gia vẫn đang chật vật giải quyết các thách thức về giám sát chuỗi lây lan. Nhiều quốc gia tại châu Âu như Anh, Thụy Điển và Đan Mạch đã nới lỏng hầu hết các biện pháp hạn chế, trong bối cảnh số ca mắc mới COVID-19 giảm đáng kể và các chiến dịch tiêm chủng đang được đẩy mạnh. Tại Mỹ, các nhà khoa học ước tính khoảng 73% dân số hiện đã miễn dịch với Omicron và theo đó nước này không cần áp đặt các biện pháp phòng dịch khắt khe nếu xảy ra làn sóng dịch bệnh mới trong tương lai.
Mặc dù vậy, WHO khuyến cáo vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng đại dịch COVID-19 đã kết thúc. Cơ quan này đồng thời cảnh báo nếu có cơ hội lây lan, virus SARS-CoV-2 sẽ còn tiếp tục biến đổi và rất có thể sẽ phát sinh một biến thể mới có nguy cơ lây nhiễm và gây tử vong cao hơn.
Vậy, bệnh nhân bị tái nhiễm COVID-19 có nguy hiểm? Theo Nature, các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, biến thể Omicron có thể vượt qua hàng rào miễn dịch tạo ra bởi vaccine và giờ đây các nhà khoa học đang nghiên cứu xem biến thể rất dễ lây lan này của virus SARS-CoV-2 có thể né tránh các kháng thể sản sinh từ các lần nhiễm trước đó như thế nào.
Ngay từ tháng 11/2021 khi những ca nhiễm Omicron đầu tiên xuất hiện, dữ liệu thu thập được từ Nam Phi đã cho thấy đặc tính tấn công hệ miễn dịch của Omicron, với tỷ lệ tái nhiễm cao hơn so với những làn sóng dịch trước đó. Tương tự tại Anh, hơn 650.000 người tại nước này có thể đã mắc COVID-19 tới 2 lần và phần lớn xảy ra kể từ khi biến thể Omicron được phát hiện.
Theo Cơ quan An ninh Y tế Anh, một người bị coi là tái nhiễm nếu như lần mắc sau cách lần mắc trước đó ít nhất 3 tháng. Tuy nhiên cơ quan này không khẳng định được liệu đây có thể chỉ là khoảng thời gian ngừng nghỉ gián đoạn của lần mắc đầu thông qua giải trình tự gen của virus hay không. Cho đến giữa tháng 11/2021, tỷ lệ tái nhiễm chỉ chiếm khoảng 1% trong tổng số các ca mắc, nhưng tỷ lệ này hiện nay là 10%.
Văn phòng Thống kê quốc gia Anh tại Newport cũng báo cáo sự gia tăng mạnh mẽ trong những tháng gần đây về số ca tái nhiễm sau khi lấy mẫu ngẫu nhiên các hộ gia đình trên khắp đất nước. Cụ thể nguy cơ tái nhiễm cao hơn 16 lần trong khoảng thời gian từ tháng 12/2021 đến đầu tháng 1 năm nay khi Omicron trở thành chủng thống trị so với biến thể Delta. Tuy nhiên, con số khảo sát này có thể còn thấp hơn con số tái mắc COVID-19 trên thực tế. Bởi nhiều trường hợp không xét nghiệm, không chẩn đoán và có thể tái mắc còn sớm hơn so với thời hạn 3-4 tháng kể từ lần mắc trước, nhất là ở các quốc gia mà Omicron chiếm chủ đạo.
Trong một nghiên cứu đăng trên Tạp chí Y học New England tháng 2 này, chuyên gia dịch tễ học Abu-Raddad tại Doha đã đánh giá mức độ mà Omicron có thể tránh được khả năng miễn dịch. Kết quả cho thấy, mặc dù miễn dịch tạo ra từ lần nhiễm bệnh trước đó có hiệu quả ngăn ngừa tới 90% đối với các biến thể Alpha, Beta hay Delta, nhưng với Omicron chỉ khoảng 56%. Tuy nhiên một điều đáng khích lệ là phần lớn các ca tái nhiễm xảy ra cách nhau 1 năm. Điều này cho thấy miễn dịch từ vaccine hay lần mắc trước đó khá hiệu quả và mức độ bảo vệ chống lại COVID-19 nghiêm trọng cũng rất cao (88%).
Không chỉ giống như "cơn cảm cúm", dù đã bình phục, song một số người vẫn phải đối mặt với các triệu chứng kéo dài của COVID-19 trong nhiều tuần hay thậm chí là vài tháng?
Tình trạng mất vị giác và khứu giác có thể kéo dài vài tháng sau khi bình phục khỏi COVID-19. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu, 95% số bệnh nhân cuối cùng đều sẽ phục hồi được những giác quan này. Thời gian đầu, người ta cho rằng việc mất vị giác và khứu giác sau khi mắc COVID-19 là do sự xâm nhập trực tiếp của virus vào các tế bào khứu giác hoặc tế bào thần kinh. Tuy nhiên hiện nay khi đã hiểu rõ hơn về COVID-19, thì các nhà khoa học lại cho rằng, virus dường như đã tác động trực tiếp đến các tế bào trợ giúp chứ không phải tế bào thần kinh. Khi các tế bào trợ giúp phục hồi, vị giác và khứu giác cũng phục hồi.
Theo Tiến sĩ Devang Sanghavi tại Phòng khám Mayo ở Jacksonville, Florida, điều quan trọng hơn cả vẫn là tiêm vaccine, đặc biệt nếu bạn đang phải đối mặt với các triệu chứng kéo dài của COVID-19. Mặc dù chưa được chứng minh một cách hoàn toàn, song vaccine có thể giúp làm giảm một số triệu chứng. Tuân thủ các nguyên tắc cơ bản về phòng, chống dịch dù bạn ở bất kỳ đâu sẽ giúp chấm dứt đại dịch và hãy tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19. Nếu bạn sống trong một khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, hãy đeo khẩu trang N95, thực hiện giãn cách xã hội, tránh tụ tập đông người, sát khuẩn tay và duy trì lối sống lành mạnh.
tái nhiễm