Sau Đức, Nga cắt bớt khí đốt sang Pháp
Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp đã nhận được thông báo của nhà xuất khẩu khí đốt Nga Gazprom về việc giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên do các tranh chấp trong hợp đồng giữa hai bên.
Tập đoàn năng lượng Engie của Pháp xác nhận nhà cung cấp khí đốt Nga Gazprom đã thông báo cho họ về kế hoạch cắt giảm nguồn cung khí đốt tự nhiên từ hôm nay (30/8) vì các tranh chấp trong hợp đồng giữa hai bên, nhưng không cung cấp thêm chi tiết, Reuters đưa tin.
Engie khẳng định, họ "đã tích trữ lượng khí đốt cần thiết để đảm bảo nguồn cung cho khách hàng" và nhu cầu của chính công ty, đồng thời "đưa ra một số biện pháp giảm thiểu tác động trực tiếp về tài chính và vật chất từ nguy cơ nguồn cung khí đốt Gazprom bị gián đoạn".
Hiện chưa rõ lượng khí đốt mà Gazprom dự định cắt giảm. Theo Reuters, Gazprom gần đây cung cấp cho Engie lượng khí đốt quy đổi ra năng lượng vào khoảng 1,5 Terawatt giờ (TWh) mỗi tháng.
Trên thực tế, nguồn cung khí đốt từ Nga sang Pháp đã giảm mạnh từ sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Năm ngoái, Gazprom bán cho Engie tới 121 TWh khí đốt, tương đương 20% lượng khí đốt mà Engie mua từ bên ngoài.
Gazprom chưa bình luận về thông tin của Engie. Bộ trưởng Chuyển tiếp Năng lượng Pháp Agnes Pannier Runacher cho rằng, "Nga đang sử dụng khí đốt như một vũ khí" và Pháp "phải chuẩn bị cho tình huống xấu nhất là nguồn cung từ Nga bị gián đoạn hoàn toàn".
Dù nhập khẩu lượng đáng kể khí đốt (khoảng 17% nhu cầu trong các năm trước đây, theo Reuters) từ Nga, song Pháp không phụ thuộc nhiều vào nguồn cung của Moscow để vận hành hạ tầng công nghiệp như quốc gia láng giềng là Đức. Pháp được cho là đã lấp đầy 90% kho dự trữ khí đốt chiến lược cho mùa Đông tới.
Tuy vậy, trong bối cảnh sản lượng điện từ các nhà máy điện hạt nhân (chiếm 70% sản lượng điện tại Pháp) và thủy điện giảm sút do vấn đề khí hậu, việc nguồn cung từ Nga bị cắt giảm sẽ làm trầm trọng hơn nguy cơ thiếu hụt năng lượng, từ đó đẩy giá điện và lạm phát ở châu Âu tăng cao.
Thủ tướng Pháp Elisabeth Borne hôm 29/8 đã hối thúc các chủ doanh nghiệp giảm tiêu thụ năng lượng và cảnh báo về nguy cơ phân bổ theo định mức. Engie hiện cũng đang đàm phán với một số đối tác khác, bao gồm Algeria về khả năng tăng cường hợp tác cung cấp khí đốt.