Rối bời Niger

Thứ Hai, 07/08/2023, 06:13

Âm mưu đảo chính đã làm nổi bật những rạn nứt sâu sắc trong nội bộ Niger và thể hiện thái độ của quân đội đối với nền dân chủ. Lực lượng đảo chính đang quy trách nhiệm cho tình trạng mất an ninh đang gia tăng và trì trệ kinh tế. Họ tuyên bố, để tránh sự sụp đổ hoàn toàn của đất nước, sự can thiệp là cần thiết.

Tuy nhiên, giới chuyên gia cho rằng, cuộc đảo chính mới nhất bắt nguồn từ cả nhiều vấn đề khác, bao gồm vấn đề dân tộc, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài và sự yếu kém của các thể chế khu vực.

Nguyên nhân dẫn đến cuộc đảo chính

Ngày 6/8 - ngày cuối cùng trong thời hạn 7 ngày theo tối hậu thư mà Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) đưa ra cho phe đảo chính tại Niger, bầu không khí căng thẳng tiếp tục bao trùm Thủ đô Niamey và nhiều thành phố lớn của quốc gia Tây Phi này.

Ngay từ buổi sáng, hàng nghìn người ủng hộ chính quyền quân sự của phe đảo chính tại Niger tiếp tục xuống đường tuần hành, lên án các lệnh trừng phạt quốc tế và phản đối ý định can thiệp quân sự chống Niger. Người biểu tình kêu gọi các nhà lãnh đạo Tây Phi từ bỏ kế hoạch can thiệp quân sự vào Niger, đồng thời dỡ bỏ các lệnh trừng phạt áp đặt chống nước này.

Trong khi đó, các lãnh đạo chính quyền quân sự Niger cho biết, phe đảo chính không thay đổi quyết tâm lật đổ chính quyền của Tổng thống Mohamed Bazoum, đồng nghĩa với việc không tuân theo tối hậu thư mà ECOWAS đưa ra là phải khôi phục trật tự Hiến pháp vào hạn chót trong ngày 6/8.

Về phần mình, Thủ tướng Niger Ouhoumoudou Mahamadou trong Chính phủ Tổng thống Mohamed Bazoum cảnh báo nếu cuộc đảo chính lần này thành công, nhiều cuộc đảo chính tiếp theo sẽ xảy ra tại Niger và khu vực.

niger.jpg -0
Toàn cảnh cuộc họp của Ủy ban các Tư lệnh quốc phòng ECOWAS về Niger ở Abuja, Nigeria hôm 2/8.

Dưới góc nhìn của Tiến sĩ Olayinka Ajala, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia về an ninh quốc tế, phân tích xung đột và quản trị ở châu Phi, âm mưu đảo chính đã làm nổi bật những rạn nứt sâu sắc trong đất nước và thể hiện thái độ của quân đội đối với nền dân chủ. Cụ thể, bên cạnh tình trạng mất an ninh đang gia tăng và triển vọng kinh tế suy giảm, cuộc đảo chính mới nhất bắt nguồn từ cả nhiều vấn đề khác, bao gồm vấn đề dân tộc, sự hiện diện của các lực lượng nước ngoài và sự yếu kém của các thể chế khu vực.

Theo đó, chiến dịch bầu cử vừa qua đã dẫn tới tranh cãi về vấn đề sắc tộc và tính hợp pháp của ông Mohamed Bazoum khi ông xuất thân từ dân tộc thiểu số Arab của Niger và luôn được coi là nguồn gốc ngoại quốc. Điều này không phù hợp với giới quân sự, vốn chủ yếu bao gồm các nhóm sắc tộc lớn hơn, mặc dù ông Mohamed Bazoum nhận được khoảng 56% phiếu bầu và thuộc cùng chính đảng với cựu Tổng thống Mahamadou Issoufou. Việc hiểu tầm quan trọng của thành phần sắc tộc trong quân đội nước này đã giúp ông Mahamadou Issoufou hoàn thành hai nhiệm kỳ tổng thống. Các bổ nhiệm trong quân đội được thực hiện theo nguyên tắc sắc tộc.

Bên cạnh đó, quân đội Niger đã không hào hứng đón nhận các binh sĩ và các căn cứ quân sự nước ngoài tại nước này do lo sợ vị thế của họ bị suy yếu. Năm 2019, bất chấp các cuộc biểu tình, Mỹ đã mở một căn cứ máy bay không người lái ở Niger trước đó. Chuyên gia cũng đã chỉ ra rằng điều này có thể khiến Niger trở thành mục tiêu của những kẻ khủng bố và gia tăng tình trạng bất ổn. 3 năm sau, ông Mohamed Bazoum đã nhanh chóng mời Pháp và các đồng minh châu Âu khác tới Niger ngay sau khi họ rút lực lượng khỏi nước láng giềng Mali.

Giới lãnh đạo quân đội Niger và một số cá nhân có ảnh hưởng trong nước liền tố cáo sự gia tăng của lực lượng nước ngoài. Và cuối cùng là việc các tổ chức khu vực như ECOWAS và Liên minh châu Phi (AU) không đưa ra lập trường kiên quyết trước tình trạng quân đội lên nằm quyền ở Guinea, Burkina Faso và Mali. Thực tế đã chứng minh, trong 4 năm qua, đã có 3 trong 7 cuộc đảo chính ở Tây Phi diễn ra thành công. Các nhà lãnh đạo của ECOWAS và AU đã đe dọa trừng phạt 3 quốc gia này, nhưng không có biện pháp đáng kể để răn đe những nhà lãnh đạo quân sự đang chờ thời.

Và những tác động

Cuộc đảo chính mới nhất được đánh giá là sẽ gây hậu quả nghiêm trọng cho Niger và toàn bộ khu vực Sahel. Niger là đồng minh mạnh mẽ của các quốc gia phương Tây, đặc biệt là Pháp, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) trong việc chống lại các cuộc nổi dậy và hạn chế di cư trái phép sang châu Âu. Những nỗ lực để giải quyết những vấn đề này sẽ bị ảnh hưởng. Ban lãnh đạo mới của Quân đội Niger sẽ tận dụng các vấn đề này làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán, buộc các bên chấp nhận chế độ mới. Các nhà lãnh đạo mới ở Niger có thể phối hợp với lực lượng Niger chống lại cuộc nổi dậy Hồi giáo cực đoan. Trong khi đó, các chế độ quân sự tại Guinea, Mali và Burkina Faso đã lên kế hoạch thành lập một “liên minh quân sự”, được cho là để chống lại tình trạng mất an ninh.

Bên cạnh đó, cuộc đảo chính còn làm dấy lên lo ngại về tương lai xuất khẩu urani sang Pháp và các nước EU khác. Một số phương tiện truyền thông đưa tin chính quyền quân sự Niger có thể đình chỉ cung cấp urani cho Pháp, nơi 70% sản lượng điện được sản xuất từ các nhà máy điện hạt nhân.

Công ty Orano của Pháp, vốn đã tham gia khai thác urani trong nhiều năm ở phía Tây Bắc của Niger, khẳng định sẽ tiếp tục hoạt động trên lãnh thổ quốc gia châu Phi này và vẫn đang theo sát tình hình an ninh của các mỏ khai thác, cũng như các nhân viên đang làm việc tại đó. Tuy nhiên, hiện chỉ có một trong ba mỏ urani của Orano được cho là còn đang hoạt động. Một trong số những mỏ quặng trên đã bị đóng cửa vào năm 2021 do trữ lượng cạn kiệt sau khi đã sản xuất 75.000 tấn urani, trong khi giấy phép khai thác của mỏ thứ hai sắp hết hạn và việc khai thác mỏ thứ ba, nằm ở thị trấn Imouraren, vẫn chưa bắt đầu.

Trên thực tế, việc khởi động các hoạt động khai thác tại một trong những mỏ có trữ lượng lớn nhất thế giới này đã bị đình chỉ vào năm 2014 sau khi thảm họa tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản khiến giá urani lao dốc và dự kiến Orano sẽ đợi cho giá của loại khoáng sản đặc biệt quan trọng này tăng lên trước khi tiếp tục dự án.

Trong thời gian 5 năm, từ năm 2005 - 2020, Niger đã cung cấp cho Pháp khoảng 18% lượng urani để phục vụ cho hoạt động của 56 lò phản ứng hạt nhân. Trong khi đó, theo dữ liệu từ cơ quan nguyên tử của EU (Euratom), Niger là nhà cung cấp urani lớn thứ hai cho EU với 25,38% vào năm 2022, chỉ sau Kazakhstan. Mặc dù vậy, tổ chức này cho biết họ không lo lắng về những tác động có thể xảy ra sau cuộc đảo chính ở quốc gia châu Phi này.

Là nhà sản xuất urani lớn thứ 7 trên thế giới, mặc dù trong những năm gần đây, Niger sản xuất ngày càng ít. Năm 2013, sản lượng tại các mỏ ở Niger đạt 4.518 tấn, trong khi năm 2019 giảm xuống còn 2.983 tấn và năm 2022 là 2.020 tấn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.