Rò rỉ tài liệu mật của Mỹ và NATO về kế hoạch xung đột ở Ukraine
Các tài liệu mật nêu chi tiết các kế hoạch bí mật của Mỹ và NATO nhằm xây dựng quân đội Ukraine trước cuộc phản công dự kiến vào mùa xuân này đã xuất hiện trên mạng xã hội. Lầu Năm Góc đang điều tra xem ai có thể đứng sau vụ rò rỉ các tài liệu trên Twitter và Telegram - một nền tảng với hơn nửa tỷ người sử dụng và rất phổ biến ở Nga.
Các nhà phân tích quân sự cho biết một số phần trong tài liệu dường như đã được chỉnh sửa so với bản gốc, phóng đại ước tính của Mỹ về số người thiệt mạng ở Ukraine và ước tính thấp hơn về số binh sĩ Nga thiệt mạng. Nhưng việc tiết lộ những thông tin trong tài liệu gốc là hành vi xâm phạm nghiêm trọng thông tin tình báo Mỹ về nỗ lực hỗ trợ Ukraine. Các tài liệu này gồm các biểu đồ về cung cấp vũ khí dự kiến, sức mạnh của binh sĩ và các tiểu đoàn, cùng các kế hoạch khác.
Giới chức Mỹ vẫn đang nỗ lực xóa các tài liệu này trên mạng xã hội nhưng tính tới tối 6/4 (giờ địa phương), họ chưa xóa được. Bà Sabrina Singh, Phó Thư ký báo chí tại Lầu Năm Góc cho biết: “Chúng tôi biết về các thông tin liên quan các bài đăng trên mạng xã hội và Bộ Quốc phòng đang xem xét vấn đề này”.
Các tài liệu bị rò rỉ không có các kế hoạch chiến đấu cụ thể, như cách thức, thời gian và địa điểm mà Ukraine dự định tiến hành cuộc tấn công. Do các tài liệu đã có từ 5 tuần trước, nên nó phản ánh quan điểm của Mỹ và Ukraine về những gì quân đội Ukraine có thể cần cho chiến dịch tính tới 1/3. Tuy nhiên, với phía Nga, các tài liệu chắc chắn sẽ mang lại nhiều manh mối và thông tin. Ví dụ, các tài liệu liên quan tốc độ sử dụng đạn dược cho hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao HIMARS. Lầu Năm Góc đã không công khai về vấn đề này. Các thông tin có giá trị với Nga có thể là thời gian chuyển giao vũ khí, số lượng quân Ukraine và các chi tiết quân sự khác.
Ngày 6/4, các nhà phân tích cho biết, có thể khó đánh giá tác động của vụ rò rỉ các tài liệu trên đối với cuộc chiến ở tiền tuyến hiện tại và trong những tháng tới. Hiện chưa rõ tại sao các tài liệu lại xuất hiện trên mạng xã hội. Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự cho biết, các kênh ủng hộ chính phủ Nga đã chia sẻ và lan truyền các trang tóm tắt. Trong số các tài liệu bị rò rỉ, có một tài liệu dán nhãn tuyệt mật, nói về “Tình trạng xung đột tính tới ngày 1/3”. Vào ngày hôm đó, các quan chức Ukraine có mặt tại một căn cứ của Mỹ ở Weisbaden (Đức) để tham gia các diễn tập sa bàn. Một ngày sau, Tướng Mark A. Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân và Tướng Christopher Cavoli, Tư lệnh các lực lượng NATO tại châu Âu, cũng tham dự.
Một tài liệu khác gồm các cột liệt kê các đơn vị quân đội, thiết bị và công tác huấn luyện của Ukraine, kèm lịch trình từ tháng 1 đến tháng 4. Tài liệu chứa một bản tóm tắt về 12 lữ đoàn chiến đấu đang được tập hợp, trong đó có 9 lữ đoàn dường như do Mỹ và các thành viên NATO huấn luyện và cung cấp trang thiết bị. Trong số 9 lữ đoàn đó, các tài liệu nói rằng 6 lữ đoàn sẽ sẵn sàng vào ngày 31/3 và số còn lại sẵn sàng vào ngày 30/4. Một lữ đoàn Ukraine có khoảng 4.000 đến 5.000 binh sĩ. Tài liệu nói rằng, thời gian giao vũ khí sẽ ảnh hưởng đến quá trình đào tạo và tư thế sẵn sàng. Theo đó, tổng số thiết bị cần thiết cho 9 lữ đoàn là hơn 250 xe tăng và hơn 350 phương tiện cơ giới.
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ và châu Âu cho biết ngay từ đầu cuộc chiến, các quan chức Ukraine đã không muốn chia sẻ với Mỹ kế hoạch chiến đấu của mình vì sợ bị rò rỉ. Vào mùa hè năm ngoái, các quan chức tình báo Mỹ cho biết họ hiểu rõ các kế hoạch quân sự của Nga hơn là của Ukraine. Lo Mỹ sẽ mất động lực hỗ trợ nếu biết được điểm yếu của quân đội Ukraine sau khi xem các kế hoạch, phía Ukraine đã bảo vệ những kế hoạch này rất chặt chẽ. Tuy nhiên, Ukraine và Mỹ đã tăng cường chia sẻ thông tin tình báo đáng kể vào mùa thu năm 2022 và hai nước đã hợp tác chặt chẽ với nhau để đưa ra các lựa chọn cho một cuộc tấn công của Ukraine. Dù vậy, một vụ rò rỉ thông tin tình báo như vừa xảy ra chắc chắn sẽ gây tổn hại cho quá trình chia sẻ thông tin tình báo giữa Ukraine và Mỹ.