Quốc tế "xắn tay" hạ nhiệt xung đột Armenia-Azerbaijan

Thứ Năm, 15/09/2022, 06:44

Nga cùng các cường quốc phương Tây tìm cách hạ nhiệt căng thẳng, đồng thời thuyết phục Armenia và Azerbaijan trở lại bàn đàm phán, trong bối cảnh xung đột quân sự bùng phát nghiêm trọng trở lại giữa hai quốc gia vùng Kavkaz.

Trong nỗ lực hạ nhiệt xung đột giữa Armenia và Azerbaijan, Interfax sáng 14/9 dẫn lời phát ngôn viên Tổ chức Hiệp ước An ninh tập thể (CSTO) Vladimir Zainetdinov xác nhận, liên minh quân sự này đang cử một phái đoàn, dẫn đầu bởi Tổng thư ký CSTO Stanislav Zas, tới Armenia để đánh giá tình hình xung đột ở biên giới Armenia-Azerbaijan. Động thái của liên minh quân sự do Nga đứng đầu được loan báo sau khi Tổng thống Vladimir Putin nhóm họp khẩn trực tuyến với lãnh đạo các nước thành viên liên minh, trong đó, ông đã công bố "các bước đi bổ sung của Nga nhằm giảm căng thẳng" giữa Armenia-Azerbaijan. Nga khẳng định họ đang duy trì liên lạc chặt chẽ với cả hai bên xung đột.

"Chúng tôi đang thực hiện các biện pháp cần thiết để thúc đẩy ổn định tình hình trong thời gian sớm nhất", phía Nga thông báo. CSTO gồm Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Nga và Tajikistan.

Quốc tế
Binh sĩ Armenia khai hỏa pháo trong cuộc đụng độ với Azerbaijan hồi năm 2020. Ảnh: EPA

Theo hiến chương CSTO, bất cứ hành động xâm lược chống lại một thành viên sẽ được coi là hành động gây hấn chống lại toàn bộ liên minh và các nước còn lại có nghĩa vụ triển khai lực lượng hỗ trợ. Armenia đã đề nghị Nga và CSTO hành động ngay khi đợt đụng độ mới nhất giữa nước này và Azerbaijan nổ ra từ đêm 12/9. Tuy nhiên, Nga và các thành viên CSTO khác đến nay kiên định lập trường ưu tiên xử lý mâu thuẫn giữa Armenia và Azerbaijan thông qua ngoại giao. Azerbaijan không phải thành viên CSTO, nhưng Moscow duy trì quan hệ tốt đẹp và có tiếng nói với Baku.

Theo RiaNovosti, rạng sáng 13/9, Nga từng môi giới thành công một lệnh ngừng bắn tạm thời giữa Azerbaijan và Armenia, nhưng chỉ ít phút từ lúc thỏa thuận có hiệu lực lúc 9h (giờ địa phương, tức 12h, giờ Hà Nội), hai bên nhanh chóng tố đối phương gây hấn, khiến lệnh ngừng bắn này bị vô hiệu. Phát biểu tại phiên họp quốc hội Armenia ngày 13/9, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan xác nhận nước này mất 49 quân nhân vì hỏa lực Azerbaijan. Trong khi đó, Azerbaijan cũng ghi nhận 50 binh sĩ thiệt mạng, nhiều người bị thương. Số lượng thương vong của cả hai bên được dự báo sẽ tiếp tục tăng, khi quân đội Azerbaijan cáo buộc Armenia trong đêm 13, rạng sáng 14/9 liên tiếp bắn phá khu vực Lachin và Kalbajar bằng súng cối và các tổ hợp pháo có cỡ nòng khác nhau. Ở chiều ngược lại, Armenia khẳng định chính Azerbaijan tấn công trước bằng máy bay không người lái (UAV) và nhiều vũ khí hạng nặng.

Armenia và Azerbaijan từng chứng kiến đợt đụng độ nghiêm trọng làm gần 5.000 người thiệt mạng vào năm 2020 ở vùng lãnh thổ Nagorno-Karabakh, nơi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan nhưng có phần lớn cư dân là người gốc Armenia và được người Armenia kiểm soát từ năm 1994.

Sau cuộc xung đột kể trên, vốn chỉ kết thúc nhờ một thỏa thuận ngừng bắn do Nga bảo trợ, Armenia đã buộc phải trao trả Azerbaijan các phần lãnh thổ mà họ chiếm được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát khu vực rộng lớn ở Nagorno-Karabakh. Dữ liệu hỏa lực mà hai bên công bố cho thấy giao tranh đang diễn ra ở khu vực tiếp giáp giữa Armenia và phần lãnh thổ Azerbaijan giành lại năm 2020.

Giới quan sát lo ngại các diễn biến trên thực địa có thể khiến hai nước vùng Kavkaz lao vào một cuộc chiến quy mô lớn, vốn có thể kéo theo sự can dự của Nga, nước dẫn đầu CSTO và Thổ Nhĩ Kỹ, quốc gia đồng minh gần cận của Azerbaijan, từ đó gây mất ổn định cho hành lang dày đặc các tuyến ống dẫn dầu và khí đốt ở khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng năng lượng vốn ngày càng diễn biến xấu vì xung đột ở Ukraine.

Hơn hai ngày qua, ngoài Nga, các nhà lãnh đạo thế giới cũng rất khẩn trương nỗ lực đưa Baku và Yerevan trở lại bàn đàm phán. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 13/9 đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan, đồng thời bày tỏ sẵn sàng trao đổi với người đồng cấp Azerbaijan Ilham Aliyev.

Ông Macron nêu rõ, với tư cách Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (LHQ), Pháp sẽ đưa vấn đề này ra họp tại hội đồng. Ông kêu gọi Armenia và Azerbaijan ngừng bắn, đồng thời nhấn mạnh việc giải quyếttranh chấp giữa hai bên "chỉ có thể bằng con đường hòa bình".

Trong khi đó, tại cuộc họp báo ngày 13/9 ở Washington, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết, Ngoại trưởng nước này Anthony Blinken đã điện đàm lần lượt với Thủ tướng Armenia và Tổng thống Azerbaijan để kêu gọi các bên kiềm chế. Ông Price tuyên bố, Mỹ "kêu gọi tất cả các bên liên quan, bao gồm Nga, sử dụng ảnh hưởng đáng kể của mình một cách xây dựng để giảm leo thang căng thẳng".

Cùng ngày, Tổng thư ký HQ António Guterres đã bày tỏ quan ngại về tình hình biên giới Armenia-Azerbaijan và kêu gọi các bên dừng bắn để tránh thương vong vô nghĩa. Quan chức phụ trách đối ngoại Liên minh châu Âu (EU) Josep Borrell thì đề nghị các bên dừng hành động thù địch và "quay trở lại bàn đàm phán". Ông Borrell tiết lộ, một đặc phái viên của EU đã lên đường tới khu vực xung đột để thúc đẩy đối thoại.

Thiện Minh
.
.
.