Quan hệ Trung Quốc – EU khởi sắc

Thứ Tư, 08/05/2024, 08:12

Trung Quốc coi Liên minh châu Âu (EU) như một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao và là đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa đất nước. Trong khi đó, Brussels khẳng định đối thoại với Bắc Kinh mang tính quyết định trong nhiều vấn đề toàn cầu.

Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Pháp, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 6/5 (giờ địa phương) đã tham gia cuộc họp 3 bên với Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tại Điện Elysee.

Phát biểu tại sự kiện này, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ, Pháp là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du nước ngoài của ông trong năm 2024 này và cuộc gặp ba bên càng cho thấy tầm quan trọng của chuyến thăm trên toàn châu Âu. Khẳng định châu Âu là một khía cạnh quan trọng trong chính sách ngoại giao và là đối tác quan trọng trong lộ trình hiện đại hóa Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Bắc Kinh luôn xem mối quan hệ với Brussels từ góc độ chiến lược và lâu dài. Ông bày tỏ  hy vọng, các mối quan hệ giữa Trung Quốc với Pháp và EU sẽ củng cố lẫn nhau và cùng nhau phát triển. Ông cho rằng, mối quan hệ này không nhằm vào bất kỳ bên thứ ba nào và cũng không nên phụ thuộc hay bị chỉ đạo bởi bất kỳ bên thứ ba nào.

Theo ông, “hai bên nên tôn trọng lợi ích cốt lõi và mối quan tâm lớn của nhau, bảo vệ nền tảng chính trị trong mối quan hệ song phương và duy trì các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh quan hệ quốc tế”. Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các bên giải quyết thỏa đáng các xung đột kinh tế và thương mại thông qua đối thoại và tham vấn, đồng thời giải quyết các mối quan ngại chính đáng của nhau.

Quan hệ Trung Quốc – EU khởi sắc -0
Chủ tịch Tập Cận Bình, Tổng thống Emmanuel Macron và bà Ursula von der Leyen tại cuộc họp ba bên.

Liên quan xung đột Israel-Hamas, người đứng đầu nền kinh tế thứ 2 thế giới tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với EU để hỗ trợ tổ chức hội nghị hòa bình quốc tế có thẩm quyền và hiệu quả hơn nhằm giải quyết khủng hoảng, đồng thời khẳng định sẵn sàng hợp tác với EU để thúc đẩy sớm giải quyết vấn đề Palestine một cách toàn diện, công bằng và bền vững, người đứng đầu nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới lưu ý, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là thực hiện lệnh ngừng bắn toàn diện càng nhanh càng tốt và ưu tiên hàng đầu là đảm bảo hỗ trợ nhân đạo.

Về vấn đề Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, Bắc Kinh từ lâu đã nỗ lực “mạnh mẽ” để tạo điều kiện cho những cuộc đàm phán hòa bình nhằm giải quyết xung đột ở quốc gia Đông Âu này, tái khẳng định Trung Quốc không gây ra cuộc khủng hoảng và cũng không phải là một bên tham gia cuộc khủng hoảng đó.

Bày tỏ vui mừng được tổ chức cuộc gặp ba bên, Tổng thống Emmanuel Macron nhấn mạnh, trong bối cảnh thế giới phải đối mặt với những thách thức lớn và tình hình quốc tế đang ở một bước ngoặt quan trọng, EU và Pháp cần tăng cường hợp tác với Trung Quốc vì điều này ảnh hưởng đến tương lai của châu Âu. Ông nêu rõ: “Bối cảnh quốc tế đang đòi hỏi hơn bao giờ hết sự tăng cường đối thoại giữa EU và Trung Quốc. Châu Âu đang ở bước ngoặt lịch sử, phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ cấu, trong đó có vấn đề kinh tế và trách nhiệm của châu Âu là đảm bảo quy tắc công bằng cho tất cả”.

Ông cho biết EU hoan nghênh đầu tư và hợp tác của các công ty Trung Quốc ở châu Âu, đồng thời hy vọng tăng cường hợp tác với Trung Quốc cùng bảo vệ an ninh và ổn định của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng ở châu Âu. Trong khi đó, bà Von der Leyen nhận định, với tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong các vấn đề toàn cầu, điều quan trọng là EU phải duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc và điều này sẽ quyết định liệu các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và cuộc khủng hoảng Ukraine có thể được giải quyết tốt hơn hay không. Chủ tịch EC nhấn mạnh, EU mong muốn hợp tác với Trung Quốc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau, tìm kiếm tiếng nói chung bất chấp khác biệt, tăng cường sự tin cậy lẫn nhau, tránh hiểu lầm, cùng duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật pháp quốc tế và thúc đẩy hòa bình, an ninh và thịnh vượng thế giới.

Theo một báo cáo tham vấn do các cơ quan nghiên cứu của Trung Quốc thực hiện và công bố gần đây, hợp tác giữa Trung Quốc và EU về môi trường và khí hậu đã trở thành trụ cột mới và động lực mới trong quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc – EU.

Với tiêu đề “Hợp tác môi trường và khí hậu Trung Quốc – châu Âu: Tiến triển và triển vọng”, báo cáo cho rằng, Bắc Kinh và Brussels cần thúc đẩy hợp tác về môi trường và khí hậu, trong bối cảnh những thách thức về sinh thái và môi trường đang ngày càng hiện hữu, ảnh hưởng đến các mục tiêu phát triển bền vững trên thế giới. Văn bản này cũng khẳng định hợp tác Trung Quốc-EU về môi trường và khí hậu có chiều sâu, thực chất và hiệu quả là minh chứng về hợp tác xanh song phương, không chỉ làm phong phú và phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-EU, mà còn có ý nghĩa trên phạm vi toàn cầu trong bối cảnh khủng hoảng khí hậu ngày càng gia tăng. Về triển vọng trong tương lai, báo cáo cho rằng, Trung Quốc và EU nên cùng nhau thúc đẩy hợp tác sâu sắc và thực tế hơn, tăng cường hơn nữa việc gắn kết các chính sách môi trường và khí hậu thông qua các cơ chế hợp tác và đối thoại cấp cao, thiết lập khuôn khổ hợp tác lâu dài cũng như thúc đẩy hành động về khí hậu toàn cầu…

Trung Quốc và Pháp “sẽ thắp sáng con đường phía trước bằng ngọn đuốc lịch sử”

Bắt đầu chuyến thăm cấp nhà nước tới Pháp, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ hy vọng chuyến thăm này sẽ giúp “tăng cường tin cậy chính trị, xây dựng đồng thuận chiến lược và làm sâu sắc thêm trao đổi, hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau” giữa 2 nước. Ông bày tỏ tin tưởng, Bắc Kinh và Paris “sẽ thắp sáng con đường phía trước bằng ngọn đuốc lịch sử”, mở ra một tương lai tươi sáng hơn cho quan hệ song phương đồng thời có những đóng góp mới cho sự phát triển, ổn định và hòa bình của thế giới. Nhà lãnh đạo Trung Quốc cho biết, ông đến thăm Pháp với 3 thông điệp. Trong quan hệ song phương, ông lưu ý, với việc thiết lập quan hệ Trung Quốc-Pháp, cầu nối liên lạc giữa Đông và Tây đã được xây dựng và quan hệ quốc tế có thể phát triển theo hướng đối thoại và hợp tác. Theo ông Tập Cận Bình, Pháp đang thúc đẩy tái công nghiệp hóa dựa trên đổi mới xanh, trong khi Trung Quốc đang tăng tốc phát triển các lực lượng sản xuất mới có chất lượng. Do đó, hai nước có thể tăng cường hợp tác về đổi mới và cùng nhau thúc đẩy phát triển xanh. Về vấn đề khủng hoảng Trung Đông, Chủ tịch Tập Cận Bình nhận định Trung Quốc và Pháp có nhiều điểm chung trong vấn đề Palestine-Israel. Vì vậy, điều quan trọng là hai bên phải tăng cường hợp tác và giúp khôi phục hòa bình ở khu vực này. Liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine, Chủ tịch Tập Cận Bình nêu rõ: “Trung Quốc hy vọng hòa bình và ổn định sẽ sớm trở lại châu Âu. Chúng tôi sẵn sàng hợp tác với Pháp và toàn thể cộng đồng quốc tế để tìm ra lối thoát hợp lý cho cuộc khủng hoảng”.

Đây là chuyến thăm một nước phương Tây lần đầu tiên của Chủ tịch Tập Cận Bình sau 5 năm trong bối cảnh căng thẳng thương mại song phương gia tăng, với việc EU điều tra một số ngành công nghiệp của Trung Quốc, trong đó xe điện xuất khẩu, còn Bắc Kinh đang điều tra hầu hết mặt hàng rượu mạnh nhập khẩu do Pháp sản xuất. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc sẽ coi chuyến thăm là thành công nếu Chủ tịch Tập Cận Bình trở về nước với sự đảm bảo rằng, vốn của Trung Quốc sẽ không bị chặn ở châu Âu trong tương lai. Ngoài ra, Bắc Kinh muốn các quan chức EU thể hiện sự sẵn sàng mở rộng đầu tư vào Trung Quốc, chủ yếu vào công nghệ. Ông Alexey Maslov, Giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á và châu Phi của Đại học Quốc gia Moscow, nhấn mạnh: “Đối với những gì Chủ tịch Tập Cận Bình muốn đạt được về mặt chính trị, đó là sự ủng hộ cho quan điểm của ông ấy về vấn đề Ukraine”. (Như Thảo)

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.