Quan hệ thương mại Mỹ - EU có dấu hiệu rạn nứt?

Thứ Ba, 06/12/2022, 07:28

Quan hệ thương mại giữa Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) chứng kiến những bất đồng gay gắt, khi EU phản đối một số chính sách kinh tế mới của Washington, giữa lúc “lục địa già” đối mặt nhiều hệ quả tiêu cực từ chiến sự Ukraine.

Trong bước đi được mô tả là nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden hồi tháng 8/2022 thông qua Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), trong đó phân bổ gần 370 tỷ USD xây dựng một nền kinh tế xanh mới với nhiều điều khoản hỗ trợ tín dụng và giảm thuế cho các công ty sản xuất tại Mỹ, tập trung vào nhóm doanh nghiệp sản xuất xe điện. Ngoài ra, đạo luật cũng hỗ trợ chi tiêu xã hội để kiểm soát lạm phát. Tuy nhiên, EU phản đối chính sách trên của Washington vì cho rằng nó sẽ tạo ưu thế cạnh tranh thiếu công bằng cho doanh nghiệp Mỹ, kéo theo làn sóng dịch chuyển sang Mỹ của các công ty để hưởng ưu đãi, từ đó gây suy yếu các ngành công nghiệp ở châu Âu, nhất là năng lượng tái tạo và sản xuất ô tô.

Reuters ngày 5/12 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã chỉ trích IRA tạo ra sự “biến dạng” trong cạnh tranh thương mại xuyên Đại Tây Dương, đồng thời hối thúc EU “hành động để cân bằng sân chơi”. “IRA có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, khiến thị trường mất cân bằng và chuỗi cung ứng bị phân mảnh”, Chủ tịch EC cảnh báo.

Quan hệ thương mại Mỹ - EU có dấu hiệu rạn nứt? -0
Châu Âu cho rằng họ hứng chịu nhiều thiệt hại hơn so với Mỹ từ xung đột Ukraine. Ảnh: Euronews

Theo bà Ursula von der Leyen, EU một mặt cần làm việc với Mỹ để “giải quyết một số khía cạnh gây lo ngại nhất của IRA”, mặt khác phải “điều chỉnh” các quy định để tạo điều kiện cho đầu tư và “đánh giá lại nhu cầu tài trợ” của châu Âu trong chuyển đổi xanh, chỉ dấu cho thấy EU có thể sẽ cân nhắc xây dựng một chính sách hỗ trợ doanh nghiệp để đối phó Washington.

Cùng ngày, Uỷ viên phụ trách Thị trường Nội địa của EU, ông Thierry Breton, cũng ủng hộ châu Âu xây dựng một kế hoạch tương tự như của Mỹ, nhấn mạnh việc thúc đẩy thành lập “Quỹ chủ quyền châu Âu” với ngân sách khoảng 2% GDP, tương đương gần 370 tỷ USD. Thông tin được ông Breton đưa ra 2 ngày sau khi tờ CNN dẫn các nguồn thạo tin tiết lộ, quan chức EU này đã quyết định không tham gia một cuộc đàm phán của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ[1]EU về IRA với lí do “không có đủ thời gian để thảo luận về các mối quan tâm của EU”.

Với quan điểm cứng rắn, ông Bernd Lange, Chủ tịch Ủy ban thương mại Nghị viện châu Âu ngày 4/12 thậm chí khẳng định, việc gây sức ép qua đàm phán để Mỹ sửa đạo luật là tốn thời gian. Ông lập luận rằng, các cuộc thương lượng chỉ có thể điều chỉnh một số điều khoản của IRA chứ không thay đổi bản chất của đạo luật. Bởi vậy, EU nên đệ đơn kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Từ Washington, Mỹ nhiều lần trấn an rằng IRA không nhằm gây bất lợi cho các nước châu Âu. Khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thăm Mỹ tuần trước và nêu những lo ngại của EU về IRA với người đồng cấp Joe Biden, ông Biden khẳng định IRA chỉ nhằm củng cố các chuỗi cung ứng với các đối tác như châu Âu để phòng vệ trước những lỗ hổng kinh tế do tác động của COVID-19 và xung đột Ukraine.

Tuy nhiên, trả lời báo giới sau chuyến thăm, Tổng thống Macron cho rằng Mỹ và EU chưa có được sự “đồng bộ” trong quan hệ.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, Mỹ và EU có quan điểm giống nhau trong cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng hai bên đang chịu những tác động khác nhau. Lấy ví dụ về năng lượng, ông Macron nói: “Châu Âu là người mua dầu mỏ và khí đốt, còn Mỹ là nhà sản xuất. Các doanh nghiệp và hộ gia đình (châu Âu và Mỹ) mua năng lượng với mức giá khác nhau. Vì vậy, đã có một khoảng cách lớn ảnh hưởng đến sức mua và năng lực cạnh tranh giữa các xã hội”.

Theo nhà lãnh đạo Pháp, sau khi cắt giảm đáng kể khí đốt tự nhiên của Nga, châu Âu đang mua lượng khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG) nhiều hơn từ Mỹ, nhưng với mức giá cao gấp 6 lần những gì người Mỹ phải trả. “Điều này xảy ra vào thời điểm lạm phát và thất nghiệp ở Pháp dao động quanh mức 7%”, ông Macron phàn nàn. Nhà lãnh đạo Pháp nêu rõ, tình hình khó khăn hiện nay của kinh tế châu Âu, cộng với các chính sách như IRA, nhiều ngành công nghiệp của châu Âu chắc chắn sẽ đối mặt thách thức to lớn. Ông cũng hối thúc Mỹ nỗ lực hơn nữa để giải quyết những bất đồng với EU.

Lệnh cấm nhập dầu Nga của EU có hiệu lực

Lệnh cấm nhập khẩu dầu mỏ của Nga vào EU, được thông qua trong gói trừng phạt thứ 6 mà khối ban bố hồi tháng 6/2022, bắt đầu đi vào hiệu lực từ ngày 5/12, cùng thời điểm phương Tây áp giá trần 60 USD/thùng với dầu mỏ Nga vận chuyển bằng đường biển trên toàn cầu. Theo RiaNovosti, phương Tây tự tin họ có thể kiểm soát việc áp giá trần bằng cách cấm các công ty bảo hiểm, môi giới và tài chính (phần lớn có trụ sở ở Anh hoặc EU) cung cấp dịch vụ cho hoạt động vận tải dầu Nga nếu giá dầu quy đổi cao hơn 60 USD/thùng. Nga từng là nhà cung cấp dầu chính cho EU. Trước khi chiến sự ở Ukraine nổ ra, khối này nhập khẩu 2,4 triệu thùng dầu thô, 1,4 triệu thùng sản phẩm tinh chế từ Nga mỗi ngày. Việc EU cấm nhập dầu Nga và áp giá trần được cảnh báo có thể khiến thị trường năng lượng toàn cầu tiếp tục bị xáo trộn, dẫn đến giá nhiên liệu tăng mạnh, ở thời điểm mà các nước thuộc liên minh OPEC+ ngày 4/12 tuyên bố họ vẫn duy trì quan điểm tiếp tục cắt giảm sản lượng. (TA)

Thiện Nhân
.
.
.