Phương Tây tính kế nếu đàm phán hạt nhân Iran sụp đổ

Chủ Nhật, 28/11/2021, 14:10

Các cường quốc thế giới và Iran sẽ quay trở lại Vienna vào ngày 29/11 để thực hiện nỗ lực cuối cùng nhằm cứu vãn thỏa thuận hạt nhân năm 2015, tuy vậy, không nhiều chuyên gia đặt kỳ vọng về một bước đột phá trong bối cảnh các hoạt động về hạt nhân của Tehran vẫn diễn ra rầm rộ trong một nỗ lực rõ ràng nhằm đạt được đòn bẩy trước phương Tây.

Không nhiều kỳ vọng đối với vòng đàm phán thỏa thuận hạt nhân Iran  -0
Ảnh minh họa. Reuters. 

Các quan chức ngoại giao của nhiều nước bày tỏ quan ngại rằng không còn nhiều thời gian để khôi phục thỏa thuận hạt nhân Iran, bị ông Donald Trump khi còn là Tổng thống Mỹ rút khỏi vào năm 2018, châm ngòi cho những hành động đáp trả của Iran, đồng thời khiến các cường quốc thế giới khác có liên quan là Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức và Nga quan ngại sâu sắc.

6 vòng đàm phán gián tiếp đã được tổ chức từ tháng 4 đến tháng 6 vừa qua. Vòng đàm phán mới bắt đầu sau một thời gian gián đoạn do cuộc bầu cử Tổng thống tại Iran, với chiến thắng thuộc về ông Ebrahim Raisi, một người theo đường lối cứng rắn.

Phái đoàn đàm phán mới của Tehran đã đưa ra các yêu cầu mà các nhà ngoại giao Mỹ và châu Âu coi là không thực tế. Họ nhấn mạnh rằng tất cả các lệnh trừng phạt của Mỹ và Liên minh Châu Âu áp đặt kể từ năm 2017, bao gồm cả những biện pháp không liên quan đến chương trình hạt nhân của họ, phải được bãi bỏ.

Song song với đó, mâu thuẫn của Tehran với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), chịu trách nhiệm giám sát chương trình hạt nhân, đã trở nên căng thẳng. Iran đã thúc đẩy chương trình làm giàu uranium của mình trong khi IAEA cho biết các thanh sát viên của họ đã bị đối xử thô bạo và từ chối tiếp cận để lắp đặt lại camera giám sát tại một địa điểm mà họ cho là cần thiết để khôi phục thỏa thuận với các cường quốc trên thế giới.

Hai nhà ngoại giao châu Âu cho rằng có vẻ như Iran chỉ đơn giản là đang dùng “mánh khóe” để dành thời gian nhằm tích lũy thêm nguyên liệu cho chương trình hạt nhân.

Các nhà ngoại giao phương Tây cho biết họ sẽ tham dự các cuộc đàm phán vào ngày 29/11 nhằm tiếp tục những gì còn bỏ ngỏ hồi tháng 6. Theo đó, các quan chức ngoại giao phương Tây đã cảnh báo rằng nếu Iran tiếp tục với quan điểm của mình và không khôi phục được quan hệ hợp tác với IAEA thì họ sẽ phải nhanh chóng xem xét lại các biện pháp khác.

Các nhà đàm phán và quan chức ngoại giao hàng đầu cảu Iran đều kiên quyết khẳng định rằng việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt hoàn toàn sẽ là điều duy nhất được thảo luận ở Vienna, Áo.

Một số nhà ngoại giao phương Tây nhận định, chỉ còn khoảng 4 đến 6 tuần nữa là Iran sẽ đạt được “thời điểm đột phá” để có thể tích lũy đủ nguyên liệu phân hạch cho một loại vũ khí hạt nhân, tuy nhiên, vẫn còn khoảng 2 năm nữa Tehran mới có thể thực sự vũ khí hóa nó.

Nếu các cuộc đàm phán sụp đổ, khả năng cao là Mỹ và các đồng minh sẽ kêu gọi một cuộc họp khẩn của IAEA vào tháng tới nhằm phản đối Iran.

Phương Tây vẫn mong muốn Nga, vốn dĩ có sự ảnh hưởng nhất định đến Iran, và Trung Quốc, nước có quan hệ kinh tế quan trọng với Iran, đứng về phía mình trong các nỗ lực ngoại giao.

Một kịch bản khác mà Washington đã đề xuất là đàm phán một hiệp định tạm thời có kết thúc mở với Tehran trong trường hợp không đạt được một thỏa thuận lâu dài. Tuy nhiên, không có gì chắc chắn rằng Iran sẽ hứng thú với một thỏa thuận như vậy.

Tiến Dũng (Theo Reuters)

.
.
.