Phương Tây gỡ điểm nghẽn viện trợ cho Ukraine

Thứ Bảy, 27/04/2024, 15:34

Sau nhiều tháng trì hoãn, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt khoản hỗ trợ quân sự trị giá gần 61 tỉ USD cho Ukraine. Ngay sau đó, Vương quốc Anh và nhiều nước châu Âu đồng loạt lên tiếng “hỗ trợ quân sự tối đa cho Ukraine” nhằm giúp nước này phòng thủ trước Nga. Giới chuyên gia đặt câu hỏi: Liệu 61 tỉ USD có đủ cho Ukraine không?

“Cơn khát tiền” của Ukraine

Trong một cuộc bỏ phiếu lưỡng đảng hôm 20/4, 210 thành viên đảng Dân chủ và 101 thành viên đảng Cộng hòa đã tham gia ủng hộ gói viện trợ quân sự tổng hợp cho nước ngoài, trong đó có gói viện trợ cho Ukraine. Có 112 thành viên đảng Cộng hòa bỏ phiếu chống. Đi kèm theo dự luật viện trợ Ukraine là một loạt dự luật khác (viện trợ cho Israel, Đài Loan (Trung Quốc),...) như một động thái “trao đổi” với đảng Dân chủ, trước sự phản đối quyết liệt trong nội bộ đảng Cộng hòa. 3 ngày sau khi thông qua ở Hạ viện, gói viện trợ Ukraine sau đó tiếp tục được Thượng viện thông qua và Tổng thống Joe Biden ký thành luật.

Phương Tây gỡ điểm nghẽn viện trợ cho Ukraine -1
Hạ viện Mỹ bỏ phiếu thông qua gói viện trợ cho Ukraine.

Gói viện trợ quân sự tổng hợp cho nước ngoài có tổng trị giá 95 tỉ USD bao gồm khoảng 61 tỉ USD dành cho Ukraine (với phần lớn nguồn tài trợ dành cho việc bổ sung đạn dược của Mỹ); 26 tỉ USD cho Israel; 8 tỉ USD cho các đồng minh của Mỹ ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, bao gồm cả Đài Loan (Trung Quốc) và 9 tỉ USD hỗ trợ nhân đạo cho dân thường ở các vùng chiến sự, như Haiti, Sudan và Gaza, trong đó có lệnh cấm tài trợ trực tiếp của Mỹ cho Cơ quan Cứu trợ và Việc làm của Liên hợp quốc cho người tị nạn Palestine (UNRWA).

Trong số gần 61 tỉ USD viện trợ Ukraine, có khoảng 23 tỉ USD sẽ được Mỹ sử dụng để bổ sung kho dự trữ quân sự của mình, mở ra cánh cửa cho việc chuyển giao quân sự của Mỹ cho Ukraine trong tương lai. Kế đến là 14 tỉ USD sẽ dành cho Sáng kiến hỗ trợ an ninh Ukraine, trong đó Lầu Năm Góc mua các hệ thống vũ khí mới tiên tiến cho quân đội Ukraine trực tiếp từ các nhà thầu quốc phòng Mỹ. Ngoài ra còn có hơn 11 tỷ USD để tài trợ cho các hoạt động quân sự hiện tại của Mỹ trong khu vực, nâng cao năng lực của quân đội Ukraine và thúc đẩy hợp tác tình báo giữa Kiev và Washington; khoảng 8 tỷ USD hỗ trợ phi quân sự, chẳng hạn như giúp Chính phủ Ukraine tiếp tục các hoạt động cơ bản, bao gồm cả việc trả lương và trợ cấp.

Bộ trưởng Tài chính Ukraine Sergii Marchenko bày tỏ vui mừng khi hay tin Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ cho Ukraine. “Đây là sự hỗ trợ đặc biệt mà chúng tôi cần để duy trì sự ổn định tài chính và chiếm ưu thế”, ông viết trên X. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy gần đây đã cảnh báo rằng đất nước của ông “sẽ thua trong cuộc chiến” nếu không có sự trợ giúp của Mỹ, vì quân đội của Ukraine đang phải vật lộn với tình trạng thiếu đạn dược và phòng không còn Nga thì ngày càng giành được lợi thế về hỏa lực. Ngay sau khi dự luật được thông qua, ông Zelenskiy đã bày tỏ lòng biết ơn đối với cả hai đảng ở Mỹ và cá nhân Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson.

Phần viện trợ cho Israel bao gồm khoảng 4,4 tỉ USD để bổ sung nguồn cung cấp vũ khí của Mỹ cho Israel; 4 tỉ USD cho hệ thống phòng thủ tên lửa, bao gồm Iron Dome, 1,2 tỉ USD cho Iron Beam và 3,5 tỉ USD để giúp Israel mua vũ khí. Ngoài ra còn có các điều khoản nhằm tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc cung cấp đạn dược của Mỹ được cất giữ ở các quốc gia khác cho Israel.

Một dự luật khác bao gồm một điều khoản buộc công ty Trung Quốc ByteDance bán ứng dụng truyền thông xã hội nổi tiếng TikTok của mình, điều mà Quốc hội lo ngại sẽ mang lại cho Trung Quốc khả năng thu thập thông tin về công dân Mỹ. Dự luật đó - Đạo luật Hòa bình thông qua sức mạnh thế kỷ 21 - cũng bao gồm việc tịch thu tài sản có chủ quyền của Nga bị đóng băng và nhiều lệnh trừng phạt hơn đối với Iran.

Việc ông Johnson nhờ vào lá phiếu của đảng Dân chủ để thông qua các dự luật quan trọng, bao gồm cả dự luật tài trợ cho Ukraine và Israel, đã khiến một số thành viên đảng Cộng hòa cực hữu phẫn nộ. Marjorie Taylor Greene, nghị sĩ Cộng hòa của bang Georgia, là người kịch liệt phản đối ông Johnson trong vấn đề này. Bà Greene bùng nổ trên mạng xã hội X: “Chúng tôi không còn phe Cộng hòa chiếm đa số nữa, vì Chủ tịch đảng Cộng hòa của chúng tôi thực sự bị đảng Dân chủ kiểm soát và trao cho họ mọi thứ họ muốn”. Phe cực hữu của đảng Cộng hòa vốn thần tượng ông Donald Trump cho nên đã công khai chống Ukraine, phản đối gói viện trợ cho Ukraine. Vì vậy, đối với họ việc ông Johnson quyết định đưa gói viện trợ Ukraine ra bỏ phiếu đã tạo ra một sự phá vỡ mang tính biểu tượng cao.

Châu Âu hăng hái cam kết viện trợ

Việc Hạ viện Mỹ thông qua gói viện trợ cho Ukraine được ví như một cú hích chính trị quan trọng giúp tháo gỡ điểm nghẽn viện trợ quân sự cho Ukraine kéo dài trong nhiều tháng qua.

Phương Tây gỡ điểm nghẽn viện trợ cho Ukraine -0
Thứ Ukraine cần nhất lúc này là đạn pháo 155 mm.

Với nhận thức chung là “Nga sẽ không dừng lại ở biên giới Ba Lan nếu giành chiến thắng trong cuộc chiến Ukraine”, Thủ tướng Anh Rishi Sunak hôm 22/4 đã hứa cung cấp gói hỗ trợ quân sự “lớn chưa từng có” cho Ukraine. Tuyên bố được ông Sunak đưa ra ngay trước khi ông lên đường công du Ba Lan để thảo luận về an ninh châu Âu và “mối đe dọa từ Nga” với nhà lãnh đạo Ba Lan Donald Tusk và Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg trước khi tới Đức để gặp Thủ tướng Olaf Scholz.

Phương Tây gỡ điểm nghẽn viện trợ cho Ukraine -0
Hệ thống phòng không Patriot đắt đỏ có thể nằm trong danh sách viện trợ cho Ukraine.

Nước Anh có kế hoạch cung cấp các thiết bị quan trọng cho Kiev bao gồm 400 phương tiện, hơn 1.600 tên lửa, hàng triệu viên đạn pháo, 60 tàu thuyền cũng như thêm 500 triệu bảng Anh tài trợ quân sự, nâng tổng số tiền lên tới gần 4 tỉ USD trong năm tài chính này. “Anh sẽ luôn đóng vai trò đi đầu trong an ninh châu Âu, bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng tôi và sát cánh cùng các đồng minh NATO của chúng tôi”, ông Sunak nói. Cho đến nay, nước Anh đã cam kết hỗ trợ gần 16 tỉ USD cho Ukraine kể từ tháng 2/2022, trong đó gần 9 tỉ USD dành cho hỗ trợ quân sự và phần còn lại là hỗ trợ nhân đạo và kinh tế.

Trong khi đó, các quốc gia châu Âu khác cũng đang hết sức “hăng hái” tham gia với những lời cam kết viện trợ rất mạnh mẽ cho Ukraine. Hồi đầu tháng 4/2024, Đức đã hứa cung cấp khẩu đội Patriot thứ ba cho Kiev và hiện đang dẫn đầu các nỗ lực tăng cường khả năng phòng không cho Ukraine. Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: “Mỗi hệ thống phòng không bổ sung đều cứu được nhiều sinh mạng ở Ukraine. Chúng tôi khẩn trương kêu gọi mọi người xem xét lại kho hàng của mình một lần nữa”.

Tại cuộc họp của các bộ trưởng ngoại giao và quốc phòng EU hôm 22/4, nhà ngoại giao của EU Josep Borrell cho biết: “Chúng tôi đã yêu cầu tất cả các quốc gia thành viên làm bất cứ điều gì có thể để tăng cường năng lực phòng không của Ukraine”. Tân Ngoại trưởng Latvia Baiba Braze cho biết: “Là người châu Âu, chúng ta phải tiến lên; chúng ta không thể lơ là sau khi Mỹ đã thông qua gói viện trợ”. Ngoại trưởng một số nước khác cũng hô hào “phải gia tăng hỗ trợ Ukraine ngay bây giờ nếu không muốn thấy thất bại vào ngày mai”.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt trong việc hỗ trợ Ukraine là việc cung cấp hệ thống phòng không đắt giá Patriot thì một số quốc gia tỏ ra rất dè dặt. Hà Lan, Thụy Điển cho rằng cần phải xem xét kỹ khả năng cung ứng của từng thành viên - quan điểm là “không thể vét cạn kho vũ khí của mình để trao cho Ukraine”.

Làm trầm trọng thêm vấn đề?

Hiện tại, các thành phần vũ khí cụ thể trong gói viện trợ cho Ukraine chưa được công khai. Tuy nhiên, hai thứ quan trọng chắc chắn sẽ được gấp rút bàn giao là đạn pháo và hệ thống phòng không. Ukraine đang cạn kiệt đạn pháo 155 mm chuẩn NATO, một trong những lý do khiến quân đội nước này hồi giữa tháng 2 phải rút khỏi Avdeevka, thành trì chiến lược ở tỉnh Donetsk.

Phương Tây gỡ điểm nghẽn viện trợ cho Ukraine -2
Mỹ hối thúc đồng minh viện trợ xe tăng M1A1 Abrams cho Ukraine.

Trong khi đó, quân đội Nga đang tiến quân từng ngày, chiếm được nhiều vị trí quan trọng ở gần thành phố Chasov Yar và đang chuẩn bị phương án tấn công lên tỉnh Kharkov nhằm mở rộng vùng đệm an ninh cho lãnh thổ Nga. Mới đây nhất, Bộ Quốc phòng Nga ngày 21/4 thông báo lực lượng Nga đã kiểm soát được làng Bogdanovka tại tỉnh Donetsk, qua đó gia tăng áp lực lên thành trì Chasov Yar ở cách đó 3 km. Chiếm được Chasov Yar sẽ giúp quân đội Nga có thể tiến xa hơn về phía thành phố Kramatorsk, đô thị lớn cuối cùng mà Ukraine còn giữ ở vùng Donbass và các khu vực lân cận.

Phản ứng trước việc Hạ viện Mỹ thông qua loạt dự luật nêu trên, Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc phê duyệt viện trợ an ninh cho Ukraine sẽ dẫn đến nhiều thiệt hại và thương vong hơn trong cuộc xung đột ở Ukraine. Ông Peskov cho biết quyết định thông qua gói viện trợ này “sẽ làm cho nước Mỹ giàu có hơn, hủy hoại Ukraine hơn và dẫn đến cái chết của nhiều người Ukraine hơn nữa”.

Ông Peskov cũng cho rằng các điều khoản trong luật cho phép Mỹ tịch thu tài sản của Nga bị đóng băng ở nước ngoài và chuyển chúng cho Ukraine để tài trợ cho việc tái thiết sẽ làm hoen ố hình ảnh của Mỹ và Nga sẽ ban hành các biện pháp trả đũa. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh quốc gia Nga Dmitry Medvedev viết trên Telegram cho biết việc Mỹ phê duyệt viện trợ cho Ukraine là điều có thể được dự trù trước và có cơ sở là “bài Nga”. Ông Medvedev viết: “Tất nhiên, chúng ta sẽ chiến thắng bất chấp lượng máu thấm đẫm 61 tỉ USD, phần lớn sẽ bị nuốt chửng bởi tổ hợp công nghiệp quân sự vô độ của họ”.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cho biết việc phê duyệt viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và ở các nơi khác sẽ “làm sâu sắc thêm các cuộc khủng hoảng trên toàn thế giới”. Bà Zakharova cho biết Mỹ muốn Ukraine “chiến đấu đến người Ukraine cuối cùng” cũng như thực hiện các cuộc tấn công trực tiếp vào lãnh thổ Nga. Bà nói thêm: “Việc Washington ngày càng can thiệp sâu hơn vào cuộc chiến tranh chống lại Nga sẽ trở thành một thất bại, cũng giống như họ từng thất bại trong nhiều cuộc chiến trước đây”.

An Châu (Tổng hợp)
.
.
.