Phép thử lớn với nền dân chủ của Hàn Quốc

Thứ Bảy, 09/04/2022, 08:59

Đầu tháng ba vừa qua, người dân Hàn Quốc đã bầu chọn ông Yoon Suk-yeol của Đảng Quyền lực Quốc dân (PPP) làm tổng thống tiếp theo, với tỷ lệ chênh lệch chưa đầy 1% so với ứng cử viên về thứ hai. Ông Yoon Suk-yeol có cả cơ hội và thách thức để cải cách nhiệm kỳ tổng thống ở Hàn Quốc. Kết quả của cuộc bầu cử là một phép thử lớn đối với nền dân chủ của Hàn Quốc.

Nhiệm vụ quan trọng

Để ngăn chặn sự tụt lùi của nền dân chủ và thúc đẩy sự “thay đổi chế độ” mà ông đã cam kết trong chiến dịch bầu cử của mình, Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol có hai nhiệm vụ quan trọng đối với nền chính trị trong nước.

Thứ nhất, ông sẽ cần phải giải quyết rạn nứt chính trị ngày càng gia tăng của Hàn Quốc. Trong lịch sử, cử tri Hàn Quốc bị chia rẽ theo khu vực. Chủ nghĩa đảng phái khu vực có nguồn gốc từ sự cai trị độc tài của bà Park Chung-hee (từ năm 1963-1979), người đã thu hút sự ủng hộ từ quê nhà của ông là khu vực Yeongnam, gồm các tỉnh ở phía Đông Nam. Trong khi đó, những người phản đối bà Park Chung-hee và các nền tảng tiến bộ của phong trào dân chủ hóa đã tập hợp tại khu vực Honam, gồm các tỉnh ở phía Tây Nam.“Sự phân chia Nam-Nam” này cũng đã xuất hiện trong cuộc bầu cử 2022, đặc biệt là ở các cử tri trên 40 tuổi.Tuy nhiên, sự chia rẽ được thể hiện rõ hơn bởi sự khác biệt giữa các thế hệ và giới tính.Sự xung đột về giới cho thấy rằng các vấn đề về giới cần được giải quyết đối với cả nam và nữ. Đối với những thanh niên Hàn Quốc ngoài 20 tuổi, sự ủng hộ của họ dành cho hai ứng cử viên chính là khác nhau giữa nam và nữ. Khoảng 60% nữ giới Thế hệ Z ủng hộ ứng cử viên Lee Jae-myung của Đảng Dân chủ, trong khi 60% nam giới ủng hộ ông Yoon Suk-yeol.

Một trong những cam kết gây tranh cãi hơn của ông Yoon Suk-yeol là giải tán Bộ Bình đẳng giới và Gia đình. Ông Yoon Suk-yeol đã thành công trong việc thu hút sự ủng hộ của nam giới trẻ tuổi, giống với Chủ tịch PPP Lee Jun-seok. Nam giới Hàn Quốc ở độ tuổi ngoài 20 và 30 đã cùng nhau chống lại cái mà họ cho là “phân biệt đối xử ngược” xuất phát từ chủ nghĩa nữ quyền và các chính sách tập trung vào phụ nữ. Mặc dù ông Lee Jae-myung đã thất bại trong cuộc bầu cử tổng thống, song Đảng Dân chủ vẫn giữ quyền kiểm soát Quốc hội.

Mặc dù cơ quan hành pháp có quyền hoạch định chính sách bên ngoài và bên trong cơ quan lập pháp, nhưng ông Yoon Suk-yeol vẫn cần Quốc hội phê duyệt để giải thể bộ này. Và dù đây là đề xuất nhận được nhiều sự chú ý vào tháng 1 và tháng 2/2022, nhưng chỉ một tuần sau cuộc bầu cử, đề xuất này đã vấp phải sự phản đối ngay cả trong chính đảng của ông.

Phép thử lớn với nền dân chủ của Hàn Quốc -0
Tổng thống đắc cử Yoon Suk- yeol.

Thứ hai, ông Yoon Suk-yeol cần có được lòng tin của công chúng bằng cách thực hiện cam kết hàn gắn vết thương của đất nước. Trong bài phát biểu chiến thắng, ông sử dụng một giọng điệu ôn hòa: “Sự cạnh tranh của chúng ta đã kết thúc… Chúng ta phải chung tay đoàn kết vì người dân và đất nước”. Tổng thống đắc cử Yoon Suk-yeol là một người mới tham gia chính trị.Trước đó, ông là một công tố viên lâu năm trong nghề. Ông đã đóng vai trò quan trọng trong một số vụ án nổi tiếng, bao gồm nỗ lực của Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc nhằm tác động đến cuộc bầu cử tổng thống năm 2012 và việc luận tội cựu Tổng thống Park Geun-hye năm 2017. Ông Yoon Suk-yeol đã điều tra các quan chức trong nội các của ông Moon Jae-in, trong đó bao gồm cả cố vấn thân cận của ông kiêm Bộ trưởng Tư pháp Cho Kuk. Trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Yoon Suk-yeol đã cam kết điều tra những hành vi bị cáo buộc là sai trái của chính quyền ông Moon Jae-in - một cam kết đã thu hút sự ủng hộ từ những người ủng hộ ông và làm dấy lên hồi chuông cảnh báo trong đảng cầm quyền.

Có một điều chắc chắn rằng vị thế của Hàn Quốc với tư cách là một nền dân chủ vẫn ở trong tình trạng tốt. Hơn 77% người dân Hàn Quốc đủ điều kiện đã bỏ phiếu trong cuộc bầu cử ngày 9/3, tỷ lệ cao thứ hai kể từ khi Hàn Quốc dân chủ hóa (và chỉ kém kỷ lục 77,2% số cử tri đi bầu năm 2017). Tuy nhiên, các học giả cho rằng trong vòng hơn một thập niên qua, các đặc điểm quan trọng khác của nền dân chủ Hàn Quốc đã bị suy giảm, bao gồm quyền tự do ngôn luận, các ràng buộc của cơ quan tư pháp đối với cơ quan hành pháp và sự suy giảm của xã hội dân sự.

Sau vụ luận tội Tổng thống Park Geun-hye vào năm 2017, một câu hỏi đặt ra cho nền dân chủ Hàn Quốc vào thời điểm đó là có phải bà Park Geun-hye là “kẻ bung xung” cho tội tham nhũng và lạm dụng quyền lực, hay liệu việc luận tội bà có dẫn đến cải cách thể chế lớn hơn nhằm kiểm soát quyền lực của tổng thống hay không. Về nhiều mặt, 5 năm sau, Hàn Quốc đang quay trở lại với những rủi ro tương tự.

Và những thách thức hàng đầu

Theo nhận định của Tiến sĩ Swaran Singh, Giáo sư về ngoại giao và giải trừ quân bị tại Khoa Nghiên cứu Quốc tế, Đại học Jawaharlal Nehru (Ấn Độ), Tổng thống đắc cử Yoon Seok-yeol được cho là sẽ hồi sinh chính sách đối ngoại bảo thủ, theo đó có quan hệ đối tác thân thiện hơn với Mỹ và hướng đến đường lối cứng rắn hơn với Triều Tiên.

Theo vị chuyên gia này, động thái được dự báo nhiều nhất là ông Yoon Seok-yeol sẽ tăng cường chính sách “bên miệng hố chiến tranh” với Triều Tiên. Những người bảo thủ trong chính phủ Hàn Quốc nhìn chung thường tỏ ra cứng rắn với Triều Tiên và ông Yoon Seok-yeol ủng hộ thực thi các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc, cũng như theo đuổi chính sách “không đối thoại” cho đến khi Bình Nhưỡng giải trừ hoàn toàn vũ khí hạt nhân và tên lửa.

Khi đề cập đến cuộc xung đột Ukraine trong cuộc tranh luận tranh cử tổng thống vào tháng trước, ông nói rằng an ninh và hòa bình của một quốc gia không thể bảo vệ được bằng giấy và mực. Trong một lần khác, ông nói: “Hòa bình là vô nghĩa trừ khi nó được hỗ trợ bởi sức mạnh”. Tất cả những điều trên là dấu hiệu cho thấy ông Yoon có thể ủng hộ hiện đại hóa quân đội Hàn Quốc.

Ông Yoon Seok-yeol cũng đã nói về việc xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Mỹ, Nhật Bản và hợp tác trong Đối thoại An ninh Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia) để kiềm chế Bắc Kinh. Sau vụ thử tên lửa thứ 9 của Triều Tiên trong năm nay vào cuối tuần trước, ông cho rằng đó là nỗ lực của Bình Nhưỡng để gây ảnh hưởng đến cuộc bầu cử Tổng thống Hàn Quốc nhằm ủng hộ đối thủ Lee Jae-myung của đảng Dân chủ cầm quyền, người mà ông Yoon Seok-yeol nói là có thiện cảm với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Điều này có thể sẽ thúc đẩy ông Yoon sẵn sàng mua thêm các hệ thống chống tên lửa từ Mỹ để tăng cường khả năng răn đe đối với vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Tuy nhiên, động thái trên cũng sẽ thúc đẩy Triều Tiên tăng tốc phát triển các chương trình tên lửa và hạt nhân. Ngoài ra, diễn biến đó cũng sẽ khiến Bình Nhưỡng lo ngại, dẫn đến việc nước này phải tăng cường hơn nữa khả năng chống tên lửa đạn đạo.

Thách thức hàng đầu đối với ông Yoon Seok-yeol sẽ là đoàn kết, thống nhất ở trong nước. Hàn Quốc vừa chứng kiến một trong những cuộc bầu cử tổng thống khó dự đoán nhất của nước này, kết thúc bằng chiến thắng sít sao khi ông Yoon nhận được 48,56% số phiếu bầu so với 47,83% của đối thủ xếp thứ hai là Lee Jae-myung. Kết quả bầu cử có thể khiến ông Yoon gặp khó khăn trong việc đưa ra những chính sách mạo hiểm, đặc biệt là việc đảo ngược cách tiếp cận “đối thoại và hòa bình” của người tiền nhiệm Moon Jae-in. Ngoài ra, ông cũng phải đối mặt với một loạt vấn đề tồn tại dai dẳng ở trong nước như gia tăng bất bình đẳng trong xã hội, giá nhà ở tăng, tăng trưởng kinh tế trì trệ, thất nghiệp và các vụ bê bối tham nhũng. Do đó, phát biểu sau khi giành chiến thắng hôm 10/3, ông Yoon đã cam kết sẽ “quan tâm đến sinh kế của mọi người” và “cung cấp các dịch vụ phúc lợi cho những người khó khăn”, coi đây là ưu tiên số 1 của ông.

Khi đảm nhiệm cương vị mới và phụ trách nền kinh tế lớn thứ 4 châu Á, thứ 10 thế giới, ông Yoon Seok- yeol sẽ phải đối mặt với những thách thức lớn khác như khôi phục kinh tế thời hậu đại dịch COVID-19, vấn đề thất nghiệp, lạm phát cao và biến động thị trường tiền tệ,... Ngay cả trong chính sách kinh tế đối ngoại, căng thẳng tiếp diễn giữa hai đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc là Mỹ và Trung Quốc sẽ ảnh hưởng đến các ưu tiên của ông Yoon.

Tiến sĩ Swaran Singh lưu ý rằng ông Yoon là người mới tham gia chính trị, nên kinh nghiệm quản lý kinh tế vĩ mô cũng còn hạn chế. Trải qua 27 năm sự nghiệp với tư cách là một công tố viên, ông chỉ được chú ý trong nền chính trị Hàn Quốc khi truy tố cựu Tổng thống Park Geun-hye.Cho đến năm ngoái, ông Yoon Seok-yeol vẫn là Tổng Công tố trong Chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.