Phản ứng quốc tế sau vụ phóng vệ tinh của Triều Tiên
Ngay khi Triều Tiên lên tiếng thừa nhận sự cố trong vụ phóng vệ tinh trinh sát quân sự vào sáng 31/5, Liên hợp quốc và một số quốc gia đã lập tức bày tỏ quan ngại, còn giới chuyên gia lại cho rằng một vụ phóng khác sẽ có thể được thực hiện sớm trong tương lai.
Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 31/5 dẫn lời Cơ quan Phát triển Hàng không Vũ trụ Quốc gia (NADA) Triều Tiên cho biết, nước này đã phóng vệ tinh trinh sát quân sự có tên "Malligyong-1" gắn trên tên lửa đẩy kiểu mới Chollima-1 tại bãi phóng vệ tinh Sohae ở Cholsan, tỉnh Bắc Phyongan lúc 6h27 ngày 31/5 (giờ địa phương) theo kế hoạch. Tuy nhiên, tên lửa đẩy "Chollima-1" đã rơi xuống vùng biển phía Tây bán đảo Triều Tiên sau khi bị mất động lực do sự cố khởi động bất thường của động cơ 2 tầng trong lúc đang bay một cách bình thường.
NADA cho rằng nguyên nhân thất bại là do độ ổn định thấp của hệ thống động cơ kiểu mới được áp dụng cho tên lửa đẩy Chollima-1 và đặc tính không ổn định của nhiên liệu được sử dụng. NADA cũng khẳng định sẽ điều tra kỹ lưỡng các khiếm khuyết nghiêm trọng xuất hiện trong vụ phóng vệ tinh, đồng thời thực hiện các biện pháp khoa học và công nghệ khẩn cấp để khắc phục và tiến hành vụ phóng thứ hai trong thời gian sớm nhất có thể.
Trước đó, Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) sáng cùng ngày tuyên bố Triều Tiên đã phóng vật thể được cho là "phương tiện phóng không gian" về phía Nam. Trong một phản ứng ngay lập tức, chính phủ Nhật Bản đã kích hoạt hệ thống cảnh báo J-Alert tại tỉnh Okinawa, yêu cầu người dân trú ẩn bên trong nhà hoặc dưới lòng đất. Cảnh báo được duy trì trong khoảng 30 phút trước khi dỡ bỏ. Trong khi đó, tại Hàn Quốc, một tin nhắn cảnh báo sơ tán qua điện thoại di động đã được gửi đến toàn bộ người dân thủ đô Seoul vào sáng cùng ngày. Tuy nhiên 22 phút sau, Bộ Nội vụ Hàn Quốc đã rút lại tin nhắn cảnh báo nói trên với lý do nhầm lẫn.
Việc Triều Tiên phóng vệ tinh thực tế không gây nhiều bất ngờ, bởi nước này được cho là đã thông báo với Nhật Bản và Tổ chức Hàng hải Quốc tế (IMO) về kế hoạch phóng vệ tinh trong khoảng thời gian từ ngày 31/5-11/6. Hơn nữa, hôm 30/5, Ri Pyong-chol, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương của Đảng Lao động Triều Tiên, cũng chính thức công bố kế hoạch phóng vệ tinh, cho rằng việc phát triển vệ tinh và các phương tiện do thám khác là "không thể thiếu" để đối phó với "hành động quân sự" của Mỹ và Hàn Quốc.
Mặc dù vậy, động thái phóng vệ tinh trinh sát của Triều Tiên vẫn vấp phải phản ứng của nhiều bên. Sau khi phía Triều Tiên lên tiếng xác nhận, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiến hành điện đàm, nhấn mạnh việc duy trì cảnh giác cao độ và đặt trong tình trạng khẩn cấp, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Hội đồng an ninh Quốc gia Mỹ Adam Hodge cho biết Washington lên án mạnh mẽ vụ phóng của Triều Tiên, nói rằng nước này sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo bị cấm, làm gia tăng căng thẳng và có nguy cơ gây bất ổn an ninh trong và ngoài khu vực.
Nhà Trắng kêu gọi Triều Tiên ngồi vào bàn đàm phán một cách nghiêm túc, và khẳng định sẽ thực hiện mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh cho lãnh thổ đất nước và bảo vệ các đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản. Về phần mình, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Hirokazu Matsuno tuyên bố vụ phóng của Triều Tiên vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ).
Ông Matsuno Hirokazu cũng cho biết Tokyo đã trao công hàm phản đối Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao ở Bắc Kinh. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nhấn mạnh nước này có kế hoạch duy trì các hệ thống phòng thủ tên lửa được triển khai tới các đảo phía Nam và vùng biển phía Tây Nam cho đến ngày 11/6. Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cũng đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng An ninh Quốc gia để thảo luận về việc Triều Tiên phóng "vệ tinh không gian".
Trong diễn biến mới nhất, Stéphane Dujarric, phát ngôn viên Tổng thư ký LHQ cho biết, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres đã ra tuyên bố lên án mạnh mẽ vụ phóng vệ tinh quân sự do Triều Tiên tiến hành. Tuyên bố chỉ rõ, bất kỳ vụ phóng nào sử dụng công nghệ tên lửa đạn đạo đều đi ngược lại các nghị quyết liên quan của HĐBA LHQ. Tổng thư ký LHQ nhắc lại lời kêu gọi Triều Tiên chấm dứt các hành động tương tự và nhanh chóng nối lại đối thoại để đạt được mục tiêu hòa bình bền vững và phi hạt nhân hóa hoàn toàn và có thể kiểm chứng trên Bán đảo Triều Tiên. Tuy nhiên, giới quan sát nghi ngại rằng, Triều Tiên có thể sẽ tiến hành một vụ phóng vệ tinh quân sự khác trong khoảng thời gian đã công bố trước đó. Trong quá khứ, Triều Tiên đã đưa thành công vệ tinh đầu tiên vào quỹ đạo vào năm 2012 và vệ tinh thứ hai vào năm 2016.
Được biết, vụ phóng hôm 31/5 là nỗ lực phóng vệ tinh thứ 6 của Triền Tiên và cũng là lần phóng vệ tinh do thám quân sự đầu tiên của nước này. Vì thế, giới quan sát nhận định Triều Tiên đang nỗ lực tăng cường năng lực giám sát tình báo và trinh sát như một phần của những dự án quốc phòng quan trọng được công bố tại Đại hội lần thứ VIII Đảng Lao động Triều Tiên diễn ra hồi đầu năm 2021.