Ông Zelensky nêu 7 "ứng viên" bảo lãnh an ninh cho Ukraine

Thứ Năm, 07/04/2022, 09:52

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nêu tên 7 quốc gia sẵn sàng thảo luận về việc cung cấp bảo lãnh an ninh cho Kiev trong trường hợp nước này cam kết trung lập trong thỏa thuận tương lai với Nga.

Interfax ngày 7/4 dẫn lời Tổng thống Ukraine Zelensky cho biết, cố vấn của 7 nước, bao gồm Mỹ, Anh, Đức, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và Israel sẽ sớm gặp đại diện Ukraine để thảo luận về các điều khoản bảo lãnh an ninh cho Kiev trong trường hợp nước này cam kết trung lập với Nga.

Ông Zelensky nêu 7
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: Getty Images

"Đây không phải danh sách tất cả các bên tham gia bảo lãnh, nhưng tôi muốn nêu tên các nước sẵn sàng đến và thảo luận về một danh sách (các điều khoản) bảo lãnh an ninh", ông Zelensky nói với kênh truyền hình Haberturk của Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo lời ông Zelenky, Ukraine cần biết rõ những đảm bảo an ninh mà các nước có thể cam kết. "Họ có quan điểm khác nhau. Một vài trong số họ sẵn sàng hỗ trợ đầy đủ trong mọi tình huống. Và một số không sẵn sàng đến mức đó. Bởi vậy, chúng tôi cần một cuộc họp", ông nói.

Nhà lãnh đạo Ukraine cũng nhấn mạnh, ngay khi Ukraine hài lòng với thỏa thuận đạt được với các nước sẵn sàng bảo lãnh, Kiev sẽ tiến hành gặp gỡ phía Nga để thảo luận. Tuy nhiên, ông không nói rõ các cuộc gặp khi nào diễn ra.

Sau vòng đàm phán trực tiếp hôm 29/3 ở Istanbul, Ukraine xác nhận họ đồng ý trung lập và phi hạt nhân hóa với điều kiện được bảo lãnh an ninh bởi một số cường quốc, bao gồm Nga, trong đó, "nội dung và hình thức" thỏa thuận phải tương tự Điều 5 Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), tức bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Ukraine sẽ bị coi là một cuộc tấn công chống lại toàn bộ các nước bảo lãnh.

Năm 1994, Ukraine từng kí Bản ghi nhớ Budapest với Nga, Mỹ và Anh, trong đó Kiev đồng ý từ bỏ loại khoảng 1.900 đầu đạn hạt nhân khỏi lãnh thổ của mình theo khung thời gian quy định. Đổi lại, Nga, Mỹ và Anh cam kết "tôn trọng độc lập, chủ quyền và các biên giới hiện có của Ukraine".

Tuy nhiên, do văn kiện trên không phải một hiệp ước chính thức, nó không có tính ràng buộc về mặt pháp lý, không được quốc hội các nước kí kết thông qua và không có cơ chế thực thi. Ukraine muốn các thỏa thuận trong tương lai phải khắc phục được vấn đề này.

Thái Hà
.
.
.