Những trận động đất kinh hoàng nhất thế giới từ đầu thế kỷ 21
Kể từ đầu thế kỷ 21, thế giới liên tục chứng kiến nhiều trận động đất kinh hoàng, với con số thương vong lên đến hàng trăm nghìn người.
Năm 2002, tại bang Gujarat, Tây Bắc Ấn Độ xảy ra trận động đất mạnh 7,9 độ richter làm 20.000 người thiệt mạng, hơn 500 tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn, các hệ thống cung cấp điện và điện thoại bị phá hủy trên diện rộng.
Ấn Độ đã huy động lực lượng cứu hộ lớn chưa từng có vào thời điểm này, gồm 5.000 binh sĩ cùng 40 máy bay vận tải, trực thăng chở thuốc men, vật dụng và 750 nhân viên y tế cùng 11,5 tấn thuốc. 3 tàu hải quân được sử dụng để chuyên chở người bị thương và làm bệnh viện nổi.
Trận động đất xảy ra ở Bam và xung quanh thuộc tỉnh Kerman, phía Đông Nam Iran ngày 26/12/2003 mạnh 6,6 độ richter, theo ước tính của Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ. Trận động đất đã tàn phá nhà nghiêm trọng cửa với số người thiệt mạng lên tới 26.271 người và khiến hơn 30.000 người bị thương. Ảnh hưởng của trận động đất và thiệt hại càng trở nên trầm trọng hơn khi thành phố này có nhiều ngôi nhà xây từ gạch bùn, không tuân thủ các quy định về phòng tránh động đất và hầu hết khoảng thời gian đó, người dân trong thành phố đều đang ngủ.
Sau trận động đất, quan hệ giữa Mỹ và Iran tạm thời dịu hơn. Chính phủ Mỹ đề nghị hỗ trợ nhân đạo trực tiếp cho Iran và đổi lại, nhà nước Iran hứa sẽ tuân thủ thỏa thuận với Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế.
Năm 2004, một trận động đất mạnh 9,3 độ richter kéo theo sóng thần ở ngoài khơi đảo Sumatra, Tây Indonesia, đã cướp đi sinh mạng của 220.000 người ở các quốc gia ven bờ Ấn Độ Dương, trong đó có 168.000 người Indonesia.
Đây là một trong những thảm họa thiên nhiên tàn khốc nhất lịch sử nhân loại. Không có cảnh báo về trận sóng thần sau động đất, khiến người dân không có thời gian để sơ tán, dù thời gian con sóng tấn công các châu lục cách nhau nhiều giờ.
Theo Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, năng lượng khổng lồ tỏa ra từ trận động đất này được ví tương đương với năng lượng của 23.000 quả bom nguyên tử từng thả xuống Hiroshima, Nhật Bản.
Một năm sau, ngày 28/3/2005, một trận động đất mạnh 8,6 độ richter đã tàn phá khu vực Sumatra, Indonesia, khiến 1.300 người thiệt mạng.
Cũng trong năm này, khu vực Kashmir do Pakistan kiểm soát hứng chịu trận động đất mạnh 7,6 độ richter, khiến hơn 80.000 người chết.
Khu vực chịu ảnh hưởng nhiều nhất là miền bắc Pakistan và khu vực Kashmir do Pakistan quản lý. Tại Kashmir, 3 huyện chính chịu tác động nghiêm trọng và thủ phủ Muzaffarabad bị ảnh hưởng nặng nhất xét theo thương vong và sức tàn phá. Các bệnh viện, trường học, và các dịch vụ cứu hộ bao gồm cảnh sát và lực lượng vũ trang bị tê liệt. Nhiều thị trấn trong khu vực chỉ còn lại là những đống đổ nát hoang tàn sau động đất kinh hoàng này.
Hơn 5.700 người đã thiệt mạng trong một trận động đất xảy ra ở đảo Java, Indonesia trong năm 2006. Trận động đất này mạnh 6,3 độ richter.
Ngày 12/5/2008, trận động đất mạnh 7,9 độ richter xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên của Trung Quốc, khiến 87.000 người thiệt mạng, 10 triệu người mất nhà cửa. Dù tâm chấn ở tỉnh Tứ Xuyên nhưng cả Thượng Hải và Bắc Kinh đều cảm nhận thấy mặt đất rung chuyển khi động đất xảy ra. Đáng chú ý, ngày 17/5 được xem là “ngày kì diệu” khi các nhân viên cứu hộ đã cứu sống 73 người bị chôn vùi dưới đống đổ nát vì sau 100 giờ, cơ hội sống sót là rất hiếm.
Đây là thảm họa lớn nhất của Trung Quốc sau trận động đất Đường Sơn năm 1976, khiến hơn 250.000 người thiệt mạng.
Tại Haiti, ngày 12/1/2010, trận động đất mạnh 7 độ richter đã cướp đi sinh mạng của 316.000 người, theo ước tính của chính phủ nước này. Tâm chấn ở độ sâu khoảng 13km, kéo dài 55 giây, đã san phẳng hầu như toàn bộ thủ đô Port-Au-Prince của Haiti, khoảng 1,5 triệu người mất nhà ở.
Trận động đất khiến khoảng 4.000-6.000 người dân Haiti bị tàn tật vĩnh viễn và cho đến nay họ vẫn đang chật vật để khôi phục lại cuộc sống.
Ngày 11/3/2011 đã trở thành một trong những ngày tồi tệ trong lịch tử Nhật Bản, khi một trận động đất mạnh 9 độ richter gây ra sóng thần và cướp đi sinh mạng của hơn 20.000 người. Các thị trấn dọc bờ biển đều bị những đợt sóng khổng lồ san phẳng chỉ trong một giờ. Ở mức cao nhất, sóng thần tại Miyako, Iwate, được ước tính cao đến 40m.
Khoảng 100.300 ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại một phần do động đất và sóng thần. Thảm họa động đất và sóng thần cũng là tác nhân trực tiếp gây ra các sự cố hạt nhân tồi tệ nhất trong lịch sử Nhật Bản tại Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima số 1 và 2, đồng thời khiến nhiều nhà máy điện hạt nhân khác phải ngừng hoạt động. Số người bị nhiễm phóng xạ sau thảm họa là 190 người. Thảm họa kép đã khiến toàn bộ đất nước Nhật Bản rơi vào tình trạng tồi tệ nhất kể từ sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.
Tại Nepal ngày 25/4/2015, một trận động đất mạnh 7,8 độ richter xảy ra tại vùng Gorkha, ở giữa thủ đô Kathmandu và thành phố Pokhara, với các dư chấn lên có độ lớn lên đến 6,7 độ richter.
Trận động đất kinh hoàng đã làm hơn 8.800 người thiệt mạng và khoảng 6.500 người bị ảnh hưởng, đồng thời kéo theo một vụ lở tuyết trên đỉnh núi Everest làm 17 nhà leo núi thiệt mạng, hơn 60 người bị thương. Đây là thảm họa động đất thảm khốc nhất tại nước này trong hơn 100 năm.
Tháng 9/2018, Indonesia hứng chịu trận động đất mạnh 7,5 độ richter, khiến hơn 4.300 người thiệt mạng. Đây là một trận động đất nông, xảy ra ở phần eo của bán đảo Minahassa, Indonesia, với chấn tâm ở huyện miền núi Donggala, Trung Sulawesi. Trận động đất nằm cách tỉnh lỵ Palu 77 km, và ở tận Samarinda ở Đông Kalimantan cũng như ở Tawau, Malaysia vẫn cảm nhận được.
Vào ngày 14/8/2021, một trận động đất có độ lớn 7,2 đã làm rung chuyển miền Tây Haiti, làm ít nhất 304 người thiệt mạng, hàng trăm người bị thương và mất tích, phá hủy khoảng 950 ngôi nhà, 7 nhà thờ, 2 khách sạn và 3 trường học.
Số liệu: Cơ quan Khảo sát Địa chất Mỹ, hãng tin AP.