Nhiều hãng tin quốc tế bị cấm hoạt động tại một nước châu Phi
Cơ quan quản lý truyền thông của Burkina Faso mới đây thông báo đình chỉ hoạt động của một số hãng tin quốc tế, sau khi những hãng này đưa tin rằng quân đội Burkina Faso tấn công dân thường.
Aljazeera ngày 29/4 đưa tin, các hãng truyền thông gồm Le Monde và TV5 Monde của Pháp, Guardian của Anh và Deutsche Welle của Đức cùng một số hãng tin nước ngoài, đã bị Cơ quan Quản lý Truyền thông (CSC) của Burkina Faso đình chỉ hoạt động.
Phía CSC cho hay, các hãng truyền thông này đưa thông tin không chính xác, vốn được trích dẫn trong báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) có trụ sở tại Mỹ, rằng binh sĩ Burkina Faso lạm quyền, sát hại hơn 200 người trong cuộc tấn công, truy quét lực lượng nổi dậy ở làng Nodin và Soro, hồi cuối tháng 3.
Tuyên bố của Chính phủ Burkina Faso nhấn mạnh: "Chiến dịch truyền thông đi kèm những cáo buộc này cho thấy đây là âm mưu nhằm khiến lực lượng vũ trang của chúng tôi mất uy tín".
Bộ trưởng Thông tin Rimtalba Ouedraogo nêu rõ, Burkina Faso đã mở cuộc điều tra về các sự việc ở làng Nodin và Soro, đồng thời bày tỏ ngạc nhiên vì HRW "xác định được bên có tội và tự đưa ra phán quyết" trong lúc cuộc điều tra đang diễn ra.
CSC trước đó cũng yêu cầu các nhà cung cấp dịch vụ internet cắt quyền truy cập của hãng tin BBC, VOA và tổ chức HRW trong hai tuần liên quan đến báo cáo này.
Burkina Faso, do chính phủ quân sự điều hành từ năm 2022, đang phải ứng phó với cuộc nổi dậy của lực lượng cực đoan tràn vào nước này từ quốc gia láng giềng Mali hồi năm 2015. Các cuộc giao tranh đã khiến hai triệu người Burkina Faso rời bỏ nhà cửa, hàng nghìn dân thường, binh sĩ và cảnh sát thiệt mạng.
Theo Aljazeera, con số thương vong ngày càng tăng đã gây chia rẽ trong nội bộ quân đội Burkina Faso và dẫn tới hai cuộc đảo chính vào năm 2022.