Nhân tố làm trầm trọng hơn rủi ro an ninh lương thực ở châu Á
Ở khu vực châu Á, sự tăng giá lương thực phần lớn do các nhân tố trong nước, nhưng căng thẳng ở Ukraine đã làm trầm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại và kéo dài.
Việc giá năng lượng tăng cao đang thu hút nhiều sự chú ý sau khi xung đột Ukraine nổ ra. Tuy nhiên, chính giá lương thực tăng cao sẽ gây ra hậu quả lớn hơn cho người dân trên khắp khu vực châu Á. Trong những tháng trước khi căng thẳng nổ ra, giá hàng hóa toàn cầu đã tăng đáng kể. Giá dầu thô tăng 56%, trong khi giá khí đốt cũng tăng khoảng 150% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO), giá lương thực toàn cầu cũng đang tăng và hiện đã tăng tới hơn 34% trong năm tính đến tháng 3/2022, một phần do chi phí vận chuyển tăng. Giá lúa mỳ cũng tăng 47%, ngũ cốc tăng 18% và đậu nành tăng 9%. Dầu hướng dương, dầu cọ và dầu đậu nành đều tăng cao lên mức kỷ lục kể từ khi căng thẳng bắt đầu nổ ra. Ở khu vực châu Á, sự tăng giá lương thực phần lớn do các nhân tố trong nước - nhưng căng thẳng đã làm nổi bật và làm trầm trọng thêm các vấn đề đang tồn tại và có thể tiếp tục kéo dài sau khi căng thẳng kết thúc.
Nga và Ukraine tổng cộng chiếm hơn 70% xuất khẩu dầu hướng dương toàn cầu. Nga chiếm 15,7 xuất khẩu lúa mỳ toàn cầu và Ukraine chiếm 8,1%. Ukraine cũng là nước xuất khẩu ngũ cốc lớn, chiếm 14%, và xuất khẩu đậu nành của nước này chiếm 46% thị phần toàn cầu. Năm 2021, Ukraine là nhà cung cấp lúa mỳ lớn thứ hai cho Indonesia và Bangladesh, đồng thời cung cấp 29% nhập khẩu ngũ cốc của Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc là các thị trường lớn nhất cho dầu thực vật của nước này.Ukraine đáp ứng hơn 80% nhu cầu dầu hướng dương của Ấn Độ năm 2021.Quyết định của Indonesia nhằm cấm xuất khẩu dầu cọ vào ngày 23/4 vừa qua đã làm trầm trọng hơn nữa tình hình với thực tế là nước này chiếm hơn một nửa nguồn cung dầu cọ của thế giới. Tất cả những điều này cho thấy những thách thức đối với an ninh lương thực ở châu Á.
Tình trạng thiếu hụt nhiên liệu dẫn đến giá tăng cao đã thu hút nhiều sự chú ý nhưng tình trạng thiếu lương thực lại là yếu tố gây ra bất ổn xã hội sâu sắc hơn. Đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi nghèo hơn, nơi chi phí cho lương thực chiếm phần lớn trong thu nhập của các hộ gia đình so với ở các nước giàu.
Vào cuối những năm 1990, cuộc khủng hoảng tài chính châu Á và tình trạng hạn hán nghiêm trọng do hiện tượng El Nino gây ra đã có tác động sâu sắc. Ở Indonesia trong bối cảnh đồng rupiah “sụp đổ”, việc tăng thuế đối với dầu cọ đã gây ra các cuộc phản kháng mà cuối cùng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Tổng thống Suharto vào năm 1998. Lệnh cấm xuất khẩu dầu cọ của Indonesia nhằm đảm bảo có đủ lương thực ở trong nước cho thấy Tổng thống Joko Widodo đã không quên những bài học của năm 1998. Ở những nơi khác, Trung Quốc đã coi an ninh lương thực là vấn đề không thể đàm phán để nước này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) vào năm 2001.
Các nhân tố khác góp phần làm tăng giá lương thực gồm giá nhiên liệu, phân bón và thức ăn chăn nuôi. Nếu không có phân bón, năng suất cây trồng sẽ giảm không chỉ trong năm nay mà còn trong các năm tiếp theo. Nga là nước xuất khẩu phân bón lớn nhất thế giới, các thị trường then chốt của nước này là Brazil (21%), Trung Quốc (10%), Mỹ (9%) và Ấn Độ (4%). Tác động của cuộc xung đột Ukraine có thể chỉ là một đợt tăng giá tạm thời chứ không phải là tác hại lâu dài. Cùng với đó, biến đổi khí hậu và những tác nhân môi trường khác sẽ là yếu tố có ảnh hưởng lâu dài đối với an ninh lương thực.
Bất chấp sự giàu có đang tăng nhanh ở châu Á, tình trạng nghèo đói về lương thực dường như là vấn đề nan giải. Theo FAO, ước tính có 375,8 triệu người trong khu vực này phải đối mặt với nạn đói vào năm 2020, tăng gần 54 triệu người so với năm 2019. Trong số này có khoảng 306 triệu người sống ở Nam Á. Trên khắp lục địa này, hơn 1,1 tỷ người đã không được tiếp cận đủ lương thực trong năm 2020, tăng gần 150 triệu người so với năm 2019, trong đó, 444 triệu người bị mất an ninh lương thực nghiêm trọng. Các nền kinh tế mới nổi dễ bị tổn thương nhất trước tình trạng giá lương thực tăng vì lương thực thường chiếm hơn 30% chi tiêu hộ gia đình. Trung bình, người dân ở Philippines chi hơn 40% thu nhập trung bình của họ cho lương thực. Ở Việt Nam, con số này là 39%.Ở các nền kinh tế phát triển, con số này là khoảng 15%.
Tin tốt lành là các chính phủ đang nghiên cứu giải pháp dài hạn - bao gồm các chiến lược và chính sách đối phó với biến đổi khí hậu, trong đó có phân bổ nguồn nước, mô hình sử dụng đất, sử dụng dầu thực vật trong nhiên liệu sinh học và chế biến lương thực sau thu hoạch. Những biện pháp này có ý nghĩa then chốt.
Có tới 80% nguồn cung lương thực trong khu vực đến từ 170 triệu nông hộ nhỏ ở Nam Á và Đông Nam Á. Họ cần sự hỗ trợ của khu vực nhà nước và tư nhân để hỗ trợ hậu cần, hạt giống chất lượng cao có khả năng chống chịu thời tiết, phân bón và các nguồn lực khác để tăng năng suất. Các hệ thống nông sản cần cung cấp sản xuất, dinh dưỡng, sinh kế và môi trường tốt hơn. Điều đó đồng nghĩa với sự tiếp cận tốt hơn đối với công nghệ nông nghiệp tiên tiến hơn đặc biệt là hạt giống, bảo quản và logistics. Trong khi đó giá lương thực tăng có thể dẫn đến việc người tiêu dùng trở nên cục bộ, gia tăng sử dụng dầu cọ hay dầu dừa và tiêu thụ gạo nhiều hơn. Việc tập trung vào chuỗi cung ứng khu vực, không phải chuỗi cung ứng toàn cầu, sẽ góp phần giảm bớt rủi ro đối với an ninh lương thực ở châu Á.