Nhà khoa học hàng đầu WHO nói gì về Omicron?
"Omicron dường như có thể vượt qua một số khả năng miễn dịch tự nhiên ở người từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, thực tế là những người đã tiêm vaccine bị nhiễm Omicron không đổ bệnh, đồng nghĩa vaccine đang phát huy hiệu quả bảo vệ và chúng tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục như vậy", Soumya Swaminathan, Nhà khoa học hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nêu rõ.
Reuters ngày 4/12 đưa tin, tại hội nghị Reuters Next ở Geneva (Thụy Sĩ) diễn ra một ngày trước đó, Nhà khoa học hàng đầu WHO Soumya Swaminathan đã đưa ra nhận định công khai về biến chủng Omicron của virus SARS-CoV-2.
Theo bà Soumya Swaminathan, Omicron rất có thể sẽ trở thành biến chủng chiếm ưu thế, song bà nhấn mạnh đây là kịch bản chưa thể dự đoán chắc chắn. Delta hiện vẫn là chủng trội, chiếm 99% ca nhiễm toàn cầu.
"Cần sẵn sàng và thận trọng nhưng không hoảng sợ, bởi chúng ta đang trong tình huống khác một năm trước. Omicron dường như có thể vượt qua một số khả năng miễn dịch tự nhiên ở người từng mắc COVID-19. Tuy nhiên, những người đã tiêm vaccine bị nhiễm Omicron không đổ bệnh, đồng nghĩa vaccine đang phát huy hiệu quả bảo vệ và chúng tôi hy vọng nó sẽ tiếp tục như vậy", Soumya Swaminathan nêu rõ.
Được biết, một nhóm cố vấn kỹ thuật của WHO đang nỗ lực xác định liệu có cần vaccine mới để đối phó Omicron hay không. Tổ chức này cũng đang chuẩn bị cho tất cả tình huống, có thể bao gồm mũi tiêm tăng cường, đặc biệt ở một số nhóm tuổi hoặc bộ phận dân cư dễ bị tổn thương.
Hiện nay, thế giới vẫn chưa chắc chắn về nguồn gốc Omicron, dù biến chủng mới lần đầu được phát hiện ở miền Nam châu Phi. Theo WHO, Omicron có thể bắt nguồn từ những quốc gia không đủ nguồn lực giải trình tự gene các ca nhiễm, đồng thời cho rằng nếu châu Phi được tiếp cận vaccine và triển khai chiến dịch tiêm chủng tốt hơn thì Omicron có thể đã không xuất hiện.
Trước đó, ác nhà khoa học ở Liên minh châu Âu (EU) và Australia dự báo Omicron có thể gây ra nhiều ca nhiễm hơn Delta trong vài tháng tới.