Nguy cơ khủng hoảng nhân đạo mới ở Dải Gaza

Thứ Ba, 12/03/2024, 06:32

Israel cương quyết tiến hành một cuộc đổ bộ vào TP Rafah tiếp giáp biên giới Ai Cập ở phía Nam Dải Gaza để tấn công phong trào vũ trang Hamas, động thái được dự báo sẽ gây ra thương vong khổng lồ cho dân thường Palestine và gây ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo mới.

Trong cuộc phỏng vấn vừa được công bố trên tờ Politico ngày 11/3, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tái khẳng định quân đội nước này chắc chắn sẽ đổ bộ vào TP Rafah ở phía Nam Dải Gaza để tấn công các địa điểm ẩn nấp của phong trào vũ trang Hamas, bất chấp việc cộng đồng quốc tế kêu gọi Tel Aviv tạm ngưng chiến dịch để thực hiện các biện pháp hiệu quả nhằm bảo vệ dân thường Palestine.

Theo Thủ tướng Netanyahu, Israel đã hạ khoảng 13.000 tay súng người Palestine sau 5 tháng giao tranh. “Chúng tôi đã loại trừ 3/4 số tiểu đoàn của Hamas. Và chúng tôi sẽ hoàn thành phần cuối cùng của cuộc chiến”, ông Netanyahu nêu, đề cập đến chiến dịch của Israel ở Rafah. “Chiến sự sẽ không mất quá hai tháng nữa”.

chien su gaza.jpg -0
Người Palestine ở Dải Gaza di chuyển đến khu vực Mỹ thả hàng viện trợ bằng máy bay. Ảnh: ABCNews

Các bình luận trên được Thủ tướng Israel đưa ra trong bối cảnh cộng đồng quốc tế tìm mọi cách ngăn Israel tiến hành đổ bộ vào TP Rafah, nơi 1,5 triệu người Palestine, tức khoảng 60-70% dân số Dải Gaza, đang vật lộn để sinh tồn trong những khu lều trại tạm bợ sau khi họ bị buộc phải rời bỏ nhà cửa ở các khu vực khác của Dải Gaza vì chiến sự. Do diện tích hẹp, mật độ dân số đông, một cuộc tấn công trên bộ của xe tăng và pháo binh Israel được dự báo là có thể gây ra thương vong khổng lồ cho người Palestine ở Rafah.

Tuy vậy, theo Thủ tướng Israel, Rafah là “thành trì cuối cùng của Hamas” và Tel Aviv sẽ không thể đạt mục tiêu chiến sự nếu không tấn công thành phố. “Bất cứ ai bảo chúng ta không nên hành động ở Rafah đều có ý rằng chúng ta sẽ thua cuộc và điều đó sẽ không xảy ra”, nhà lãnh đạo Israel nêu.

Trước thềm tháng lễ Ramadan của người Hồi giáo, dự kiến bắt đầu từ ngày 11/3 đến ngày 4/9, Quốc vương Arab Saudi Salman bin Abdulaziz thúc giục cộng đồng quốc tế thực hiện chức trách của mình để ngăn chặn các hành động bạo lực chống lại người Palestine ở Dải Gaza và tạo hành lang an toàn cho dân thường.

Từ Washington, Mỹ dù ủng hộ Israel nhắm mục tiêu vào Hamas, nhưng phản đối việc Tel Aviv đưa bộ binh tấn công thành phố giáp biên giới Ai Cập. Tổng thống Mỹ Joe Biden tuần trước tuyên bố Israel sẽ chạm “lằn ranh đỏ” của ông nếu đổ bộ Rafah, bởi Washington không thể chấp nhận việc “có thêm 30.000 thường dân Palestine nữa thiệt mạng”. Ông Biden cũng cho rằng, “còn nhiều cách khác để đối phó Hamas”.

Trong tuyên bố mới nhất, Tổng thống Mỹ Biden ngày 11/3 cam kết thúc đẩy ngừng bắn ở Dải Gaza. Washington vài tuần qua ủng hộ một thỏa thuận có nội dung dẫn đến việc tạm dừng giao tranh trong 6 tuần và thả hàng chục con tin Israel để đổi lấy hàng trăm tù nhân Palestine. Tuy nhiên, các cuộc đàm phán vẫn bế tắc khi Israel cáo buộc Hamas nỗ lực kích động bạo lực trên toàn khu vực trong tháng Ramadan; còn Hamas chỉ trích Israel không chịu đáp ứng các điều kiện chấm dứt xung đột và rút quân khỏi Gaza.

Ngày 11/3, Thủ tướng Israel Netanyahu thậm chí đã loại trừ khả năng dừng giao tranh với trào Hamas trong tháng lễ Ramadan. “Chúng tôi không thấy bất cứ đột phá nào trong đàm phán”, ông Netanyahu nói. “Và nếu không có con tin nào được thả, thì cuộc chiến sẽ không có bất cứ khoảng tạm dừng nào”.

Số liệu thống kê của cơ quan y tế của người Palestine cho thấy, từ tháng 10/2023, hơn 31.000 người Palestine đã thiệt mạng vì hỏa lực Israel ở Dải Gaza, và 70.000 người khác bị thương, phần lớn là phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, hàng trăm ngàn người đang đối mặt với nạn đói nghiêm trọng. Dù cộng đồng quốc tế rất nỗ lực khơi thông các tuyến đường đưa viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza, nỗ lực này gặp rất nhiều khó khăn do hỏa lực của các bên tham chiến. Nếu Israel đổ bộ Rafah, tuyến đường bộ duy nhất kết nối Dải Gaza với thế giới bên ngoài thông qua Ai Cập có thể bị cắt đứt.

Trước viễn cảnh đó, theo New York Times, Mỹ hiện đang gấp rút thiết lập một cầu cảng ngoài khơi Dải Gaza làm nơi trung chuyển hàng viện trợ bằng đường biển. Dự kiến việc xây dựng có thể cần khoảng 1.000 người và kéo dài một tháng. Trước khi cầu cảng này đi vào vận hành, Mỹ, Ai Cập, Jordan và một số quốc gia đang tăng cường thả hàng viện trợ xuống các khu vực ở Dải Gaza bằng đường không. Đây được xem là giải pháp tình thế, bởi công suất không cao và tiềm ẩn nguy hiểm. CNN ngày 8/3 cho biết, một số thùng hàng viện trợ đã gặp sự cố về dù hãm và rơi trúng đám đông dưới mặt đất ở TP Gaza, khiến ít nhất 5 người thiệt mạng.

Thái An
.
.
.